Phim truyền hình Lấy danh nghĩa người nhà (Dĩ gia nhân chi danh) khai máy từ ngày 16-9-2019 và được phát sóng trên Đài truyền hình tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc (TQ) từ ngày 10-8-2020. FPT Play và Keeng là các đơn vị mua bản quyền phát sóng tại Việt Nam (VN) ngay sau khi đài Hồ Nam phát xong mỗi tập.
Phim công chiếu đã cắt bỏ, trên mạng vẫn xuất hiện
Bộ phim đã từng nhận được sự quan tâm của rất nhiều khán giả VN. Tuy nhiên, làn sóng phản ứng, tẩy chay bắt đầu xuất hiện khi khán giả Việt phát hiện trong phim có hình ảnh “đường lưỡi bò” của TQ.
Trong quá trình phát sóng, khán giả phát hiện có cảnh nhân vật bước vào thang máy, khi thang máy mở ra thì thấy bảng quảng cáo hiện ra với bản đồ in “đường lưỡi bò” của TQ.
Theo giải thích của các đơn vị mua bản quyền thì họ đã cắt bỏ các cảnh có bản đồ đường lưỡi bò trong phim, chỉ những người xem phim lậu mới thấy được những cảnh đó.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Vi Kiến Thành (Cục trưởng Cục Điện ảnh, Bộ VH-TT&DL) cho biết những phim chiếu trên mạng không thuộc quản lý của Cục Điện ảnh, cục không thẩm định cấp phép và duyệt nội dung phim này.
Tuy nhiên, đề cập đến bộ phim gốc có hình ảnh “đường lưỡi bò” (hình ảnh này dù đã được FPT cắt bỏ khi phát sóng), ông Thành bày tỏ: “Hình ảnh “đường lưỡi bò” trong bộ phim thì người VN nào cũng phản đối, bởi vì đó là xâm phạm chủ quyền của VN”.
Hình ảnh “đường lưỡi bò” trong phim Lấy danh nghĩa người nhà đã được FPT cắt bỏ khi phát sóng nhưng vẫn xuất hiện trên mạng.
Từng yêu cầu gỡ bỏ nội dung xuyên tạc chủ quyền
FPT, một trong những đơn vị mua bản quyền phát sóng bộ phim, cũng là doanh nghiệp được cấp giấy phép cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền tại VN.
Theo Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, Bộ TT&TT thì cung cấp dịch vụ truyền hình có thu tiền thuê bao định kỳ là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, buộc các doanh nghiệp phải có giấy phép.
Nội dung trên dịch vụ truyền hình phải tuân thủ các yêu cầu về biên tập, kiểm soát nội dung trước khi cung cấp đến người dùng/thuê bao theo quy định pháp luật về báo chí, điện ảnh.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là với những phim mà bản gốc đã có sai sót về mặt lịch sử, xuyên tạc lịch sử thì nên chăng là các cơ quan chức năng VN hãy nói không với phim đó, nghĩa là không cấp phép ngay từ đầu. Bởi khi phim đang phát sóng thì hình ảnh của nhân vật đó, bối cảnh đó có nội dung xuyên tạc lịch sử lại xuất hiện tràn lan trên mạng, không thể kiểm soát nổi, dễ gây nhầm lẫn cho khán giả.
Thực tế, Bộ TT&TT đang triển khai các giải pháp đồng bộ vừa khẩn trương hoàn thiện các quy định quản lý đối với dịch vụ phát thanh, truyền hình, vừa tăng cường công tác hậu kiểm đảm bảo ngăn chặn hiệu quả các nội dung trái pháp luật trước mắt và lâu dài.
Trước đó, Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử đã có văn bản gửi Công ty Netflix - doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình xuyên biên giới. Theo đó, Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử thấy rằng các nội dung trên dịch vụ của Công ty Netflix cung cấp đến người dùng VN đang vi phạm các quy định pháp luật hiện hành VN (Luật Trẻ em, Luật Báo chí, Luật Điện ảnh…).
Cụ thể, trên dịch vụ của Công ty Netflix cung cấp nội dung xuyên tạc lịch sử qua phim tài liệu Vietnam War; cung cấp nội dung xuyên tạc về chủ quyền VN qua phim điện ảnh Madam Secretary, hay cung cấp các nội dung mô tả hình ảnh bạo lực, sử dụng ma túy, khiêu dâm qua một loạt phim như Polar, After Porn End, 365 Days...
Các nội dung này không được biên tập để phù hợp truyền thống văn hóa, thuần phong mỹ tục VN; chuyển ngữ tiếng Việt sử dụng từ ngữ thô tục, phá hoại tính trong sáng của tiếng Việt; cho phép trẻ em dễ dàng xem các nội dung không phù hợp với trẻ em.
Chính vì vậy, Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử đã gửi công văn yêu cầu Công ty Netflix chấm dứt hoạt động chuyển ngữ tiếng Việt, gỡ bỏ các nội dung xuyên tạc lịch sử, xuyên tạc chủ quyền, khiêu dâm, vi phạm thuần phong mỹ tục VN trên kho nội dung đang cung cấp đến người dùng VN.
Đồng thời, cục cũng yêu cầu doanh nghiệp thực hiện các thủ tục đề nghị cấp giấy phép theo quy định hiện hành của pháp luật VN trong trường hợp có nhu cầu tham gia thị trường dịch vụ truyền hình tại VN.
Diễn viên trong phim ủng hộ “đường lưỡi bò” Khán giả Việt cũng phản ứng gay gắt bộ phim khi phát hiện bộ ba diễn viên chính Tống Uy Long, Trương Tân Thành và Đàm Tùng Vận từng ủng hộ “đường lưỡi bò”. Vào năm 2018, cả ba diễn viên này đã chia sẻ hình ảnh bản đồ TQ cùng đường chín đoạn bao trọn Biển Đông, xâm phạm chủ quyền của VN cùng với dòng chữ: “TQ, một tấc đất cũng không thể thiếu”. |