Việc tăng giá điện vừa qua không chỉ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp kinh doanh, sử dụng điện mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến từng cá nhân trong cộng đồng.
Ngoài một số ít người dân sử dụng điện để kinh doanh, số còn lại đa số sử dụng nhằm mục đích sinh hoạt. Giá điện tăng làm ảnh hưởng đến cuộc sống hằng ngày của người dân nên rất nhiều người dân muốn lên tiếng, ý kiến về việc thay đổi giá điện này.
Người thắc mắc về giá điện không nhiều?
Chúng ta cần nhìn nhận thẳng thắn và nghiêm túc rằng không phải tất cả người dân đều có cơ hội tiếp cận với các cơ quan truyền thông cũng như chiều ngược lại, các cơ quan truyền thông cũng không thể tiếp xúc với từng người dân để phản ánh ý kiến của họ trên các trang báo. Vì vậy, những người dân tìm đến những kênh không chính thức trên mạng xã hội vốn gần gũi và họ có thể chia sẻ ngay những bất bình của họ.
Trên các trang mạng xã hội vốn có rất nhiều tiếng nói đã cất lên. Rất nhiều hình ảnh biếm họa hay những câu nói châm biếm được đưa ra để chế giễu hành vi tăng giá điện. Tuy vậy, tiếng nói người dân trên những kênh này đã không được lắng nghe và phản hồi. Theo như phản hồi của Bộ Công Thương thì những “người thắc mắc có địa chỉ cụ thể trên các phương tiện thông tin truyền thông không nhiều và đều được giải đáp đầy đủ”.
Thậm chí Bộ Công Thương còn kiến nghị Chính phủ chỉ đạo “Bộ Thông tin và Truyền thông cần có các biện pháp chấn chỉnh hoặc xử lý những cá nhân cố tình xuyên tạc, đưa thông tin không đầy đủ, khách quan về đợt điều chỉnh giá điện vừa qua nhằm kích động, gây rối trật tự, an toàn xã hội”.
Với lý giải về việc tăng giá điện là do tăng các nguyên liệu đầu vào như than, dầu… từ đầu tháng 1-2019, EVN cũng công bố sơ bộ mức tăng và số tiền mà tùy thuộc vào số lượng điện của từng hộ tiêu thụ cần phải nộp thêm. Tuy nhiên, EVN cần phải thông tin đầy đủ và khách quan cho người dân hơn nữa để tránh những phản ứng như vừa qua.
Giá điện tăng làm ảnh hưởng đến cuộc sống hằng ngày của người dân nên rất nhiều người dân muốn lên tiếng, ý kiến về việc thay đổi giá điện này. Ảnh: HTD
Không đẩy khó cho người dân
Điều này chỉ rõ sự khác biệt giữa một doanh nghiệp độc quyền và thị trường cạnh tranh. Quan hệ của doanh nghiệp với người sử dụng là quan hệ người mua - người bán và không có cơ sở để chuyển mối quan hệ này sang các đơn vị và cơ quan khác.
Nếu chỉ một doanh nghiệp độc quyền cung cấp điện thì người dân không có cơ hội chọn lựa và cơ hội lên tiếng cũng không nhiều. Bởi vậy, họ chọn phản ứng trên mạng xã hội. Trong khi đó, việc phản ứng trên mạng xã hội lại được cho là đưa thông tin không đầy đủ, thiếu khách quan và thậm chí còn nâng tầm quan điểm thành kích động, gây rối trật tự, an toàn xã hội. Trong khi đó, với các doanh nghiệp trên thị trường cạnh tranh, phản ứng của người dân dù chỉ là rất nhỏ cũng được lắng nghe và rút kinh nghiệm. Họ coi đó là công việc của doanh nghiệp và doanh nghiệp cần giải quyết để cải thiện và phát triển.
Cùng với nắng nóng kéo dài là nhu cầu sử dụng điện tăng, có những nước thậm chí chọn biện pháp giảm giá điện để hỗ trợ người dân thì việc tăng giá điện liệu có là một chính sách hợp lòng dân? Hay chính sách ấy lại đẩy thêm người dân một bước nữa khó khăn hơn trong việc đối chọi với những khó khăn do thiên nhiên mang lại?