Pháp luật Việt Nam chưa có khái niệm ‘sự kiện bất thường’

(PLO)- Theo GS.TS Đỗ Văn Đại, hiện nay pháp luật Việt Nam chưa có khái niệm sự kiện bất thường.

Hôm nay (25-4), Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), Khoa Luật quốc tế Trường ĐH Luật TP.HCM và Hội Pháp luật Xây dựng Việt Nam (SCLVN) phối hợp tổ chức Hội thảo Trọng tài Xây dựng quốc tế TP.HCM 2024 (HICAC 2024) với chủ đề về "Hợp đồng Xây dựng và Trọng tài quốc tế: Khi các truyền thống pháp luật có sự xung đột".

Ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác

Trong khuôn khổ hội nghị, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam điều phối sự kiện thảo luận chuyên môn về Giao thoa giữa các Truyền thống Pháp luật trong Trọng tài Quốc tế với sự tham dự của hơn 80 đại biểu trong nước và quốc tế.

Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) và Trung tâm Trọng tài Quốc tế Dubai (DIAC) ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác. Ảnh: YC

Theo đó, lĩnh vực Trọng tài quốc tế luôn tồn tại sự giao thoa của đa dạng các hệ thống pháp luật. Với tốc độ toàn cầu hóa đang tăng nhanh, việc các tranh chấp có sự tham gia của các bên và Trọng tài viên đến từ các truyền thống pháp luật có sự khác biệt đang ngày càng phổ biến. Các tranh chấp xuyên biên giới và tranh chấp đầu tư là không thể tránh khỏi đối với các nền kinh tế mở cửa sâu rộng.

Trong khi làn sóng hài hòa hóa pháp luật đang ngày càng lan rộng, thực tiễn lại cho thấy có sự khác biệt trong việc luật được lựa chọn để điều điều chỉnh, từ thỏa thuận trọng tài đến phán quyết trọng tài. Sự giao thoa giữa Hệ thống pháp luật Phương Đông và Phương Tây trong trọng tài quốc tế đã và đang đặt ra những thách thức nhưng cũng là cơ hội trong việc hướng tới vận hành thủ tục tố tụng trọng tài một cách công bằng và hiệu quả.

Tại chương trình, cũng đã diễn ra Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) và Trung tâm Trọng tài Quốc tế Dubai (DIAC). Theo Thỏa thuận Hợp tác, hai bên cam kết đồng hành cùng nhau trong các hoạt động nhằm thúc đẩy sự phát triển của các phương thức giải quyết tranh chấp thương mại hiệu quả thông qua trọng tài thương mại cũng như các phương thức giải quyết tranh chấp (ADR) khác.

Thỏa thuận Hợp tác giữa VIAC và DIAC được kỳ vọng sẽ tiếp thêm một bước tiến trong việc tăng cường quan hệ kinh tế và đầu tư giữa doanh nghiệp Việt Nam và Dubai cũng như các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất.

Sự khác nhau giữa bất khả kháng và sự kiện bất thường

Cũng trong hôm nay đã diễn ra buổi thảo luận một số điều khoản có thể gây xung đột trong các hợp đồng xây dựng quốc tế do Hội Pháp luật Xây dựng Việt Nam điều phối.

GS.TS Đỗ Văn Đại (Trường ĐH Luật TP.HCM) trình bày tại hội thảo. Ảnh:YC

Tại phiên này, GS.TS Đỗ Văn Đại (Trường ĐH Luật TP.HCM) trình bày về bất khả kháng, hoàn cảnh thay đổi cơ bản và sự kiện bất thường.

Theo GS.TS Đại, pháp luật Việt nam hiện nay chưa có khái niệm sự kiện bất thường. Sự kiện bất thường là khách quan, không lường trước được, đây là điểm chung với sự kiện bất khả kháng ở Việt Nam. Tuy nhiên, theo Fidic 2017 (hợp đồng mẫu xây dựng của Hiệp hội Quốc tế các kỹ sư tư vấn) sự kiện bất thường là khi không thể vượt qua được “một cách hợp lý” lại cho thấy không phải là bất khả kháng ở Việt Nam, cụm từ “một cách hợp lý” phải hiểu như thế nào?

Về hoàn cảnh thay đổi, theo GS.TS Đại đã được quy định tại Điều 420 BLDS 2015. Hoàn cảnh thay đổi giống bất khả kháng ở chỗ do nguyên nhân khách quan xảy ra, các bên không thể lường trước được về sự thay đổi hoàn cảnh. Tuy nhiên, khác với bất khả kháng, hoàn cảnh thay đổi có một số đặc điểm như việc tiếp tục thực hiện hợp đồng mà không có sự thay đổi nội dung hợp đồng sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng cho một bên...

GS.TS Đại nêu một ví dụ điển hình cho hoàn cảnh thay đổi. Vụ án mà một bên nhà thầu và chủ đầu tư ký hợp đồng xây dựng với giá 60 tỉ trong vòng 5 năm. Đến năm thứ 3 xây dựng thì nhà nước nâng tiền lương tối thiểu, nhà thầu vẫn cam kết xây được nhưng nhà thầu cảm thấy rất khó khăn khi thực hiện hợp đồng chi phí tăng lên nhiều do tiền lương tối thiểu tăng. Cuối cùng, VIAC đã ra phán quyết đây chính là hoàn cảnh thay đổi và giá hợp đồng đã phải nâng từ 60 tỉ lên 69 tỉ đồng.

Theo GS.TS Đại, bất khả kháng ở Việt Nam là các bên không thể làm được, không thể thay đổi và buộc phải dừng lại. Còn hoàn cảnh thay đổi vẫn thay đổi được, nếu không thay đổi thì một bên sẽ bị thiệt hại nghiêm trọng. Chẳng hạn như đại dịch COVID-19, hợp đồng xây dựng vẫn thực hiện được nhưng để xây dựng thì chi phí lại tăng lên rất nhiều. Trường hợp này không phải là bất khả kháng vì vẫn xây dựng được nên đây chỉ là hoàn cảnh thay đổi.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới