Bàn thêm về việc 'con học giỏi có được xem là tình tiết giảm nhẹ?'

(PLO)- Con học giỏi cũng cho thấy sự giáo dục tốt của cha mẹ và gia đình; do đó nếu xem tình tiết đó là tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo thì cũng có thể chấp nhận được.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tháng 5-2023, TAND Cấp cao tại Hà Nội xét xử phúc thẩm vụ án AIC thông thầu ở Bệnh viện Đồng Nai để xem xét kháng cáo của các bị cáo. Trong số đó có kháng cáo của bị cáo Lê Thị Hương (cựu Phó ban Kế toán Công ty AIC).

Xét xử sơ thẩm, TAND TP Hà Nội tuyên phạt bà Hương mức án 3 năm tù về tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng. Tại cấp phúc thẩm, bà Hương cung cấp các tình tiết mới; trong đó có việc con trai có thành tích xuất sắc trong học tập, được UBND TP Hà Nội tặng Bằng khen. Sau khi xem xét, tòa phúc thẩm đã chấp nhận cho bà Hương hưởng án treo.

Việc tòa phúc thẩm áp dụng các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự theo điểm b, s, t, v khoản 1, khoản 2 Điều 51 BLHS, từ đó áp dụng Điều 65 BLHS đối với bà Hương để giữ nguyên mức hình phạt nhưng cho hưởng án treo là không trái luật.

tinh-tiet-giam-nhe-9251.jpeg
Bị cáo Lê Thị Hương (áo xanh, ở giữa). Ảnh: CTV

Theo Điều 1 Nghị quyết 02/2018 của HĐTP TAND Tối cao, thì án treo là biện pháp miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện, được Tòa án áp dụng đối với người phạm tội bị phạt tù không quá 3 năm, căn cứ vào nhân thân của người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ, xét thấy không cần bắt họ phải chấp hành hình phạt tù.

Khi Toà án đã căn cứ vào các quy định “cứng” của pháp luật để xét xử và không có sai sót gì thì hình phạt của bị cáo Hương như vậy là chấp nhận được.

Tuy nhiên, có một tình tiết đặc biệt là tòa án cấp phúc thẩm áp dụng tình tiết “bị cáo có con trai được UBND TP Hà Nội tặng Bằng khen” như là một tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự theo khoản 2 Điều 51 BLHS.

Theo đó “Khi quyết định hình phạt, tòa án có thể coi đầu thú hoặc tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ, nhưng phải ghi rõ lý do giảm nhẹ trong bản án”. Vậy “tình tiết khác” là tình tiết gì? Và tình tiết “bị cáo có con trai được UBND TP Hà Nội tặng Bằng khen” có được xem là tình tiết khác theo khoản 2 Điều 51 BLHS?

Tại Công văn số 212 ngày 13-9-2019 của TAND Tối cao về việc thông báo kết quả giải đáp trực tuyến một số vướng mắc trong xét xử đã nêu ra thắc mắc của các toà cấp dưới: Khi quyết định hình phạt, Tòa án có được coi các tình tiết về nhân thân của bị cáo như trình độ học vấn thấp, là lao động chính, có con nhỏ, có ông bà là người có công cách mạng... là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 2 Điều 51 BLHS hay không?

thac-si-nguyen-duc-hieu.jpeg
Tác giả - ThS Nguyễn Đức Hiếu, Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia TP.HCM

TAND Tối cao đã giải đáp: Hiện nay quy định tại khoản 2 Điều 51 BLHS năm 2015 chưa được HĐTP TAND Tối cao hướng dẫn cụ thể. Tuy nhiên trong quá trình xét xử, tòa án có thể tham khảo quy định tại điểm c mục 5 Nghị quyết số 01/2000 ngày 4-8-2000 của HĐTP TAND Tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định trong phần chung của BLHS năm 1999 để xác định tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 2 Điều 51 của BLHS năm 2015, cụ thể như sau:

Vợ, chồng, cha, mẹ, con, anh, chị, em ruột bị cáo là người có công với nước hoặc có thành tích xuất sắc được Nhà nước tặng một trong các danh hiệu vinh dự như: anh hùng lao động, anh hùng lực lượng vũ trang, bà mẹ Việt Nam anh hùng, nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú, nhà giáo nhân dân, nhà giáo ưu tú, thầy thuốc nhân dân, thầy thuốc ưu tú hoặc các danh hiệu cao quý khác theo quy định của Nhà nước.

Ngoài ra, khi xét xử, tùy từng trường hợp cụ thể và hoàn cảnh cụ thể của người phạm tội mà còn có thể coi các tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ, nhưng phải ghi rõ trong bản án.

Khi xét trong trường hợp bị cáo có tình tiết “con trai được UBND TP Hà Nội tặng Bằng khen” thì cũng có thể chấp nhận được bởi: Đối với một người con đang còn nhỏ tuổi thì thành tích của cháu chính là thành tích học tập của cháu. Mặt khác, có người con học giỏi cũng cho thấy phần nào sự giáo dục tốt của cha mẹ và gia đình; do đó việc tòa đưa tình tiết đó vào làm tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo là hợp lý và có thể chấp nhận được.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm