Ngày 17-5, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết thi hành Luật Giám định tư pháp và Đề án tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp theo hình thức trực tuyến tại 64 điểm cầu.
Hội nghị đánh giá toàn diện kết quả, tồn tại, hạn chế, xác định nguyên nhân, bài học kinh nghiệm. Đồng thời, hội nghị cũng đã đưa ra giải pháp, kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung Luật Giám định tư pháp và đề xuất, kiến nghị Chính phủ tiếp tục triển khai, thực hiện các nhiệm vụ của Đề án.
Phát biểu tại điểm cầu TP.HCM, ông Phan Thanh Tùng, Phó Giám đốc Sở Tư Pháp TP.HCM, cho biết hàng năm, số lượng án phải giải quyết của TP nhiều nhất cả nước, tính chất và mức độ của từng loại án cũng rất phức tạp. Điều này dẫn đến nhu cầu trưng cầu giám định tư pháp để phục vụ cho việc điều tra, truy tố, xét xử, giải quyết các vụ án trên địa bàn là rất lớn.
Cũng theo ông Tùng, tại TP.HCM hiện có Trung tâm Pháp y thuộc Sở Y tế Thành phố, Phòng Kỹ thuật hình sự thuộc Công an Thành phố và Văn phòng giám định tư pháp Sài Gòn (hoạt động trong lĩnh vực tài chính); có 6 tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc trong lĩnh vực xây dựng, xe cơ giới, khoa học và công nghệ.
Qua thống kê cho thấy từ ngày 1-1-2018 đến ngày 30-6-2023, tổng số vụ việc giám định trong các trong lĩnh vực là 124.280 vụ việc. Năm 2023, TP.HCM đã chi bồi dưỡng cho người làm công tác giám định tư pháp gần 2,5 tỉ đồng.
Phó Giám đốc Sở Tư Pháp TP.HCM cho biết thông qua công tác quản lý Nhà nước về giám định tư pháp, UBND TP nhận thấy có những khó khăn vướng mắc như: Phạm vi các lĩnh vực được phép thành lập văn phòng giám định tư pháp còn hẹp; điều kiện thành lập Văn phòng giám định tư pháp không khả thi. Cụ thể, không cho giám định viên tư pháp là cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan quân đội, sĩ quan công an nhân dân,….;
Quy định về các trường hợp miễn nhiệm giám định viên tư pháp chưa phù hợp với thực tế (giám định viên tư pháp nghỉ hưu, nghỉ việc thì miễn nhiệm, muốn thành lập Văn phòng phải thực hiện thủ tục bổ nhiệm lại), dẫn đến khó khăn không có nguồn giám định viên để thực hiện chủ trương xã hội hoá hoạt động giám định tư pháp….
Trên cơ sở đó, UBND TP.HCM có một số đề xuất, kiến nghị như: Kiến nghị Bộ Tư pháp phối hợp với các Bộ, ngành nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện các quy định về việc thành lập Văn phòng giám định tư pháp, việc miễn nhiệm giám định viên tư pháp, ban hành các quy trình thống nhất trong thực hiện giám định; bổ sung quy định về cơ chế phối hợp giám định của các cơ quan chuyên môn đối với các vụ việc yêu cầu giám định nhiều lĩnh vực Kiến nghị Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Tư pháp và các Bộ, ngành nghiên cứu, có cơ chế ưu đãi để khuyến khích các nguồn lực xã hội đầu tư vào hoạt động giám định tư pháp; xây dựng chế độ đãi ngộ tương xứng để thu hút chuyên gia giỏi trên các lĩnh vực tham gia vào hoạt động giám định tư pháp; nghiên cứu, xây dựng cơ chế cho phép các cơ quan, tổ chức, giám định viên tư pháp thuê các doanh nghiệp thẩm định giá để thực hiện giám định tư pháp….
Hơn 1 triệu vụ việc được trưng cầu để tiến hành tố tụng
Luật Giám định tư pháp được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 20-6-2012, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2013 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp có hiệu lực từ ngày 1-1-2021. Thực hiện Luật Giám định tư pháp, trong thời gian qua, các bộ, ngành, địa phương đã tăng cường bổ nhiệm giám định viên tư pháp. Đến nay, cả nước có 580 tổ chức giám định tư pháp đã thực hiện 1.039.615 vụ việc ở các lĩnh vực chủ yếu theo trưng cầu của các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng.
Hội nghị đã đánh giá toàn diện kết quả, tồn tại, hạn chế, xác định nguyên nhân, bài học kinh nghiệm, từ đó đưa ra 9 giải pháp, 3 kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung Luật Giám định tư pháp. Đồng thời, Bộ Tư pháp có 5 đề xuất, kiến nghị Chính phủ đối với Đề án 250, nhằm tiếp nối, phát huy những kết quả đã đạt được trong việc đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định đáp ứng tốt yêu cầu của hoạt động tố tụng trong thời gian tới….