Phán quyết của tòa về 54 sổ tiết kiệm đứng tên mẹ và con ông chủ Việt Á

(PLO)- HĐXX phúc thẩm cho rằng nguồn gốc số tiền trong 54 sổ tiết kiệm là từ tiền hưởng lợi bất chính của ông chủ Việt Á, không có cơ sở để trả lại.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều hôm qua, 17-5, bên cạnh mức án phúc thẩm đối với 11 bị cáo trong vụ Việt Á, HĐXX phúc thẩm cũng ra phán quyết về phần dân sự. Theo đó, HĐXX bác yêu cầu hủy bỏ phong tỏa 54 số tiết kiệm đứng tên mẹ và con bị cáo Phan Quốc Việt (Chủ tịch kiêm TGĐ Công ty Việt Á).

Sổ tiết kiệm.jpg
Số tiền trong 52 sổ tiết kiệm là do bị cáo Phan Quốc Việt (áo xanh, bên phải) có được trong quá trình phạm tội. Ảnh: CTV

Tại phiên tòa phúc thẩm, bà Đàm Thị Trinh, mẹ bị cáo Việt trình bày kháng cáo liên quan số tiền hàng trăm tỉ đồng trong 52 sổ tiết kiệm đang bị phong tỏa. Theo lời trình bày của bà Trinh, đây là số tiền vợ chồng bà tích cóp mấy chục năm qua do kinh doanh và 1.000 cây vàng của hồi môn. Việt vay bà để kinh doanh sau đó chuyển trả.

Bà Hồ Thị Thu Thủy, vợ bị cáo Phan Quốc Việt, kháng cáo với đề nghị hủy bỏ việc kê biên, phong tỏa 2 sổ tiết kiệm đứng tên 2 con với tổng số tiền là 20 tỉ đồng. Theo bà Thủy đây là số tiền 20 tỉ đồng này là tiền tích cóp trong hơn 10 năm của hai vợ chồng bà để cho các con ăn học, Việt chuyển cho bà để mở sổ tiết kiệm.

Tuy nhiên, theo HĐXX, dù mẹ ông chủ Việt Á khai rằng trước đây bà cho con trai vay 450 tỉ đồng, số tiền này là tiền con trai trả nợ và xuất trình các vi bằng thể hiện việc bà đi vay tiền nhiều người để cho Việt vay. Song các vi bằng đều được xác lập đơn phương, không có chữ ký của người cho vay.

Nếu thực sự có việc bà vay tiền người khác cho con vay, sau đó Việt trả nợ thì đó cũng là giao dịch dân sự, không thuộc phạm vi xem xét của vụ án này.

Nguồn gốc các khoản tiền này là do bị cáo Việt chuyển trong quá trình phạm tội, là tiền thu lời bất chính. Do đó, HĐXX cho rằng việc thu hồi là có căn cứ, đúng pháp luật, không chấp nhận kháng cáo của bà Trinh và bà Thủy, tiếp tục phong tỏa các sổ tiết kiệm.

Về kháng cáo của Công ty Việt Á, Công ty đề nghị xác định số tiền hơn 800 tỉ đồng không phải là thiệt hại của vụ án như bản án sơ thẩm đã tuyên.

Tuy nhiên, HĐXX cho rằng đây là số tiền có được từ việc Công ty Việt Á nâng khống giá kit xét nghiệm và đã bán được hơn 4 triệu kit xét nghiệm, hưởng lợi bất chính. Tiền hối lộ và chi hoa hồng được trích ra từ nguồn hưởng lợi bất chính này. Đối trừ khoản này, bản án sơ thẩm buộc bị cáo Phan Quốc Việt phải nộp lại hơn 600 tỉ đồng là có căn cứ.

Công ty Việt Á còn yêu cầu Tòa án buộc 80 đơn vị tiền kit xét nghiệm trả nốt nợ cho Việt Á. Tuy nhiên, HĐXX giải thích, tòa phúc thẩm chỉ giải quyết nội dung đã được tòa sơ thẩm ra phán quyết và có kháng cáo.

Bản án sơ thẩm đã trao quyền cho Việt Á khởi kiện dân sự trong vụ án khác để đòi nợ, do không thuộc phạm vi giải quyết của vụ án, Vì thế, cấp phúc thẩm cũng không có căn cứ xét kháng cáo này.

Với đề nghị của công ty Việt Á về việc hủy bỏ biện pháp ngăn chặn với 21 tài khoản ngân hàng, liên quan các công ty thuộc "hệ sinh thái" Việt Á, tòa phúc thẩm cũng cho rằng cấp sơ thẩm không xem xét nên không có căn cứ chấp nhận.

Tuy nhiên, HĐXX cấp phúc thẩm kiến nghị cơ quan điều tra, trong quá trình xử lý làm rõ các tình tiết, nếu xét thấy 21 tài khoản ngân hàng này không liên quan đến hành vi phạm tội trong vụ án nào khác thì cần tiến hành giải phong tỏa, hủy bỏ các biện pháp ngăn chặn để giao lại cho Việt Á.

HĐXX chấp nhận kháng cáo của vợ bị cáo Trịnh Thanh Hùng (cựu Vụ phó Bộ KH&CN) đề nghị hủy bỏ phong tỏa các sổ tiết kiệm với tổng số tiền 3,9 tỉ đồng do bị cáo Hùng đã khắc phục hết hậu quả vụ án, đã nộp hình phạt bổ sung, án phí sơ thẩm.

Tương tự, HĐXX cũng quyết định chấp nhận đề nghị của vợ bị cáo Phạm Duy Tuyến (cựu Giám đốc CDC Hải Dương) xin hủy bỏ phong tỏa sổ tiết kiệm 1 tỉ đồng và gỡ bỏ lệnh kê biên nhà đất do bị cáo Tuyến đã thực hiện xong nghĩa vụ dân sự.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm