Cải cách tòa án nên là trung tâm của cải cách tư pháp giai đoạn tới

Phát biểu khai mạc hội thảo quốc gia, chủ đề “Tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả cải cách tư pháp đáp ứng yêu cầu xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”, sáng 17-1, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh xây dựng chiến lược cải cách tư pháp là một trong những nội dung trọng tâm của đề án xây dựng Nhà nước pháp quyền mà Bộ Chính trị đang tập trung chỉ đạo.

Điểm lại kết quả tổng kết thực hiện Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị khóa IX, ông Vương Đình Huệ cho biết sau ba nhiệm kỳ triển khai, nền tư pháp nước ta đã có bước tiến dài. Nổi bật là nhận thức của cấp ủy, chính quyền cũng như xã hội về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác tư pháp được nâng lên rõ rệt. Công tác xây dựng thể chế, đặc biệt là Hiến pháp 2013 đã thể chế hóa một số nội dung của Nghị quyết 49, khẳng định những giá trị văn minh của nhà nước pháp quyền hiện đại. Cơ sở vật chất các cơ quan tư pháp từ huyện lên Trung ương đã được đầu tư bài bản, thay đổi bộ mặt, vị thế của chính mình…

Hội thảo quốc gia về cải cách tư pháp do Ban Chỉ đạo xây dựng đề án Chiến lược xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đến năm 2030, định hướng 2045 tổ chức. Ảnh: TTXVN

Tuy nhiên, cải cách tư pháp vẫn còn nhiều hạn chế từ nhận thức tới thực tiễn. Những vấn đề rất cơ bản như nội hàm tư pháp, quyền tư pháp, cơ quan tư pháp, độc lập tư pháp kiểm soát quyền lực tư pháp... vẫn chưa thống nhất về cách hiểu. Điểm lại nhiều nội dung của Nghị quyết 49 năm 2005 đến giờ vẫn được giới nghiên cứu khẳng định tính đúng đắn, nhưng chưa được thực hiện hoặc thực hiện chưa hiệu quả.

Trong những nội dung chưa triển khai ấy, chậm trễ nhất là cải cách tổ chức bộ máy các cơ quan tư pháp, xây dựng và thực hiện cơ chế phân công, phối hợp kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan trong hoạt động tư pháp, và cả trong đổi mới thủ tục hành chính tư pháp...

Vậy nên, bàn việc cải cách tư pháp trong tổng thể đề án chiến lược xây dựng Nhà nước pháp quyền lần này, theo ông Huệ, cần tìm ra giải pháp để khắc phục những khó khăn đã bộc lộ, đưa ra kiến nghị, đề xuất đúng đắn, khả thi, có lộ trình thực hiện phù hợp.

Chuẩn bị cho hội thảo này là tập tham luận 365 trang do Ban Nội chính Trung ương – cơ quan đầu mối chủ trì xây dựng đề án Nhà nước pháp quyền tổng hợp từ 23 nhà lý luận và thực tiễn. Tất cả đều được trân trọng mời dự hội thảo.

Vỏn vẹn một buổi sáng với 9 tham luận trình bày trực tiếp và 3 ý kiến thảo luận, nhưng điểm thống nhất là đa số diễn giả đều khẳng định phải tiếp tục chọn tòa án là khâu đột phá trong chiến lược cải cách tư pháp giai đoạn tới.

Cũng vì vậy, thời gian tới cần tập trung cải cách tổ chức và hoạt động của tòa án, để tòa án khẳng định được vai trò đặc biệt của mình: Là cơ quan thực hiện quyền tư pháp đã được Hiến định; là biểu tượng của công lý, công bằng, lẽ phải; là nơi thể hiện rõ nét nhất bản chất của nhà nước pháp quyền; và phán quyền của tòa án thể hiện được chất lượng hoạt động cũng như uy tín của cả hệ thống tư pháp trong Nhà nước pháp quyền XHCN.

Cho dù kết quả triển khai Nghị quyết 49 còn nhiều hạn chế, nhưng kết quả đến lúc này, thể hiện qua các ý kiến tại hội thảo cho thấy nhận thức chung của giới chuyên gia, người làm thực tiễn trong cả ngành công an, kiểm sát, tòa án đều khẳng định: Bảo đảm tính độc lập tư pháp là chuẩn mực chung của tư pháp hiến đại, là yếu tố tất yếu, đặc trưng của nhà nước pháp quyền, gắn với dân chủ, công bằng, công lý.

Các phân tích tại hội thảo cho thấy trong điều kiện chính trị một đảng duy nhất lãnh đạo, độc lập tư pháp vẫn hoàn toàn có thể thực thi khi mà mục tiêu, tôn chỉ của Đảng phù hợp với những giá trị đặc trưng, cốt lõi của Nhà nước pháp quyền XHCN.

Về vấn đề này, trong phát biểu bế mạc, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dẫn Kết luận 84 của Bộ Chính trị, trong đó khẳng định Đảng luôn nỗ lực hoàn thiện phương thức lãnh đạo của mình. “Vấn đề đặt ra là phải xây dựng, hoàn thiện cơ chế, nội dung, phương thức lãnh đạo của Đảng với các cơ quan tư pháp và hoạt động tư pháp để ngăn ngừa sự can thiệp không đúng pháp luật. Cùng với đó, cần tiếp tục cải cách, đổi mới mô hình quản lý hành chính trong các cơ quan tư pháp để bảo đảm sự độc lập của thẩm phán” – Trưởng ban Chỉ đạo xây dựng đề án nhà nước pháp quyền nói.

Hội thảo quốc gia về cải cách tư pháp dưới sự chủ trì của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, cùng ba vị Ủy viên Bộ Chính trị khác, đều thuộc Ban Chỉ đạo xây dựng đề án Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đến 2030, định hướng 2045.

Phát biểu thẳng thắn của những chuyên gia từng chắp bút cho dự thảo Nghị quyết 49 từ 17 năm trước được Chủ tịch nước đánh giá là “rất tâm huyết, trí tuệ, trên tinh thần cải cách, đổi mới”. Ông cho biết đã yêu cầu tổ biên tập tổng hợp đầy đủ, tiếp thu tối đa vào đề án đang trong quá trình soạn thảo.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm