Chánh án TAND TP Đà Nẵng nói về 28 tài sản liên quan tới Vũ ‘nhôm’

Sáng 17-12, kỳ họp thứ tư HĐND TP Đà Nẵng tiếp tục phiên chất vấn.

Đại biểu Lương Công Tuấn đã chất vấn về việc số bản án, quyết định của TAND TP và TAND quận/huyện bị sửa, hủy do nguyên nhân chủ quan vẫn diễn ra, mặc dù tỉ lệ thấp. Đại biểu Tuấn đề nghị cần có giải pháp khắc phục tình trạng này.

Đại biểu Lương Công Tuấn. Ảnh: TẤN VIỆT

Giải trình các chất vấn của Đại biểu Tuấn, bà Nguyễn Thị Cảnh, Chánh án TAND TP Đà Nẵng cho biết có nhiều nguyên nhân dẫn đến án bị hủy, sửa.

Cụ thể, có những vụ án dân sự mà tính chất vụ việc dân sự, hành chính ngày càng phức tạp, liên quan nhiều lĩnh vực, nhiều quan hệ pháp luật khác nhau, đan xen lẫn nhau. Chính sách pháp luật có nhiều thay đổi. Một số quy định pháp luật chưa cụ thể, rõ ràng, chưa sát với thực tế dẫn đến có nhiều cách hiểu khác nhau.

Bà Cảnh nêu ví dụ về bên thứ ba ngay tình đã giao dịch đất đai, được cấp sổ hồng thì pháp luật quy định phải bảo vệ quyền lợi cho họ. Nhưng vẫn có quan điểm "dân sự trong hình sự".

Khi đối tượng phạm tội đã chiếm đoạt tài sản chuyển nhượng cho bên thứ ba thì về nguyên tắc tài sản do người phạm tội mà có là phải thu hồi để trả lại cho người bị hại.

“Cụ thể nhất là vụ Phan Văn Anh Vũ. Bản án phúc thẩm của TAND Cấp cao tại Hà Nội đã có hiệu lực pháp luật và tuyên kê biên 28 tài sản để đảm bảo thi hành án. Nhưng quá trình thi hành án thì cơ quan thi hành án lại cho rằng những người có quyền lợi liên quan đến 28 tài sản này có quyền khởi kiện ra tòa”, bà Cảnh nói.

Bà Nguyễn Thị Cảnh, Chánh án TAND TP Đà Nẵng. Ảnh: TẤN VIỆT

Nhưng quan điểm của TAND TP Đà Nẵng là sự việc đã được giải quyết bằng bản án có hiệu lực pháp luật thì sẽ không giải quyết nữa. Nên những đơn khởi kiện liên quan đến những tài sản này, TAND TP Đà Nẵng trả lại.

Khi TAND TP Đà Nẵng giải quyết xong khiếu nại thì các đương sự khiếu nại lên TAND Cấp cao tại Đà Nẵng và cấp này giữ nguyên quan điểm như quan điểm của TAND TP Đà Nẵng.

“Đây là ví dụ cụ thể để thấy rằng việc hiểu quy định pháp luật và vận dụng thế nào cũng còn nhiều vấn đề tranh cãi”, bà Cảnh dẫn chứng.

Bà Cảnh cũng nêu nhiều nguyên nhân khác khiến bản án bị hủy, sửa như: Thu thập chứng cứ không đầy đủ dẫn đến đưa ra phán quyết không đúng; quan điểm đánh giá chứng cứ, hành vi và định tội của các cơ quan tố tụng cùng cấp hoặc giữa cấp dưới và cấp trên khác nhau...

Để khắc phục tình trạng này, bà Cảnh cho hay đã đưa ra nhiều giải pháp. Trong đó có việc kiến nghị TAND Tối cao giải đáp những vướng mắc, khó khăn và hướng dẫn thống nhất trong việc áp dụng pháp luật để tránh tình trạng cấp trên hủy án của cấp dưới.

Cũng theo bà Cảnh, nếu trong một năm, một thẩm phán có số án xét xử bị hủy vượt quá 1,6% thì cuối năm phân loại đánh giá công chức không hoàn thành nhiệm vụ.

Đến cuối nhiệm kỳ, những thẩm phán xét xử dưới 100 vụ/năm có tỉ lệ án bị hủy từ 1,5-3% thì chưa được xem xét đề nghị tái bổ nhiệm. Nếu trên 3% thì bị tạm dừng công tác, kéo theo việc xét thi đua, xem xét quy hoạch, đề bạc, bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo quản lý.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm