Ngày 15-7, một video được lan truyền chóng mặt trên mạng xã hội cho thấy võ sư Nam Nguyên Khánh bị Tổng đàn chủ Vịnh Xuân Nam Anh tại Việt Nam là Nam Anh Kiệt và các môn đồ của ông Kiệt đánh hội đồng. Trước đó hai người này có thách đấu với nhau trên mạng xã hội tuy nhiên chưa thống nhất được ngày giao đấu chính thức.
Võ sư Kiệt thừa nhận sự việc nhưng bác bỏ việc cùng các môn đồ vây đánh hội đồng, mà chỉ là “dạy dỗ” võ sư Khánh. Còn võ sư Khánh cho biết nhóm người của ông Kiệt kéo đến võ đường của ông và lao vào đánh ông túi bụi khi không có đệ tử nào ở đó. Ông khẳng định video đã bị cắt ghép để người xem hiểu nhầm là tỉ thí 1 đấu 1 nhưng thực chất là ông bị đánh hội đồng.
Võ sư Nam Anh Kiệt (người ngồi) chưởng môn phái Vịnh Xuân Nam Anh bị tố kéo đệ tử đánh hội đồng võ sư Khánh. Ảnh: FBNV
Được biết, võ sư Khánh bị tổn thương mắt, gãy răng và bầm dập vùng bụng, hiện nằm trong bệnh viện để điều trị. Phía công an cũng đã liên lạc với ông Khánh để tiến hành điều tra, làm rõ vụ việc.
Vấn đề pháp lý nhiều người quan tâm trong vụ việc này là hành vi của võ sư Kiệt và môn đồ có dấu hiệu vi phạm hành chính hay hình sự và có thể bị xử lý ra sao?
Theo luật sư (LS) Huỳnh Kim Ngân, Đoàn LS TP.HCM, trong clip thể hiện rõ người đàn ông mặc áo hồng đã cố ý tấn công người mặc áo trắng bằng vũ lực. Đây là hành vi có dấu hiệu của tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác theo Điều 134 BLHS. Theo đó nếu tỉ lệ tổn hại sức khỏe của người bị hại từ 11% trở lên thì người vi phạm sẽ bị tội.
Ngoài ra nếu xác định hành vi tấn công bằng vũ lực xuất phát từ chuyện nhỏ nhặt, vô cớ... thì có thể xem đây là hành vi “có tính chất côn đồ”. Khi đó, dù tỉ lệ tổn hại dưới 11% nhưng có tình tiết vừa nêu vẫn có thể bị truy cứu TNHS. Tuy nhiên theo Điều 155 BLTTHS thì vụ án chỉ được khởi tố (nếu có) khi có yêu cầu người bị hại.
Đồng quan điểm, LS Kim Ron Tha, đoàn LS TP.HCM, phân tích hành vi của nhóm người đánh người đàn ông trong clip có dấu hiệu của tội cố ý gây thương tích hoặc tội gây rối trật tự công cộng theo Điều 318 BLHS. Tuy nhiên cần chờ kết quả giám định thương tật cũng như kết luận điều tra, đồng thời xem xét bên bị hại có yêu cầu khởi tố hay không.
Võ sư Nam Nguyên Khánh (người ngồi) hiện đang nằm điều trị ở bệnh viện. Ảnh: FBNV
ThS Nguyễn Nhật Khanh (giảng viên trường ĐH Luật TP.HCM) thì cho rằng, nếu không thoả mãn các điều kiện về tỉ lệ tổn thương cơ thể gây ra cho nạn nhân cũng như không thuộc các trường hợp liệt kê tại khoản 1 Điều 134 BLHS thì hành vi đánh người sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính (VPHC).
Cụ thể hành vi “đánh nhau hoặc xúi giục người khác đánh nhau” sẽ bị phạt tiền từ 500 ngàn đồng đến 1 triệu đồng theo điểm a khoản 2 Điều 5 Nghị định số 167/2013. Còn nếu có hành vi thuê hoặc lôi kéo người khác đánh nhau thì bị phạt từ 2 triệu đồng đến 3 triệu đồng theo điểm c khoản 3 Điều 5 Nghị định số 167.
Ngoài ra, người có hành vi đánh người gây thương tích còn phải bồi thường thiệt hại về sức khoẻ cho nạn nhân theo quy định về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng trong pháp luật dân sự.
Thách đấu không xin phép sẽ bị phạt Cũng theo ThS Khanh, nếu việc thách đấu giữa hai võ sư là sự thật mà không có sự xin phép cơ quan có thẩm quyền thì cũng vi phạm hành chính. Cụ thể hành vi tổ chức các giải đấu thể dục thể thao khi chưa báo cáo hoặc được cơ quan có thẩm quyền cho phép thì có thể bị phạt từ 1 triệu đến 3 triệu đồng, một số vi phạm nặng có thể bị phạt lên đến 50 triệu đồng theo Điều 40, Nghị định số 158/2013 (Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo). |