Góc nhìn

Đã đặt ra các yếu tố cấu thành tội phạm thì phải tuân thủ

Người bảo vệ siêu thị (trong vụ án Hồ Hữu Nhân, người xưng "Ban chỉ đạo quận 7") được quản lý siêu thị giao nhiệm vụ ngăn cản, không cho ai bước qua sợi dây ngăn cách để vào siêu thị, nhắc nhở mọi người đeo khẩu trang để bảo đảm an toàn phòng chống dịch.

Tuy nhiên, rõ ràng là người bảo vệ siêu thị đang thực hiện nhiệm vụ có tính chất tư (nhiệm vụ bảo vệ siêu thị) chứ không phải thực hiện nhiệm vụ có tính chất công do các tổ chức công (Nhà nước, tổ chức chính trị, chính trị xã hội...) giao. Do đó, ông không được coi là người thi hành công vụ.

Quang cảnh phiên xử bị cáo Hồ Hữu Nhân tại TAND quận 7 hôm 15-12. Ảnh: THÀNH ĐẠT

Theo khoản 1 Điều 3 Nghị định 208/2013 (quy định các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý hành vi chống người thi hành công vụ) thì người thi hành công vụ được hiểu bao gồm những người sau:

Người thi hành công vụ là cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ lực lượng vũ trang nhân dân được cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân có thẩm quyền giao thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật và được pháp luật bảo vệ nhằm phục vụ lợi ích của Nhà nước, nhân dân và xã hội.

Các hành vi của ông Hồ Hữu Nhân trong vụ án này đối với ông Dũng (nhân viên công ty dịch vụ bảo vệ) như dọa nạt, dọa gọi công an xuống giải quyết, chỉ vào mặt ông Dũng… chỉ có dấu hiệu tội chống người thi hành công vụ khi ông Dũng là người thi hành công vụ. Vì không đủ dấu hiệu của tội chống người thi hành công vụ nên không thể xử lý theo quy định tại khoản 2 Điều 8 BLHS (những hành vi tuy có dấu hiệu của tội phạm nhưng tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kể thì không phải là tội phạm và được xử lý bằng các biện pháp khác).

Đảng và nhà nước ta hiện nay đang tập trung xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, mà cốt lõi then chốt nhất của nó là pháp luật phải vì con người. Đây là một trong các giá trị xã hội cao cả mà chúng ta rút ra được trong thực tiễn xây dựng nhà nước kiểu mới, bên cạnh lý luận về kinh tế thị trường XHCN. Giá trị này cần được xây dựng và gìn giữ trở thành giá trị của quốc gia, dân tộc.

Tuy nhiên, chúng ta chỉ có thể xử lý hình sự một người khi hành vi của họ thỏa mãn các dấu hiệu của một tội phạm được quy định trong luật hình sự. Đây là yêu cầu cơ bản của nguyên tắc pháp chế được ghi nhận trong Hiến pháp năm 2013, Bộ luật Hình sự năm 2015.

"Chúng ta chỉ có thể xử lý hình sự một người khi hành vi của họ thỏa mãn các dấu hiệu của một tội phạm được quy định trong luật hình sự. Đây là yêu cầu cơ bản của nguyên tắc pháp chế được ghi nhận trong Hiến pháp năm 2013, Bộ luật Hình sự năm 2015"

TS PHAN ANH TUẤN 

Chắc chắn, bất kỳ ai học luật nghiêm túc thì đều phải biết - một ông bảo vệ của công ty bảo vệ - không phải là người thi hành công vụ. Nhưng nếu vì “phòng chống dịch COVID-19 là việc làm vô cùng khẩn trương, cấp bách, dứt khoát và chủ động để áp dụng các biện pháp cần thiết, xử lý nghiêm các vi phạm, kể cả xử lý hình sự những người vi phạm” thì giá trị pháp luật mà chúng ta đang xây dựng và bảo vệ sao mà khó khăn thế?

Cái được trong việc xét xử vụ án này có thể đáp ứng yêu cầu trước mắt về phòng chống dịch trong giai đoạn diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, về lâu dài cái mất có thể thấy là:

(1) Mất về ý thức pháp luật đúng đắn của đa số người dân và người áp dụng pháp luật cho rằng có thể xét xử mà không cần đúng luật; mà để khắc phục ý thức này, chúng ta phải tốn kém rất nhiều để tuyên truyền pháp luật.

(2) Giá trị của pháp luật vì con người đang được chúng ta hướng tới xây dựng - đã bị chúng ta vô ý (hoặc cố ý) làm mất đi ý nghĩa, làm mất đi tính linh thiêng của nó trên thực tế. Do đó, làm hạn chế mục tiêu cao cả mà chúng ta đang xây dựng để phát huy sức mạnh của người dân.

Tóm lại theo tôi, tính toán thiệt hơn thì trong vụ án này, cái lợi trước mắt là ngắn hạn nhưng thiệt hại lâu dài về giá trị xã hội là đáng suy nghĩ hơn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm