“Lén” theo chân một đương sự nhằm chứng kiến cảnh tiếp dân, chúng tôi bước chân lên bậc thềm trụ sở Cục Thi hành án (THA) dân sự TP.HCM. Đập ngay vào mắt là một tấm bảng chỉ dẫn khá to. Chúng tôi dừng lại tìm phòng cần tới thì bất ngờ có tiếng của anh bảo vệ: “Anh X. ở phòng... đó chị!”.
“Mình cởi mở, dân sẽ tôn trọng mình”
Cứ thế, chúng tôi đi thẳng một mạch đến phòng làm việc mình cần tìm mà chẳng bị ai chặn lại để hỏi: “Chị đi đâu? Chị gặp ai? Có hẹn trước chưa? Giấy tờ đâu?” như ở nhiều công sở khác.
Sự thân thiện, cởi mở khi tiếp dân tại Cục THA dân sự TP.HCM đã được người dân đánh giá rất cao. Anh Huỳnh Kim Sơn (ngụ quận Tân Bình, đương sự trong một vụ THA) kể: “Vụ việc của tôi phức tạp lắm. Rất nhiều lần tôi đến Cục THA dân sự TP, cán bộ ở đây đều tiếp tôi rốt ráo, tận tình. Tôi muốn gặp lãnh đạo cục trình bày thì cứ thế mà vào, chẳng cần phải có hẹn trước. Vì tôi có việc tôi mới đến chứ đâu phải tự dưng tôi đến làm phiền họ đâu. Tôi đi nhiều cơ quan rồi nhưng Cục THA dân sự TP là nơi mà tôi được thoải mái, chưa có cán bộ nào tỏ ra bất hợp tác cả, họ đều rất có thiện chí!”.
Thường xuyên tiếp đương sự, chị Nguyễn Thị Thu Thảo (Phó Trưởng phòng Kiểm tra giải quyết khiếu nại tố cáo Cục THA dân sự TP) chia sẻ: “Ở cơ quan chúng tôi, chỉ cần có người đến yêu cầu gặp là chúng tôi đều tiếp mà không cần phải theo lịch hẹn gì hết. Chỉ cần mình cởi mở thì người dân sẽ tôn trọng mình thôi!”.
Tận tình, cởi mở với đương sự, các cán bộ THA đã được người dân cộng hưởng bằng sự cảm thông và thiện chí hợp tác để công việc trôi chảy hơn. Trước đây, chị Nguyễn Thị Thu (Chi cục trưởng Chi cục THA dân sự quận 9) phải “phát khóc” vì bà Đ. liên tục tìm đến phòng chị khiếu nại về một bản án, làm cho chị không có cả thời gian để làm việc khác. “Tôi đã giải thích rất cặn kẽ rằng phải thi hành theo bản án đã có hiệu lực pháp luật của tòa chứ không thể làm khác được nhưng bà Đ. cứ cho rằng tòa tuyên không đúng nên không chấp hành. Tôi buồn quá mới lên gặp lãnh đạo cục thì được động viên là cố gắng giữ bình tĩnh và phải chịu khó lắng nghe đương sự nói. Hôm sau, bà Đ. đến, tôi đã mua bánh mì mời bà ấy cùng ăn sáng rồi nghe bà ấy nói suốt buổi. Đến trưa, tôi tiếp tục mời bà ở lại dùng cơm trưa, vừa ăn vừa trò chuyện. Từ đó trở đi, tôi không thấy bà Đ. lên khiếu nại gì nữa” - chị Thu kể.
Đại diện một doanh nghiệp đang trao đổi trong một hội nghị đối thoại do Cục THA dân sự TP.HCM tổ chức nhằm tháo gỡ khó khăn trong quá trình THA. Ảnh: KHOA BẢNG
Dịch vụ chứ không phải công quyền
“Đa số người dân họ đều tốt. Họ tìm tới mình là họ đã bức xúc lắm rồi. Mình phải biết đặt mình vào vị trí của họ, lúc đó mới có thể xử lý thấu tình đạt lý được. Phải coi đây là dịch vụ chứ không phải là cơ quan công quyền” - ông Nguyễn Văn Lực, người từng nhiều năm là cục trưởng Cục THA dân sự TP.HCM, nay là phó tổng cục trưởng Tổng cục THA dân sự, chia sẻ.
“Ở cơ quan chúng tôi không có “vùng cấm”. Không có chuyện người dân đến thì cán bộ chặn lại bảo lãnh đạo đi vắng rồi, không biết lãnh đạo ở đâu. Thay vì theo lịch ngày thứ năm hằng tuần lãnh đạo mới tiếp công dân thì chúng tôi tiếp bất cứ lúc nào. Bởi đâu phải ai cũng biết lịch tiếp công dân, giờ họ đã lên rồi mà mình nói họ ra về thì lại càng tăng thêm sự dồn nén, bức xúc của họ. Mình không cứng nhắc, máy móc được” - Quyền Cục trưởng Cục THA dân sự TP Vũ Quốc Doanh khẳng định.
Theo ông Doanh, nghề THA cũng có nhiều niềm vui nỗi buồn. Chấp hành viên (CHV) luôn là người đứng ở giữa, có thể phải đối mặt với khiếu nại của tất cả các bên đương sự. Giải quyết được vụ nào mà các bên tâm phục khẩu phục hoặc vui vẻ bắt tay nhau thì đó là niềm vui, là thành công lớn của CHV.
Ông Doanh nhớ lại một vụ THA liên quan đến tranh chấp thừa kế. Tòa tuyên người em trai được quyền sở hữu nhà nhưng phải chia lại số tiền tương ứng cho các anh em khác. Do đây là hai căn nhà nối liền nhau, người em muốn xây bức tường thì các anh em khác không đồng ý, yêu cầu phải trả tiền trước mới cho xây...
Họ là anh em ruột nhưng lần nào ông tiếp cũng không ai chịu nhường ai câu nào, có lúc còn suýt đánh nhau. Hôm đó, ông Doanh lại tiếp họ trong phòng hội trường. Ông dùng đủ lời lẽ khuyên nhủ, nào là chuyện nội bộ gia đình không giải quyết được mà phải nhờ tới tòa đã là điều đáng buồn rồi, giờ đến giai đoạn THA lại bất hòa thì sau này làm sao mà còn nhìn mặt nhau. anh em máu chảy ruột mềm, làm sao nói bỏ là bỏ như người dưng nước lã được... Sau nhiều tiếng ngồi nghe các bên trình bày, đích thân ông Doanh xuống tận gia đình họ để tìm hiểu, thuyết phục tiếp. cuối cùng họ cũng giải quyết êm xuôi mâu thuẫn.
Tổ chức hội nghị mời đối thoại
Không chỉ tiếp dân bằng thái độ thân thiện, cởi mở, ngành THA TP còn có nhiều sáng kiến để nâng chất công tác THA.
Hằng năm, Cục THA dân sự TP đều tổ chức hội nghị do cục trưởng chủ trì, mời đại diện các chi cục về đối thoại, trao đổi với phía ngân hàng, tổ chức tín dụng... để trực tiếp lắng nghe, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức THA. Từ đó, cơ quan này đã chấn chỉnh, hạn chế được nhiều vi phạm, sai sót về nghiệp vụ của CHV. Ngân hàng phản ánh, lãnh đạo cục yêu cầu CHV báo cáo ngay trước hội trường, nói rõ tiến độ xử lý.
Hiện nay ở các địa phương, thông thường lãnh đạo hay phân công án cho CHV phụ trách theo địa bàn. Riêng ở TP.HCM, từ nhiều năm qua, từ gợi ý của Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường khi ấy, Cục trưởng Cục THA dân sự TP lúc đó là ông Nguyễn Văn Lực đã quyết định phân án theo mã số của bản án. CHV có mã số nào thì phân theo số đuôi của bản án, hoàn toàn ngẫu nhiên và mã số của CHV cũng thay đổi theo từng thời kỳ.
“Việc phân án như vậy sẽ tránh được tiêu cực, thiên vị, hạn chế mâu thuẫn, đố kỵ trong tập thể CHV. CHV thấy mình được công bằng, không thấy bị ép, tránh trường hợp người bị giao nhiều án, người ít án. Bởi nếu phân theo địa bàn thì có địa bàn ít án, địa bàn nhiều án. Chúng tôi rất hài lòng về cách làm việc này” - CHV Hồ Quân Chính (Phó Trưởng phòng Nghiệp vụ và tổ chức THA, Cục THA dân sự TP) nói.
Đáng chú ý, Cục THA dân sự TP.HCM và Chi cục THA dân sự quận 7 cũng là những đơn vị THA đầu tiên trong cả nước tiếp nhận hồ sơ THA qua hộp thư điện tử thay vì nhận trực tiếp tại trụ sở hay qua đường bưu điện như trước.
Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục THA dân sự Nguyễn Văn Lực, với việc gửi hồ sơ qua thư điện tử, người dân chỉ cần đến cơ quan THA duy nhất có một lần (nộp bản chính và ký tên) là nhận được quyết định THA. Điều này sẽ giúp người dân đỡ tốn công, tốn sức, tốn thời gian cũng như chi phí đi lại, đồng thời giảm được sự nhũng nhiễu của cán bộ THA. Hiện nay, nhiều người dân không biết thủ tục nên phải trực tiếp đến cơ quan THA xin đơn yêu cầu rồi mới về bổ sung hồ sơ. Nhiều khi cán bộ tiếp nhận lại không chỉ dẫn cụ thể nên họ phải đi lại nhiều lần...
Dẫn đầu cả nước về số việc và tiền thụ lý Theo thống kê của Bộ Tư pháp, trong sáu tháng đầu năm 2016, TP.HCM là đơn vị dẫn đầu cả nước về số việc và tiền thụ lý. Cụ thể, về số việc, TP.HCM thụ lý hơn 63.000 (TP Hà Nội đứng thứ hai cả nước mới chỉ hơn 27.000 việc). Về số tiền, TP.HCM thụ lý hơn 45.000 tỉ đồng (TP Hà Nội đứng thứ hai cả nước chỉ mới hơn 12.000 tỉ đồng). TP.HCM cũng là địa phương có nhiều vụ án lớn, phức tạp như Dương Thanh Cường, Huỳnh Thị Huyền Như, Công ty Cho thuê tài chính 2... Trong chín tháng đầu năm 2016, số thụ lý về việc, về tiền tại TP tiếp tục tăng so với cùng kỳ năm 2015. Cụ thể, về việc thụ lý hơn 83.000 việc (tăng hơn 10% so với năm 2015, đã thi hành xong hơn 40.000 việc), về tiền thụ lý hơn 52.000 tỉ đồng (tăng hơn 15% so với năm 2015, đã thi hành xong gần 5.000 tỉ đồng). “Dân nóng thì mình phải nguội” Một ngày, bà M., đương sự trong một vụ THA, mở cửa bước vào phòng làm việc của ông Vũ Quốc Doanh, bực bội lớn tiếng rằng CHV gây khó dễ đối với bà. Ông Doanh mời bà M. ngồi, rót nước uống, trấn an tinh thần của bà. Do hôm ấy CHV đi công tác bên ngoài nên ông yêu cầu cấp dưới sắp xếp ngay một ngày cụ thể để nghe bà trình bày và nghe CHV giải trình. Nghe vậy, bà M. đã dịu ngay lại. “Dân nóng thì mình phải nguội. Dân có thể đập bàn đập ghế nhưng mình không thể làm được. Mình cứ tiếp thì tâm lý họ thoải mái yên tâm hơn. Vì không có hồ sơ nhưng mình có ghi nhận lại sự việc, có quy định về thời gian. Chứ khi họ đẩy cửa vào mà nói đây không phải lịch tiếp dân thì tâm lý họ sẽ khác” - ông Doanh chia sẻ. |