Ông PVD có căn nhà số 188 tại xã Hậu Mỹ Bắc A, huyện Cái Bè, Tiền Giang. Căn nhà được xây vào tháng 9-2011 và được gia đình ông sử dụng ổn định. Chỉ đến đầu năm 2015 khi chủ nhà số 187 kế bên do ông LVV làm chủ tiền hành xây dựng mới thì sự việc mới bắt đầu rắc rối.
Đòi bồi thường 700 triệu đồng
Theo ông D., nhà mới xây của ông V. có kết cấu kiên cố bằng bê tông cốt thép, đào móng sâu và có tải trọng lớn nên đã ảnh hưởng đến nhà số 188 của ông. Cụ thể phần nền nhà, phần tường xây và đà dầm nhà bị sụt lún, rạn nứt và gãy. Lý do là khi thi công ông V. đã không khảo sát kỹ xem có ảnh hưởng đến các công trình liền kề hay không.
Cho rằng việc thi công nhà cao tầng của ông V. là nguyên nhân dẫn đến lún sụt, hư hỏng nhà mình nên năm 2015 ông D. khởi kiện ra TAND huyện Cái Bè yêu cầu ông V. phải bồi thường. Tuy nhiên, số tiền ông D. yêu cầu bồi thường lên tới 700 triệu đồng, tương đương với toàn bộ giá trị căn nhà của ông.
Ban đầu ông V. không chịu bồi thường vì cho rằng không có lỗi trong việc nhà của ông D. bị hư hỏng. Tuy nhiên, trong quá trình giải quyết vụ án, ông đồng ý hỗ trợ một phần chi phí để ông D. sửa chữa khắc phục sự cố.
Cuối năm 2016, TAND huyện Cái Bè xử sơ thẩm, tuyên chấp nhận một phần yêu cầu của ông D., ghi nhận sự tự nguyện của ông V. hỗ trợ cho ông D. 25 triệu đồng. HĐXX sơ thẩm nhận định tại biên bản hòa giải ngày 14-12-2015, ông V. thừa nhận việc mình xây nhà là nguyên nhân dẫn đến việc hư hỏng nhà của ông D. Bị đơn có hứa sẽ cho người sang sửa chữa lại nhà cho ông D. nhưng thực tế không làm, từ đó hai bên phát sinh tranh chấp. Tuy nhiên, ông D. chỉ đưa ra số tiền yêu cầu bồi thường mà không chứng minh được thiệt hại cụ thể theo các khoản, do không tiến hành việc giám định. Từ đó tòa không có căn cứ để tuyên buộc bị đơn phải bồi thường số tiền theo đơn khởi kiện ông D. đưa ra.
Căn nhà của ông V. (trái) mới xây khiến nhà của ông D. bị hư hỏng. Ảnh: TÂN SƠN
Tòa chấp nhận một phần
Không đồng ý với bản án này, ông D. kháng cáo đồng thời yêu cầu một công ty đến nhà mình giám định thiệt hại làm chứng cứ nộp cho tòa phúc thẩm. Tại phiên tòa phúc thẩm, ông D. đã thay đổi yêu cầu khởi kiện, đòi bị đơn bồi thường giá trị căn nhà còn lại theo khấu hao sử dụng. Đồng thời ông cũng yêu cầu bị đơn phải bồi thường thêm 60 triệu đồng ông thuê người tháo dỡ căn nhà hiện hữu để xây mới.
Trong phiên xử phúc thẩm mới đây, HĐXX nhận định việc thi công móng nhà ông V. có sử dụng máy móc, thiết bị có công suất, tải trọng lớn đã làm rung động nền đất xung quanh. Đây là nguyên nhân dẫn đến sạt lở nền móng và tác động đến nhà số188 của ông D. khiến nền nhà bị sụt lún, tường gạch bị rạn nứt, thấm nước và bong tróc sơn.
Theo tòa, chỉ số mức độ nguy hiểm đối với căn nhà số 188 của ông D. là 55% (tương ứng nguy hiểm cấp độ C). Chiếu theo tiêu chuẩn xây dựng Việt Nam 373:2006 thì khả năng chịu lực của bộ phận kết cấu không thể đáp ứng được yêu cầu sử dụng bình thường, xuất hiện tình trạng nguy hiểm cục bộ.
Căn cứ vào kết quả giá trị vật tư, giá nhân công xây dựng trên địa bàn huyện Cái Bè tại thời điểm tháng 1-2017, công ty giám định ước tính chi phí xây dựng mới lại nhà của ông D. là hơn 500 triệu đồng. Kết quả giám định cũng kết luận giá trị còn lại của căn nhà 188 trước khi xảy ra sự cố dẫn đến thiệt hại là 56%, tương ứng hơn 280 triệu đồng.
Từ những nhận định trên, HĐXX phúc thẩm đã chấp nhận một phần yêu cầu kháng cáo của ông D., buộc ông V. phải bồi thường thiệt hại hơn 280 triệu đồng và trả chi phí giám định 35 triệu đồng. Riêng đối với số tiền 60 triệu đồng chi phí thuê nhân công tháo dỡ, đập bỏ căn nhà cũ mà ông D. yêu cầu không được chấp nhận. Bởi yêu cầu này nằm ngoài nội dung khởi kiện ban đầu của ông D., cấp sơ thẩm chưa giải quyết nên cấp phúc thẩm không xem xét.