Mạnh dạn tuyên vô tội để bảo vệ công lý

Khi xử, HĐXX cũng không thể chứng minh được những tình tiết mà trước đó tòa đã yêu cầu điều tra bổ sung. Thay vì phải tuyên bị cáo không phạm tội, tòa án lại vẫn tuyên bị cáo phạm tội, vì nể nang hoặc vì một lý do nào đó. Tình trạng này nếu không sớm chấm dứt thì nền công lý của nước ta có vấn đề.

Thực tiễn có rất nhiều vụ án đã bốn lần tòa trả hồ sơ cho VKS để điều tra bổ sung nhưng vẫn không ra được bản án như vụ giết người tại xã Nghĩa Trung, huyện Bù Đăng, Bình Phước mà báo Pháp Luật TP.HCM từng nhiều lần phản ánh. Lẽ ra tòa án phải tuyên bố bị cáo không phạm tội thì lại vẫn trả hồ sơ dù tòa biết những yêu cầu của mình không cách gì VKS và CQĐT bổ sung được.

Hay như mới đây, TAND quận Bình Thạnh kết án bị cáo Nguyễn Chí Hùng bốn năm sáu tháng tù về tội cướp giật tài sản (trong vụ án “Đi chúc tết bị vướng tội cướp giật”Pháp Luật TP.HCM từng đăng tải). Tòa sơ thẩm nhận định: “Tuy Hùng không nhận tội nhưng căn cứ vào lời khai của nạn nhân, lời khai của nhân chứng, biên bản xem xét dấu vết trên cổ nạn nhân, biên bản bắt người phạm tội quả tang, sơ đồ hiện trường cùng vật chứng thu giữ, đã đủ cơ sở xác định Hùng giật dây chuyền”.

Bị cáo Hùng kháng cáo kêu oan. Khi xử phúc thẩm, TAND TP.HCM đã hủy bản án sơ thẩm, yêu cầu cấp sơ thẩm điều tra, xét xử lại với hàng loạt lý do. Kết quả điều tra lại vẫn không có gì mới, VKS vẫn dựa vào lời khai của người bị hại cùng các nhân chứng (là người thân của bị hại) để truy tố bị cáo. Hy vọng lần này TAND quận Bình Thạnh mạnh dạn tuyên bố bị cáo không phạm tội như tinh thần Hiến pháp 2013 và BLTTHS quy định.

Qua một số vụ án trên cho thấy nhiều vụ án chứng cứ buộc tội yếu nhưng vì nể nang, vì muốn “cứu” cơ quan bạn nên tòa án không dám tuyên bố bị cáo không phạm tội. Việc tòa “không dám” tuyên bị cáo không phạm tội làm cho dư luận không thể không đặt ra nhiều câu hỏi. Phải chăng quý tòa còn ngại VKS và CQĐT, không muốn gây căng thẳng với cơ quan bạn? Hệ quả là làm cho vụ án kéo dài hoặc số phận pháp lý của bị can, bị cáo bị “treo lơ lửng”, không biết khi nào mới kết thúc!

Không phải ngẫu nhiên mà Hiến pháp năm 2013 và BLTTHS năm 2015 không chỉ ghi nhận nguyên tắc suy đoán vô tội mà còn quy định: “Khi không đủ và không thể làm sáng tỏ căn cứ để buộc tội, kết tội theo trình tự, thủ tục do bộ luật này quy định thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kết luận người bị buộc tội không có tội”. Nguyên tắc này bảo vệ chính sách nhân đạo của pháp luật hình sự và lợi ích của người bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Khi cơ quan tố tụng không chứng minh được hành vi phạm tội thì phải suy đoán theo hướng ngược lại.

Nguyên tắc này cũng đặt ra yêu cầu cao hơn cho những người tiến hành tố tụng trong việc chứng minh tội phạm, không thể làm sai mà vẫn áp đặt ý chí chủ quan của mình để kết tội bị cáo. Nguyên tắc này còn đảm bảo tính pháp chế trong BLTTHS: Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về CQĐT, VKS và các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra. Người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo có quyền nhưng không buộc phải chứng minh sự vô tội của mình.

Thiết nghĩ, với tinh thần cải cách tư pháp mà tòa án là trung tâm thì sau khi nghiên cứu hồ sơ, xét hỏi và tranh tụng tại phiên tòa mà thấy chưa đủ chứng cứ buộc tội bị cáo thì không nên “cố” buộc tội mà hãy dũng cảm tuyên bố bị cáo không phạm tội. Có như vậy ngành tòa án mới xứng đáng với lời tuyên thệ khi nhận chức mới đây của Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình: Tòa án phải bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người!

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm