Cần Thơ tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 49 của Bộ Chính trị về cải cách tư pháp. Ảnh: CHÂU ANH
Theo báo cáo, Nghị quyết số 49 đã tạo chuyển biến tích cực trong công tác điều tra, khởi tố, truy tố, xét xử, không để xảy ra oan sai, bỏ lọt tội phạm. Trong đó, việc tranh tụng tại tòa được xem là bước đột phá của cải cách tư pháp.
Tại hội nghị, ông Nguyễn Thanh Thiên (Chánh án TAND TP Cần Thơ) cho biết: "Việc thực hiện tranh tụng tại tòa là một bước đột phá trong cải cách tư pháp, thể hiện tính dân chủ, công khai trong quá trình xét xử. Tranh tụng giúp hạn chế tình trạng “án bỏ túi” từng khá phổ biến trước đây. Đó là thẩm phán chuẩn bị sẵn bản án khi xét xử, ít lắng nghe, chú ý đến diễn biến tại tòa, chủ yếu dựa trên hồ sơ và cáo trạng của VKS".
Bí thư Thành ủy TP Cần Thơ Trần Quốc Trung phát biểu tại hội nghị. Ảnh: CHÂU ANH
Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện nghị quyết vẫn còn một số mặt hạn chế như: hoạt động tranh tụng của một số phiên tòa chưa được quan tâm, rút kinh nghiệm; giám định viên chuyên ngành chưa đủ về số lượng, trình độ, năng lực.
Một bộ phận điều tra viên, thẩm phán và chấp hành viên chưa đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, yêu cầu hội nhập. Thiếu cơ chế để VKS nắm đầy đủ, kịp thời các thông tin tố giác, tin báo về tội phạm, dẫn đến nguy cơ bỏ lọt tội phạm. Một số vụ án hình sự, yêu cầu của VKS đối với cơ quan điều tra không được thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ.
Phát biểu kết luận hội nghị, ông Trần Quốc Trung (Bí thư Thành ủy TP Cần Thơ) ghi nhận những kết quả đạt được của các cấp ủy, chính quyền trong triển khai thực hiện Nghị quyết số 49. Đồng thời, ông Trung đề nghị thời gian tới các đơn vị cần tăng cường giám sát hoạt động tư pháp và cải cách tư pháp hơn nữa, đảm bảo xử lý các vụ việc đúng quy định pháp luật, không để xảy ra oan sai.