Cô dâu Việt chờ một chiếc “phao” pháp lý (kỳ cuối)

Bà Nguyễn Thị Phương Thu - trưởng phòng hộ tịch Sở Tư pháp Cần Thơ - kể từ khi có quy định siết chặt việc cấp giấy xác nhận độc thân để kết hôn với người nước ngoài, tỉ lệ cô dâu được cấp giấy này giảm hẳn.

Cô dâu Việt chờ một chiếc “phao” pháp lý (kỳ cuối) ảnh 1

PV Đông Phương của báoTuổi Trẻ(bìa trái) thăm hai cô dâu Việt được chăm sóc tại Bệnh viện Tâm thần Phúc Châu (Phúc Kiến, Trung Quốc) - Ảnh: Viễn Sự

Nhưng điều đó không có nghĩa là cán bộ tư pháp khỏe hơn mà trái lại, không ít trường hợp cán bộ tư pháp của sở phải “toát mồ hôi hột” trước hồ sơ xin phỏng vấn.

Vừa hỏi, vừa tra Google

Tình huống bà Thu nhắc tới là một cô dâu ở Cần Thơ đến  sở để phỏng vấn xin kết hôn với người chồng có quốc tịch... Cộng hòa Hồi giáo Bahrain. Quy định của việc phỏng vấn để biết xem người muốn kết hôn có am hiểu gì về pháp luật, đất nước của vị hôn thê/hôn phu mà mình sẽ đến ăn đời ở kiếp.

Theo lẽ thông thường, người hỏi dĩ nhiên phải rành hơn người trả lời. Nhưng trường hợp này thì cán bộ tư pháp ngắc ngứ bởi không hề biết gì về nước Cộng hòa Hồi giáo Bahrain. Cuối cùng để buổi phỏng vấn diễn ra theo đúng quy định, cán bộ tư pháp phải tra Google xem một số thông tin và cứ theo đó mà hỏi.

Trường hợp bà Thu kể tất nhiên là cá biệt, trở thành một kỷ niệm vui trong nghề. Nhưng bà Thu nói đó là câu chuyện rất thực tế mà pháp luật cần có sự điều chỉnh để sát thực tế hơn.

Bà Thu cho biết từ đầu năm 2014 khi thông tư 22 của Bộ Tư pháp có hiệu lực quy định người xin giấy chứng nhận độc thân để kết hôn với người nước ngoài cũng phải qua vòng phỏng vấn thì tỉ lệ được cấp giấy thấp hơn hẳn trước kia. Dù đánh giá đây là quy định cần thiết để hạn chế những cuộc hôn nhân bi kịch với chú rể nước ngoài, đặc biệt là chú rể Trung Quốc, nhưng bà Thu vẫn có sự băn khoăn.

Theo bà Thu, các cô gái lấy chồng Trung Quốc thường có gia cảnh nghèo, ở vùng sâu vùng xa, nay quy định phải nộp giấy lên xã, xã nộp lên sở, sở lại gửi về xã, rồi các cô lại khăn gói lên Sở Tư pháp phỏng vấn. “Tốn rất nhiều thời gian, tiền bạc và thực tế là đi ngược với tinh thần cải cách hành chính, một cửa một dấu bấy lâu nay” - bà Thu nói.

Tuy nhiên, điều các cán bộ tư pháp băn khoăn nhất là chưa có một “định lượng” nào để đánh giá “được” hay “không được” trong việc phỏng vấn kết hôn. Nhất là trong vòng 10 ngày, cơ quan tư pháp phải tìm hiểu được đầy đủ gia cảnh của hai bên để trả lời cũng là điều không dễ.

Ông Nguyễn Hùng Dũng - phó giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Vĩnh Long - thẳng thắn: “Đã là phỏng vấn thì kết quả tất nhiên phụ thuộc sự cảm tính của người hỏi nữa”.

Và có lẽ cái “cảm tính” ấy là khá lớn, khi theo bà Nguyễn Thị Phương Thu, hiện chưa có một kênh thông tin chuẩn nào để cán bộ tư pháp dựa vào đó đặt câu hỏi, cũng có hạn định mức độ am hiểu mà một cô dâu bắt buộc phải có khi về làm dâu nhà chồng ở nước khác nên mỗi nơi sẽ có một kiểu phỏng vấn, một kiểu đánh giá kết quả.

Vì thế nên trong khi nhiều tỉnh miền Tây Nam bộ tỉ lệ phỏng vấn để kết hôn với người nước ngoài thành công ngày càng thấp thì tại Vĩnh Long, theo ông Nguyễn Hùng Dũng, tỉ lệ phỏng vấn thành công vẫn khá cao bởi: “Kết hôn là quyền của mỗi người, chỉ cần họ làm đúng pháp luật thì không thể gây khó khăn, cản trở cái quyền đó”.

Cần có tư duy nhân bản

Đó là mong muốn của tất cả những luật sư, thẩm phán, cán bộ tư pháp mà chúng tôi gặp khi nói về quy định trong việc kết hôn với người nước ngoài.

Cô dâu Việt chờ một chiếc “phao” pháp lý (kỳ cuối) ảnh 2

Một chiếc “phao” pháp lý kịp thời sẽ cứu được cuộc đời những bà mẹ và đứa trẻ như mẹ con chị Trần Thị Mỹ Xuân và bé Hye In ở Vị Thủy (Hậu Giang). Đã trở về Việt Nam bảy năm nhưng bé Hye In vẫn là đứa trẻ ngoại kiều, không được đi học, không được ưu đãi chăm sóc y tế - Ảnh: V.Sự

Luật sư Hà Hải (Đoàn luật sư TP.HCM) gợi lại vấn đề: “Chúng ta hay tỏ ra thương xót những cô dâu Việt bị nhà chồng Trung Quốc, Hàn Quốc ngược đãi phải chạy trốn.

Nhưng về nước thì pháp luật không thể cho họ cái quyền đầy đủ là tiếp tục được kết hôn, hồ sơ ly hôn với người chồng cũ luôn bị trả lại hoặc ngâm án, dẫn đến những đứa trẻ sinh ra trong cuộc hôn nhân đó cũng không có quyền công dân vì bị từ chối quốc tịch.

Như vậy khác nào pháp luật đang “nối dài” thêm bi kịch cho các cô dâu và cho dù ở lại làm dâu hay trở về thì đều có sẵn bi kịch chờ đón họ”.

Luật sư Hà Hải cũng cho rằng tư duy nhân bản này không chỉ thể hiện ở việc ban hành pháp luật mà ngay cả việc thực thi pháp luật về hôn nhân và bảo hộ công dân tại nước ngoài.

Theo luật sư Hà Hải, việc để lọt quá nhiều cô dâu Việt Nam sang Trung Quốc, Hàn Quốc... làm vợ trong tình trạng pháp lý không hợp lệ, làm cho họ không đủ điều kiện để pháp luật bảo hộ, có lỗi từ việc cơ quan thực thi pháp luật trong nước đã vì những lý do khác nhau không kiểm soát chặt chẽ việc kết hôn trái pháp luật trước đó.

Cùng suy nghĩ về việc phải có một tư duy nhân bản, bà Trần Thị Hồng Việt - nguyên chánh văn phòng TAND TP.HCM - sau nhiều năm tiếp xúc, giải quyết những hồ sơ ly hôn có yếu tố nước ngoài đã chia sẻ bằng một cụm từ rất cảm thán: “Tội cho dân”.

Theo bà Việt, thật khó để buộc cô dâu quê mùa ở miệt vườn phải biết rõ đường đi nước bước của pháp luật để tránh những va vấp pháp lý trong cuộc hôn nhân với người chồng nước ngoài của mình. Bởi những quy định để trình giải quyết một vụ án ly hôn với người nước ngoài, đi từ tòa án đến Bộ Tư pháp, sang cơ quan ngoại giao, qua nước ngoài có liên quan, mỗi nước lại có một hệ thống pháp luật riêng là một “mớ bòng bong” mà ngay cả cán bộ ngành tòa án cũng phải nhức đầu.

Bà Việt nói bà rất đau lòng khi đối diện với những đứa trẻ nói giọng Nam bộ rặt, quần áo lam lũ quấn chặt lấy mẹ, nhưng giấy tờ lại ghi quốc tịch Hàn Quốc, Đài Loan.

“Ai cũng biết các cháu là người Việt nhưng giấy tờ không thừa nhận, cơ quan tư pháp cũng vô phương giải quyết vì vướng quy định pháp luật” - bà Việt chia sẻ.

Đánh giá về những quy định mới nhằm siết chặt việc kết hôn tràn lan giữa cô dâu Việt với các chú rể nước ngoài, thẩm phán Sơn Nữ Phà Ca, TAND tỉnh Vĩnh Long, cho rằng đó là điều cần thiết nhưng chưa triệt để. Bởi theo bà Phà Ca, những quy định này có thể làm giảm số lượng cô dâu Việt kết hôn với các chú rể Hàn Quốc, Trung Quốc... nhưng chưa thể bảo đảm sẽ giảm tỉ lệ các cô gái làm dâu xứ người gặp phải bi kịch khi hôn nhân tan vỡ.

Theo bà Phà Ca, cốt lõi vấn đề nằm ở chỗ pháp luật hiện đang bị “tụt” lại phía sau số phận những cô dâu Việt và con cái họ trở về nước vì hôn nhân dang dở.

“Chúng tôi chỉ mong có thể giúp đỡ, giải thoát cho các cô dâu Việt sau những cuộc hôn nhân bi kịch bằng việc vận dụng quy định pháp luật chứ không phải bằng sự thương cảm hay nước mắt chia sẻ của mình” - thẩm phán Sơn Nữ Phà Ca nói.

 

"Pháp luật đang “nối dài” thêm bi kịch cho các cô dâu. Và cho dù ở lại làm dâu hay trở về thì đều có sẵn bi kịch chờ đón họ... "

Luật sư HÀ HẢI(Đoàn luật sư TP.HCM)

Theo NGUYỄN VIỄN SỰ (Tuổi Trẻ)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm