Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là hàng Việt không có đất sống, ngược lại nhiều sản phẩm Việt Nam đang được kinh doanh sôi nổi bởi cả tiểu thương người Việt lẫn người Hàn ở nơi đây.
Cô Jeon (trái) giới thiệu nón lá Việt Nam cho một vị khách - Ảnh: Quang Định
“Pretty Flower” của Jeon
Là người Hàn Quốc nhưng cô Jeon Mee Kyung, 48 tuổi, không buôn bán hàng hóa Hàn Quốc mà lại chọn một phương thức kinh doanh đặc biệt: buôn bán đặc sản Việt Nam cho người Hàn. Cửa hiệu “Đặc sản Việt Nam” của cô đã trở nên rất quen thuộc với nhiều người Hàn sống ở Phú Mỹ Hưng trong ba năm trở lại đây.
Trò chuyện với phóng viên, cô Jeon Mee Kyung vui vẻ khoe khách hàng của cô, hơn 80% là người Hàn Quốc, rất quan tâm đến các đặc sản Việt Nam. Đặc sản mà cô đề cập chính là các mặt hàng cà phê, nón lá, trái cây sấy khô, chanh dây, nước ép trái nhàu, rượu sen, hạt điều, dầu dừa...
Tấm bảng hiệu trưng trước cửa hàng của cô cũng trông khá đặc biệt và thu hút. Khi bước đến cửa hàng, đập vào mắt khách là một tấm bảng lớn ghi bằng tiếng Anh “Pretty Flower” (Hoa đẹp) và phía bên trên là một tấm bảng hiệu nhỏ hơn ghi rõ dòng chữ “Đặc sản Việt Nam”.
Cửa hàng được chia thành hai gian chính. Gian bên trái trưng bày trang trọng đặc sản Việt Nam, còn gian bên phải đặt các giỏ hoa tươi và chậu cây kiểng. Đáp lại thắc mắc tại sao lại kinh doanh cả hoa tươi cây kiểng, cô cho biết trước đây cô từng buôn bán hoa và cắm hoa ở thành phố quê nhà Incheon phía tây bắc Hàn Quốc.
Cô Jeon chia sẻ rằng sau khi sang Việt Nam sinh sống, thấy cộng đồng người Hàn khá nhiều nên cô muốn giới thiệu một số sản phẩm của người Việt đến với cộng đồng người Hàn.
Trước khi mở cửa hàng này, vợ chồng cô đã tự tìm hiểu bằng cách ra chợ Bến Thành và các chợ khác để dò hỏi thông tin hàng hóa, thương lượng giá cả và cuối cùng quyết định bán những sản phẩm này bởi người Hàn khá quan tâm, đồng thời sau này cô cũng muốn mở rộng quy mô cửa hàng.
Để tìm hiểu mặt hàng Việt mà người Hàn ưa chuộng, cô Jeon làm một cuộc khảo sát nhỏ thu thập ý kiến những người Hàn xung quanh xem họ thích mặt hàng nào rồi sau đó nhập sản phẩm về bán. Cô Jeon cho biết những mặt hàng Việt cô bán chạy nhất là cà phê.
“Vợ tôi đề xuất ý tưởng mở một cửa hàng chuyên bán đặc sản Việt Nam. Chúng tôi nắm bắt nhu cầu của khách hàng. Đa số cư dân Hàn và người nước ngoài ở đây thường mua hàng ở chợ Bến Thành cách đây rất xa. Nhưng hàng hóa ở đấy giá hơi cao và không cố định. Thế là chúng tôi quyết định kinh doanh hàng Việt ở đây” - ông Kwon, chồng cô Jeon, giải thích thêm.
Không chỉ chia sẻ về hoạt động kinh doanh của mình, cô Jeon còn “bật mí” tình cảm đặc biệt của cô dành cho Việt Nam. Cô theo chồng sang Việt Nam từ năm 1999, nhưng trước đó ấn tượng của cô về Việt Nam chỉ là qua tivi, đó là một đất nước nhiều sông, đường và... xe máy.
Lúc mới sang cô thấy khí hậu Việt Nam đặc biệt nóng, nhưng trải qua một thời gian dài sinh sống cô dần dần thích nghi, thậm chí lại thích thời tiết Việt Nam, cảm thấy con người Việt Nam thân thiện và cuộc sống ở Việt Nam thật thoải mái và phóng khoáng.
Cô cũng chia sẻ sở thích thưởng thức các món ăn đường phố của Việt Nam như bún bò Huế và nhất là bánh mì, vì vị giống với thực phẩm Hàn Quốc.
Những cửa hàng Việt cho người Hàn
Khu phố Hàn ở Phú Mỹ Hưng cũng có không ít tiểu thương người Việt kinh doanh, chủ yếu là các mặt hàng như trái cây và một số món ăn, sản phẩm Việt mà người dân xứ sở Cao Ly ưa thích.
Những cửa hàng Việt cho người Hàn
Chị Thanh Hà, chủ cửa hàng tiện lợi GoodSpeed bên dưới chung cư Sky Garden 3, luôn băn khoăn với ý nghĩ tại sao lại không quảng bá những món ăn truyền thống của Việt Nam cho người Hàn Quốc. “Người Việt thường tìm kiếm các món ăn của Hàn, Nhật để ăn, vậy tại sao mình lại không quảng bá những món ăn của đất nước mình đến họ?” - chị bày tỏ về suy nghĩ lúc đó.
Thế là chị bắt tay vào việc kinh doanh những món ăn nhẹ đặc trưng Việt Nam vừa ngon vừa dễ làm như xôi, bánh mì và chè Việt. Thật bất ngờ, những món ăn của chị lại nhận được phản hồi tốt từ khách Hàn Quốc và bán khá chạy. Ngoài ra cửa hàng chị Hà còn làm gỏi cuốn (cả chay lẫn mặn), phục vụ cơm, bún và chả giò vào buổi sáng. Sắp tới chị còn có kế hoạch bán cháo đêm.
Kinh doanh đa dạng các món ăn nhẹ đậm chất Việt Nam này giúp chị thu hút được một lượng đông đảo khách hàng ủng hộ. Khoảng phân nửa khách hàng của chị là người Hàn, 20% là người Việt, số còn lại là những người quốc tịch khác.
Chị Thanh Hà cũng liên tục cập nhật nhu cầu của cư dân Hàn trong khu vực. Chị thường xuyên đi khảo sát các cửa hàng của người Hàn để cập nhật những mã hàng đang bán chạy. Hiện cửa hàng của chị có khoảng 100 mã hàng Hàn Quốc, trong đó có những mã hàng bán chạy nhất là mì Hàn Quốc, các loại đồ hộp và các loại gia vị chính như nước chấm, nước xốt, tương, rong biển...
Bên cạnh đó, các mặt hàng Việt Nam mà người Hàn ưa chuộng là trứng gà, thuốc lá và đặc biệt họ thường rất hay mua cà phê G7 để làm quà cho người thân ở quê nhà.
Ngoài ra, chị Hà còn kinh doanh các loại rượu gạo truyền thống của Hàn Quốc như Chamisul, Joeun Day hay còn gọi là Good Day, Chum-Churum do chính công ty Hàn Quốc ở Việt Nam phân phối. Mặt hàng rượu tại cửa hàng chị khá được ưa chuộng vì cửa hàng có lợi thế mở cửa 24/24.
Trong khi đó anh Tiêu Đoàn Kết, chủ một gian hàng trái cây gần đó, cho biết 70-80% khách hàng của anh là người Hàn Quốc. Anh kể những vị khách Hàn Quốc thường nhận xét trái cây Việt Nam vừa rẻ, vừa ngon lại vừa phong phú đa dạng.
Theo lời anh Kết, có một số loại trái cây đặc trưng của Việt Nam mà người Hàn Quốc không biết và thường yêu cầu anh giới thiệu là bơ, bưởi, măng cụt, thanh long...
Có thể nói thông qua những hoạt động kinh doanh này, tiểu thương người Việt đã và đang cố gắng quảng bá hàng Việt, đồng thời thể hiện nỗ lực hòa nhập với những cư dân Hàn Quốc nơi đây.
Theo Quỳnh Trung (Tuổi Trẻ)
__________
Kỳ tới: “Ngày càng nhiều người chọn học tiếng Việt”