Ngày 26-7, TAND tỉnh Vĩnh Long xử phúc thẩm, chấp nhận kháng cáo tăng nặng hình phạt của gia đình nạn nhân và tuyên phạt bị cáo Nguyễn Phan Phi Long II (30 tuổi, ngụ TP Vĩnh Long) 12 năm tù về tội cố ý gây thương tích. Nạn nhân là bé H. (SN 2014).
Trước đó, xử sơ thẩm, TAND TP Vĩnh Long tuyên phạt Phi Long II mức án 10 năm tù về tội danh trên.
Cũng giống như phiên tòa sơ thẩm, an ninh tại phiên tòa phúc thẩm được siết chặt. Khu vực bên trong phòng xử không có sóng điện thoại.
Bị cáo Nguyễn Phan Phi Long II.
Tại tòa, bị cáo thừa nhận hành vi đánh bé H. khiến nạn nhân tử vong. Về các vết thương khác trên người nạn nhân, bị cáo cho rằng một số do bị cáo gây ra, số còn lại do bé H. chạy té. Bị cáo mong tòa xem xét giảm nhẹ hình phạt.
Gia đình nạn nhân và luật sư bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho nạn nhân có yêu cầu tòa hủy bản án sơ thẩm, trả hồ sơ để điều tra bổ sung hành vi giết người, hành vi hành hạ trẻ em và dấu hiệu bỏ lọt tội phạm đồng phạm gây ra gần 100 vết thương trên người bé H.
Qua xét hỏi và tranh tụng tại tòa, HĐXX nhận định lời khai của bị cáo phù hợp với hồ sơ, chứng cứ của vụ án. Bị cáo đã dùng tay đánh gây thương tích dẫn đến cái chết của nạn nhân. Tuy nhiên, bị cáo không có ý định cướp đi sinh mạng của bé H. mà chỉ phạm tội trong lúc tức giận. Sau khi bé H. ngất xỉu, bị cáo cùng vợ đã đưa đi cấp cứu nhưng nạn nhân không qua khỏi. Hành vi của bị cáo đã cấu thành tội cố ý gây thương tích chứ không có căn cứ xác định bị cáo phạm tội giết người như đề nghị của luật sư và gia đình nạn nhân.
Xét kháng cáo của gia đình nạn nhân yêu cầu làm rõ khoảng 100 thương tích trên người bé H., quá trình điều tra, CQĐT đã làm hết trách nhiệm, tòa sơ thẩm cũng đã trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Kết quả điều tra cho thấy trong quá trình chăm sóc bé H. chỉ có bị cáo và vợ, ngoài ra không có ai chứng kiến sự việc xảy ra.
Một số tổn thương trên người bé H. do bị cáo gây ra. Còn những vết thương khác theo bị cáo là do bé H. tự gây ra. Trên người bị hại có nhiều vết bầm tím cũng không thể xác định thương tích nào do bị cáo gây ra, giám định tỉ lệ thương tích là bao nhiêu. Vì vậy cấp sơ thẩm không áp dụng tình tiết phạm tội nhiều lần là có căn cứ. Kháng cáo của gia đình nạn nhân yêu cầu làm rõ những thương tích này là không thực hiện được. Trong vụ án, cơ quan đã điều tra, xem xét nhưng không chứng minh được có đồng phạm. Từ đó, tòa cho rằng yêu cầu của luật sư về việc hủy án sơ thẩm để điều tra bổ sung vấn đề này là không thể xem xét được.
"Khi nhận chăm sóc bé H., bị cáo không chăm sóc chu đáo, có dấu hiệu ngược đãi, hành hạ nạn nhân, cấp sơ thẩm đã xem xét bị cáo về tội cố ý gây thương tích là có căn cứ. Tuy nhiên, mức hình phạt là chưa phù hợp với tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội của bị cáo. Hành vi của bị cáo xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe của con người, gây đau thương tang tóc cho gia đình người bị hại, mất an ninh trật tự địa phương. Nghiêm trọng hơn, bị cáo phạm tội đối với trẻ em, vì vậy cần có khung hình phạt tương xứng để phòng ngừa chung cho xã hội" - HĐXX nhận định.
Vì vậy, tòa chấp nhận nội dung kháng cáo của gia đình nạn nhân và đề nghị của VKS về việc tăng mức hình phạt đối với bị cáo. Cuối cùng, HĐXX quyết định sửa một phần bản án sơ thẩm theo hướng tăng mức hình phạt, tuyên phạt bị cáo Nguyễn Phan Phi Long II mức án trên.
Nội dung vụ án Theo hồ sơ, do bận công việc nên anh Nguyễn Hữu Duyên đã gửi con gái là bé H. (SN 2014) cho vợ chồng người bạn thân là bị cáo Phi Long II chăm sóc giúp. Tuy nhiên, vợ chồng Phi Long II thường để bé H. ở nhà một mình, mọi sinh hoạt bé phải tự làm. Sáng 16-6-2018, cho rằng bé H. hỗn, dám chửi lại mình, bị cáo tức giận dùng tay đánh khiến nạn nhân té đập đầu vào tường và ngã đập đầu xuống nền gạch dẫn đến tử vong. Sau khi bản án sơ thẩm được tuyên, phía anh Duyên có đơn kháng cáo tăng hình phạt và xem xét điều tra làm rõ các vết thương trên người bé gái. Trong quá trình xét xử cấp phúc thẩm, anh Duyên đã tử vong, do đó luật sư bảo vệ quyền và lợi ích cho anh Duyên có yêu cầu tòa xem xét đưa người thừa kế quyền và nghĩa vụ của anh Duyên vào tố tụng nhưng tòa không chấp nhận. Tòa giải thích “BLTTHS không có quy định về người thừa kế quyền và nghĩa vụ tố tụng trong trường hợp này”. |