Xử công khai nhưng tòa Vĩnh Long không cho PV tác nghiệp

Ngày 26-7, TAND tỉnh Vĩnh Long xử phúc thẩm bị cáo Nguyễn Phan Phi Long II (30 tuổi, ngụ TP Vĩnh Long) về tội cố ý gây thương tích theo kháng cáo của gia đình bị hại.

Ngay từ sớm, PV Pháp Luật TP.HCM và một báo khác đã đến tòa xuất trình giấy giới thiệu và chứng minh nhân dân để đăng ký tác nghiệp với thư ký phiên tòa. Do PV công tác ở báo chưa đủ hai năm nên chưa đủ điều kiện cấp thẻ nhà báo mà chỉ được cơ quan cấp giấy giới thiệu để đi tác nghiệp.

Nhưng một lát sau, thư ký thông báo với PV là không được tác nghiệp tại tòa vì không có thẻ nhà báo. Khi PV hỏi vì sao và theo quy định nào thì thư ký cho biết đó là yêu cầu của thẩm phán chủ tọa phiên tòa “có thẻ nhà báo mới cho tác nghiệp”. 

Bảng nội quy phòng xử án tại trụ sở TAND tỉnh Vĩnh Long.

Ngay sau đó, PV đã liên hệ với Chánh án TAND tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Hoàng Đệ để phản ánh việc bị hạn chế tác nghiệp thì ông Đệ nói: “Nội quy phiên tòa có quy định PV phải xuất trình thẻ nhà báo. Đây là quy định của chánh án TAND Tối cao ban hành, áp dụng trong toàn quốc, chúng tôi phải chấp hành”.

Chúng tôi hỏi tiếp: "Quyền của chủ tọa phiên tòa nhưng cũng phải theo quy định của pháp luật?". Đáp lại, Chánh án Đệ cho biết ông đang bận họp, có gì sẽ trả lời sau. 

Theo bảng nội quy phòng xử án được treo ngay trước phòng xét xử tại TAND tỉnh này thì không có quy định nào buộc PV phải có thẻ nhà báo mới được tác nghiệp tại tòa.

Ngoài ra, theo quy định tại Thông tư số 02 ngày 28-7-2017 của chánh án TAND Tối cao (về quy chế tổ chức phiên tòa), thì không có quy định nào bắt buộc PV tác nghiệp tại tòa phải xuất trình thẻ nhà báo. 

Hiện phiên tòa đang diễn ra nhưng PV không được tác nghiệp.

Xử công khai nhưng tòa Vĩnh Long không cho PV tác nghiệp ảnh 2
Bị cáo tại phiên xử.

Theo hồ sơ, anh Nguyễn Hữu Duyên và chị Tố Anh có với nhau một con chung là bé H. (SN 2014). Do vợ chồng anh chia tay nên bé H. được mẹ nuôi dưỡng. Đầu tháng 5-2018, anh Duyên đón con gái lên chơi nhưng do bận việc nên đã gửi bé H. cho vợ chồng người bạn thân là bị cáo Phi Long II chăm sóc hộ.

Tuy nhiên, vợ chồng Phi Long II thường để bé H. ở nhà một mình, mọi sinh hoạt bé phải tự làm. Sáng 16-6-2018, bé H. thức dậy không chịu ăn bánh do bị cáo mua mà đòi ăn cơm sườn và khóc.

Bị cáo hỏi bé H. sao không chịu ăn. Cho rằng bé hỗn, dám chửi lại mình khiến bị cáo tức giận dùng tay đánh khiến bé H. té đập đầu vào tường và ngã đập đầu xuống nền gạch rồi dẫn đến tử vong sau đó. Vợ chồng Phi Long II đưa bé vào bệnh viện cấp cứu nhưng nói dối là bé H. bị té xuống sông.

Ngày hôm sau Phi Long II ra đầu thú thừa nhận đã dùng tay đánh bé H. dẫn đến tử vong. Kết quả khám nghiệm tử thi cho thấy bé H. tử vong do chấn thương sọ não/viêm phế quản - phổi. Ngoài ra trên người bé còn phát hiện nhiều vết thương lớn nhỏ nghi bị bạo hành.

Xử sơ thẩm vào tháng 3-2018, TAND TP Vĩnh Long đã tuyên phạt bị cáo 10 năm tù. Tuy nhiên, tòa cho rằng các vết thương khác trên người bé gái không có cơ sở xác định ai là người gây ra, có thể do nạn nhân tự chạy nhảy gây ra nên không thể kết luận bị cáo phạm tội nhiều lần và cũng không có căn cứ đồng phạm. Sau đó gia đình nạn nhân đã làm đơn kháng cáo.

Các quy định liên quan:

Điều 256 BLTTHS quy định về nội quy phiên tòa

1. Mọi người vào phòng xử án phải mặc trang phục nghiêm túc, chấp hành việc kiểm tra an ninh và thực hiện đúng hướng dẫn của thư ký tòa án.

2. Mọi người trong phòng xử án phải tôn trọng HĐXX, giữ gìn trật tự và tuân theo sự điều hành của chủ tọa phiên tòa.

3. Mọi người trong phòng xử án phải đứng dậy khi HĐXX vào phòng xử án và khi tuyên án. Bị cáo phải đứng khi kiểm sát viên công bố cáo trạng hoặc quyết định truy tố. Người được tòa án triệu tập đến phiên tòa muốn trình bày ý kiến phải được chủ tọa phiên tòa đồng ý; người trình bày ý kiến phải đứng khi trình bày ý kiến, khi được hỏi.

Những người vì lý do sức khỏe có thể được chủ tọa phiên tòa cho phép ngồi.

4. Tại phiên tòa, bị cáo đang bị tạm giam chỉ được tiếp xúc với người bào chữa cho mình. Việc tiếp xúc với những người khác phải được chủ tọa phiên tòa cho phép.

5. Người dưới 16 tuổi không được vào phòng xử án, trừ trường hợp được tòa án triệu tập đến phiên tòa.

Điều 234 BLTTDS quy định nội quy phiên tòa:

1. Khi vào phòng xử án, mọi người đều phải chấp hành việc kiểm tra an ninh của lực lượng có trách nhiệm bảo vệ phiên tòa.

2. Nghiêm cấm mang vào phòng xử án vũ khí, hung khí, chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ, đồ vật cấm lưu hành, truyền đơn, khẩu hiệu và tài liệu, đồ vật khác ảnh hưởng đến sự tôn nghiêm của phiên tòa, trừ vật chứng của vụ án phục vụ cho công tác xét xử hoặc vũ khí, công cụ hỗ trợ được người có thẩm quyền mang theo để làm nhiệm vụ bảo vệ phiên tòa.

3. Người tham gia phiên tòa theo yêu cầu của tòa án phải xuất trình giấy triệu tập, giấy mời, các giấy tờ có liên quan khác cho thư ký phiên tòa tại bàn thư ký chậm nhất là 15 phút trước giờ khai mạc phiên tòa và ngồi đúng vị trí trong phòng xử án theo hướng dẫn của thư ký phiên tòa; trường hợp đến muộn thì phải xuất trình giấy triệu tập, giấy mời, các giấy tờ có liên quan khác cho thư ký phiên tòa thông qua lực lượng làm nhiệm vụ bảo vệ phiên tòa.

4. Nhà báo tham dự phiên tòa để đưa tin về diễn biến phiên tòa phải chấp hành sự điều khiển của chủ tọa phiên tòa về khu vực tác nghiệp. Nhà báo ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của hội đồng xét xử phải được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa. Việc ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của đương sự, người tham gia tố tụng khác phải được sự đồng ý của họ...

  

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm