Chiều 7-5, TAND Tối cao tiếp tục phiên giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải bị kết án tử hình về hai tội giết người và cướp tài sản, xảy ra tại Bưu điện Cầu Voi (Long An).
Một vấn đề gây hoài nghi và cũng là cơ sở để VKSND Tối cao kháng nghị giám đốc vụ án Hồ Duy Hải là con dao và thớt mà cơ quan điều tra cho là vật chứng vụ án. Kết luận điều tra, cáo trạng và bản án hai cấp xét xử đều cho rằng Hải đã sát hại hai cô gái ở Bưu cục Cầu Voi bằng dao và thớt.
Tuy nhiên, luật sư và sau này là đoàn giám sát của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội phát hiện ra rằng hai vật chứng quan trọng kia đều do CQĐT yêu cầu nhân chứng trong vụ án mua, rồi đưa vào hồ sơ chứ không phải là hung khí thực sự được thu giữ từ hiện trường vụ giết người.
Để làm rõ vấn đề này, hôm nay, hai thành viên hội đồng giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải đã hỏi điều tra viên (ĐTV).
Một thẩm phán hỏi: Cái thớt và con dao (hung khí - TG) không thu giữ được, thì CQĐT nói sơ suất. Vậy CQĐT có khẳng định (thớt và dao trong hồ sơ vụ án) là công cụ gây án không? Nói là mua dao, thớt để phù hợp nhận dạng thì có trái luật tố tụng không? Việc nhận định về công cụ gây án như vậy có ảnh hưởng tới kháng nghị?
Một thẩm phán khác hỏi: Giải thích thế nào về thu ghế có mã số khác? Có tài liệu nào khẳng định cái thớt, con dao mua ở chợ là công cụ phạm tội không? Luật có cho phép không?
Mẹ và em gái Hồ Duy Hải chờ đợi bên ngoài TAND Tối cao. Ảnh: TP
Chủ tọa - Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình cũng nói: Có việc quan trọng mà tôi cũng đồng tình là tại sao không thu được dao, thớt?
ĐTV trực tiếp thụ lý vụ án giải thích: Đây là vụ án truy xét. Khi đó tập trung truy tìm vật sắc nhọn vì vết thương ở cổ. Tổ khám nghiệm cũng đi tìm dao nhưng không phát hiện được.
Việc không tìm thấy con dao hung khí này chỉ được lý giải sau khi đã bắt được Hải. Theo đó, Hải khai là gây án xong, mang dao ra lu nước rửa sạch, rồi nhét sâu vào ngách.
Khi CQĐT khám nghiệm hiện trường xong thì rời khỏi hiện trường. Bưu điện cho người dọn dẹp thì có thu được một con dao, sau được mô tả là sạch sẽ, như mới, dường như phù hợp với lời khai của nghi can Hải.
Kiểm sát viên VKSND Tối cao hỏi: Hồ sơ vụ án có tài liệu cho thấy khi khám nghiệm, các điều tra viên phát hiện con dao, rồi khi dọn dẹp sau đó cũng phát hiện có con dao, chuôi gỗ hoặc nhựa giả gỗ. Vậy tại sao không thu giữ?
ĐTV trả lời: Con dao hung khí được phát hiện chiều 4-1-2008. Nhân chứng (người dọn dẹp bưu điện sau khi cơ quan điều trả rời hiện trường - TG) nghĩ dao không liên quan vụ án thì đốt bỏ.
“Có đồng chí Sơn, không được phân công điều tra vụ án này, được báo về con dao ấy. Nhưng công an huyện và đồng chí ấy thấy bảo dao không dính máu, nghĩ là dao sạch nên bỏ đi. Một tuần sau tin báo về tỉnh mới té ngửa ra. Lúc đó về tìm thì đã bị đốt rồi. Không phát hiện, thu giữ được là lỗi của cơ quan điều tra” - ĐTV giải thích.
Hồ sơ vụ án cho thấy lời khai của Hải về con dao gây án không thống nhất. Lúc thì lưỡi dao rộng 3 cm, lúc khác 6 cm. Các lời khai đầu không nói dùng thớt gây án. Về sau khai dùng thớt đập vào đầu nạn nhân thì lúc nói dày 10 cm, lúc lại 5 cm.
Cũng trong hồ sơ, biên bản mô tả hiện trường có đề cập tới chiếc thớt có vết máu nhưng lại không thu giữ. Rồi bản ảnh hiện trường có một chiếc ghế inox, không được thu hồi. Để rồi hai tháng sau, CQĐT thu đâu được một ghế inox khác với chiếc ghế trong bản ảnh và khác cả mã số ghi nhận trong biên bản hiện trường.
Một thẩm phán chất vấn: Giờ ĐTV nói là mua dao, thớt chỉ để phục vụ nhận dạng hung khí. Vậy ý này được ghi trong bút lục, tài liệu nào?
Hai nạn nhân ăn, ở, ngủ, nghỉ ngay trong Bưu điện Cầu Voi bị giết, bản ảnh hiện trường cho thấy có thớt, mà cơ quan điều tra lại không thu giữ được thớt đó.
Trên cổ nạn nhân có vết cắt, tức là do vật sắc gây ra, mà cũng không thu giữ được dao. Đây là một điểm cần suy nghĩ. Ngay cả con dao đó, sau bị đốt thì chỉ cháy phần cán, thế còn lưỡi đâu?
ĐTV: Lưỡi dao đó thì ngặt cái là nhiều người lượm ve chai đi qua, CQĐT quay lại tìm thì không thấy ở chỗ đốt nữa…
Theo hồ sơ vụ án, do không tìm thấy con dao hung khí, CQĐT đã cho vẽ một con dao và đưa bản vẽ vào như một tài liệu vụ án.
Để làm rõ vấn đề này, Chủ tọa Nguyễn Hòa Bình hỏi: Có việc vẽ dao cho Hồ Duy Hải nhận dạng không? Ai vẽ? Vẽ cho ai, làm gì?
ĐTV: Con dao vật chứng trong hồ sơ là nhờ nhân chứng mua rồi đưa về cho bị can Hải nhận dạng. Còn bản vẽ thì nhân chứng vẽ cũng có, ĐTV vẽ cũng có, bị can vẽ cũng có.
Chủ tọa: Hải khai chiếc dao lúc dài, lúc ngắn, cái thớt lúc mỏng, lúc dày. Anh lý giải thế nào?
ĐTV: Do diễn biến tâm lý bị can, lúc khai thế này, lúc khai thế khác. Cũng vì vậy mà CQĐT phải tổ chức nhận dạng.