Vụ ông Lương Hữu Phước - người vừa bị TAND tỉnh Bình Phước kết án ba năm tù về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ - vào trụ sở tòa này nhảy lầu tự tử khiến dư luận bàng hoàng. Nhiều người đặt câu hỏi liệu HĐXX của tòa án này đã xét xử ông Phước “công tâm, khách quan” như trả lời của lãnh đạo tòa này tại buổi họp báo thông tin sự việc vào sáng 30-5.
Các căn cứ chính để tòa kết tội
Theo TS - luật sư (LS) Nguyễn Hữu Thế Trạch (Đoàn LS TP.HCM), HĐXX đã căn cứ vào những tình tiết và chứng cứ sau để buộc tội ông Phước:
Thứ nhất, ông Phước điều khiển phương tiện trong khi sử dụng rượu, có nồng độ cồn vượt quá giới hạn 0,69 mg/l khí thở.
Thứ hai, ông Phước không tuân thủ quy tắc khi sang đường (khoản 2 Điều 15 Luật Giao thông đường bộ).
Thứ ba, lời khai của ông Phước có sự mâu thuẫn, bất nhất, cụ thể ngày 18-1-2017, 22-2-2017 ông Phước khai có sử dụng rượu, qua đường không quan sát, dựng xe ngang đường là có vi phạm, lời khai tại phiên tòa không nhớ rõ tình tiết sự việc.
Thứ tư, lời khai của Lâm Tươi, khi khoảng cách còn 50 m, thấy bị cáo Phước đứng bên lề trái nhưng khi còn khoảng 5 m thì bị cáo Phước bất ngờ điều khiển xe chạy qua đường nên Lâm Tươi điều khiển xe không kịp nên đã đánh lái, tránh đâm vào chân của bị cáo…
Thứ năm, lời khai của người làm chứng Trần Thị Kim Liên (vợ bị hại) nhìn thấy tay ông Quý để lên vai ông Phước.
Hai trong ba thẩm phán là thành viên HĐXX phúc thẩm xử vụ ông Lương Hữu Phước tại buổi họp báo thông tin về vụ việc sáng 30-5. Ảnh: KD
Những điểm chưa rõ
Căn cứ vào những tình tiết nêu trên, LS Trạch cho rằng còn một số điểm cần lý giải và làm rõ thì bản án phúc thẩm (lần hai) kết tội ông Phước mới thuyết phục.
HĐXX phải đưa ra nhận định ông Phước có được sang đường tại đoạn đường xảy ra tai nạn hay không. Câu trả lời ở đây là ông Phước được quyền sang đường nhưng bản án chưa có nội dung này là một thiếu sót.
Ông Phước có tuân thủ quy tắc an toàn khi sang đường hay không (quan sát, bật đèn tín hiệu chuyển hướng, bảo đảm an toàn)? Lời khai của ông Phước cho rằng ông có thực hiện đầy đủ các yêu cầu nêu trên. Tuy nhiên, HĐXX chưa làm rõ nội dung lời khai này của ông Phước có phù hợp với sự thật khách quan của vụ án hay không. Tòa án không khẳng định lời trình bày của ông Phước là đúng hay không. Trong khi lời khai của người làm chứng là bà Liên, vợ ông Quý, không thể hiện ông Phước có bật đèn tín hiệu chuyển hướng hay không.
Đoạn đường xảy ra tai nạn là đoạn đường thẳng, không bị che khuất tầm nhìn, người điều khiển xe cùng chiều là Lâm Tươi có nghĩa vụ quan sát và tuân thủ quy tắc an toàn. Nghĩa vụ này của Lâm Tươi chưa được tòa án đưa vào nội dung bản án để xác định Lâm Tươi có lỗi khi điều khiển phương tiện hay không là một thiếu sót.
Tòa án dùng lời khai của ông Phước khai có sử dụng rượu, qua đường không quan sát, dựng xe ngang đường là có vi phạm. Tại phiên tòa, ông Phước khai không nhớ rõ tình tiết sự việc mà tòa buộc tội là vi phạm Điều 98 BLTTHS.
Trong khi điều khiển xe, Lâm Tươi có sử dụng rượu nồng độ cồn vượt quá quy định nhưng tòa án không đưa nội dung này vào bản án để xác định trách nhiệm của Lâm Tươi là chưa thuyết phục.
Đồng thời, tại lời khai của Lâm Tươi ngày 24-2-2017 cho rằng điều khiển xe chạy với tốc độc 50-60 km/giờ, quan sát thấy hai người ngồi trên xe là ông Phước và ông Quý. Khi ông Phước, Quý qua đường do quá nhanh không kịp xử lý nên đụng vào xe gây tai nạn. Lời khai này là mâu thuẫn với nhận định của tòa án cho rằng Lâm Tươi chỉ quan sát thấy ông Phước chuyển hướng với khoảng cách 5 m nên không kịp xử lý.
Vì vậy, trong vụ án này cần phải giám định tốc độ xe, nồng độ cồn của Lâm Tươi có ảnh hưởng đến khả năng nhận thức, điều khiển xe bảo đảm an toàn hay không. Nếu chạy tốc độ chậm thì khả năng gây tai nạn chết người như thế nào, đã trưng cầu giám định hay chưa, vì sao không có vết thắng của xe Lâm Tươi tại hiện trường cũng như biên bản hiện trường?
Lời khai của người làm chứng Liên ngày 22-2-2017 cho rằng Lâm Tươi quay lại nói chuyện với Trị Tiếp nên không kịp quan sát, từ đó đụng vào xe. Nội dung này chưa được tòa án làm rõ để xác định trách nhiệm của Lâm Tươi là chưa thuyết phục.
“Với quá nhiều điểm mâu thuẫn chưa được làm rõ nêu trên, tôi cho rằng trong vụ việc này tòa án chưa áp dụng nguyên tắc xác định lỗi gây ra tai nạn để xác định những chủ thể nào phải chịu trách nhiệm đối với phần lỗi của mình là có sự thiếu sót, gây ảnh hưởng đến tính đúng đắn và sự thật khách quan của vụ án” - LS Trạch nhận định.
Một chuyên gia pháp luật cho rằng TAND Cấp cao tại TP.HCM cần rút toàn bộ hồ sơ vụ án liên quan đến ông Lương Hữu Phước để nghiên cứu. Nếu thấy có căn cứ, chánh án tòa này nên kháng nghị giám đốc thẩm, đề nghị hủy toàn bộ hai bản án sơ, phúc thẩm kết tội ông Phước để điều tra, đánh giá lại vụ án được khách quan, toàn diện, tránh làm oan người vô tội và bỏ lọt tội phạm. Ngoài ra, viện trưởng VKSND Cấp cao tại TP.HCM cũng có thẩm quyền kháng nghị giám đốc thẩm vụ án này. |
Đánh giá chưa khách quan, toàn diện
Theo LS Trạch, nếu lần xử phúc thẩm này HĐXX TAND tỉnh Bình Phước xem xét thận trọng những lý do trước đây cũng chính tòa này từng đưa ra để hủy án sơ thẩm của TAND thị xã Đồng Xoài thì sẽ không xảy ra sự việc đáng tiếc vừa qua.
“Bản án hình sự phúc thẩm của TAND tỉnh Bình Phước vừa tuyên là không khách quan, toàn diện, chưa đánh giá hết được các chứng cứ dẫn đến hậu quả thật đáng tiếc nên cần phải được xem xét trách nhiệm của từng thành viên trong HĐXX” - LS Trạch đặt vấn đề.
Qua nghiên cứu hồ sơ, bản ảnh, sơ đồ hiện trường, lời khai của bị cáo và những nhân chứng, người có quyền và nghĩa vụ liên quan, LS Nguyễn Văn Hồng (Đoàn LS TP.HCM) xác định như sau:
Căn cứ vào hiện trường và các dấu vết để lại trên hai phương tiện có thể nhận thấy: Lâm Tươi điều khiển xe với tốc độ rất cao (theo lời khai của anh Tươi là khoảng 50-60 km/giờ); không phát hiện thấy vết thắng xe; khi tông vào phần tản nhiệt phía bên phải xe anh Phước đã làm xe do Tươi điều khiển gãy phuộc nhún trước, cong vành trước theo hình chữ V, chắn bùn trước vỡ, đèn trước vỡ…
Theo LS Hồng, quá trình điều tra, truy tố và xét xử, các cơ quan tố tụng chưa làm rõ những vi phạm về tốc độ, trách nhiệm quan sát phía trước của Lâm Tươi khi điều khiển xe mà đã quy kết toàn bộ lỗi của vụ tai nạn cho bị cáo Phước là đánh giá chưa công tâm, khách quan, toàn diện.
“Tôi sẽ tiếp tục kêu oan cho chồng” Trên khuôn mặt mệt mỏi, bà Lê Thị Tư (51 tuổi, vợ ông Lương Hữu Phước) thỉnh thoảng lại bật khóc khi nhắc về cái chết của chồng, cả nhà dỗ dành bà ăn nhưng bà bảo mình không muốn ăn. Bà kể sau khi nghe tòa tuyên án, chồng bà về nhà nhưng không hề có biểu hiện gì bất thường. Khoảng 15 giờ, có ai đó gọi điện thoại, ông ôm hôn cháu nội mới ba tuổi rồi nói rằng ông nội đi nhận quyết định để ông nội đi ở tù. Đến khoảng 15 giờ 30 thì công an đến nhà báo chồng bà nhảy lầu tự tử, hiện đang cấp cứu. Bà Tư nghẹn ngào: “Giờ ước nguyện của tôi là làm sao kêu oan cho chồng. Vì lúc còn sống ổng cứ nói phải kêu oan tới cùng nên giờ mình phải cố gắng thực hiện cho được ước nguyện của chồng”. LS Dương Vĩnh Tuyến (Đoàn LS tỉnh Bình Phước, người bào chữa cho ông Phước) cho biết ông sẽ làm đơn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm vụ án để minh oan cho ông Phước. Sáng tòa tuyên án, chiều xảy ra chuyện đau lòng Theo hồ sơ, trưa 15-1-2017, sau khi uống rượu ở nhà ông Phạm Văn Tuấn (thị xã Đồng Xoài, Bình Phước), ông Lương Hữu Phước đi về nhà. Khoảng 13 giờ cùng ngày, ông Trần Hữu Quý gọi điện thoại cho ông Phước quay lại nhà ông Tuấn để đổi dép do ông Phước đi nhầm dép người khác. Ông Phước quay lại nhà ông Tuấn thì ông Quý rủ đi hát karaoke. Ông Phước chở ông Quý đi một đoạn thì thấy ông Quý không đội mũ bảo hiểm nên chở về nhà ông Quý để lấy mũ bảo hiểm. Khi đến gần trước nhà ông Quý, ông Phước dừng xe bên lề đường bên phải để ông Quý sang đường vào nhà lấy mũ bảo hiểm nhưng ông Quý không chịu xuống xe. Lúc này ông Phước điều khiển mô tô rẽ trái sang đường. Khi xe ông Phước tới phần đường dành cho xe đi ngược chiều thì bị mô tô do anh Lâm Tươi điều khiển (đang chở một người) lưu thông bên phải đụng vào gây tai nạn. Hậu quả là ông Phước và ông Quý bị thương, được đưa đi cấp cứu; hai ngày sau thì ông Quý qua đời. Ngày 29-3-2018, TAND thị xã Đồng Xoài xử sơ thẩm và tuyên phạt ông Phước ba năm tù về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ. Sau đó, ông Phước kháng cáo kêu oan. Ngày 9-10-2018, TAND tỉnh Bình Phước xử phúc thẩm đã tuyên hủy toàn bộ bản án để điều tra lại. Tháng 12-2019, TAND TP Đồng Xoài xử sơ thẩm lần hai vẫn phạt ông Phước mức án như trên. Đến ngày 26-5, TAND tỉnh Bình Phước xử phúc thẩm lần hai và nghị án kéo dài. Sáng 29-5, tòa này đã tuyên bác kháng cáo kêu oan của ông Phước, y án sơ thẩm. Đến chiều cùng ngày thì xảy ra sự việc đau lòng… |