Ngày 10-9, TAND huyện Cái Nước, Cà Mau tiếp tục phiên xử vụ tạt xăng đoàn cưỡng chế xảy ra ngày 7-8-2019, tại ấp Sở Tại, xã Thạnh Phú, huyện Cái Nước.
Bốn bị cáo Phạm Hoàng Kiếm, Lê Thị Hiến (vợ ông Kiếm), Phạm Văn Nguyên (con trai ông Kiếm) và Phạm Văn Bé (con rể ông Kiếm) cùng bị truy tố về tội chống người thi hành công vụ. Riêng bị cáo Kiếm và Nguyên bị truy tố thêm tội cố ý gây thương tích.
Nói lời sau cùng, cả bốn bị cáo xin lỗi các cán bộ bị tạt xăng, xin được giảm án, xin các bị hại bớt cho phần bồi thường vì cả gia đình phải ở tù, nhà không còn, việc làm không có.
Các bị cáo đều nói lời xin lỗi các cán bộ đoàn cưỡng chế bị tạt xăng. Ảnh: Trần Vũ
Trong khi đó, phần lớn các bị hại không yêu cầu bồi thường tiền, chỉ yêu cầu xử lý nghiêm theo quy định pháp luật. Bốn bị hại đề nghị bồi thường chi phí điều trị vết thương khoảng 23,5 triệu đồng.
Đại diện VKS đề nghị tuyên bị cáo Kiếm và Nguyên 13-15 năm tù về hai tội danh trên.
Bị cáo Hiến bị đề nghị phạt một năm một tháng hai ngày tù (bằng thời gian tạm giam), Bé từ hai đến hai năm sáu tháng tù.
Phía luật sư bào chữa cho các bị cáo đề nghị HĐXD trả hồ sơ điều tra bổ sung vì còn nhiều tình tiết chưa thống nhất giữa lời khai tại hồ sơ và tại tòa.
Một luật sư khác đề nghị HĐXX xem xét về nguyên nhân phạm tội mà giảm án cho tất cả các bị cáo. Theo luật sư này, bà Hiến được mẹ cho đất có giấy tay, tất cả anh em trong nhà đều chứng kiến. Tuy nhiên, một người anh của bà Hiến đã bán đất cho người khác, không cho bà Hiến đồng nào. Vì bỗng dưng mất hết đất mẹ cho, bị cáo quá oan ức nên phạm tội.
HĐXX tuyên bố nghị án kéo dài, sẽ tuyên án vào sáng 14-9 tới.
Căn nhà ông Kiếm hôm cưỡng chế. Ảnh: Trần Vũ
Cáo trạng thể hiện, ngày 23-7-2019, vợ chồng ông Kiếm, bà Hiến nhận được thông báo cưỡng chế nhà mình ở ấp Sở Tại theo một bản án sơ thẩm có hiệu lực năm 2018 của TAND huyện Cái Nước. Thời gian cưỡng chế là ngày 7-8-2019.
Ngay sau đó, vợ chồng ông Kiếm cùng Nguyên, Bé bàn bạc, tổ chức việc chống đối, không cho cưỡng chế.
Sáng 7-8-2019, khi đoàn cưỡng chế tiến hành cưỡng chế nhà, gia đình ông Kiếm, bà Hiến chống đối, gây thương tích bằng việc đốt xăng đang cháy tạt vào đoàn cưỡng chế.
Hành động này gây thương tích cho 12 cán bộ là công an hỗ trợ cưỡng chế, chấp hành viên của Chi cục thi hành án huyện Cái Nước, tỉ lệ thương tích từ 1% đến 23%.
Ở nhiều lời khai có trong hồ sơ vụ án, các bị cáo khai đêm trước khi bị thi hành án, cả nhà có bàn bạc cách chống đối đoàn cưỡng chế.
Tuy nhiên, tại tòa, cả bốn bị cáo đều thay đổi lời khai, cho rằng chưa từng có việc bàn bạc trước, việc phạm tội hoàn toàn là bộc phát do bức xúc chuyện mất nhà.
Lời khai về vai trò của từng bị cáo trong lúc phạm tội cũng bị thay đổi. Theo lời khai trong các bút lục thì ông Kiếm giữ vai trò chính, tổ chức, chỉ đạo con trai, con rể làm những việc cụ thể chống đoàn cưỡng chế.
Thế nhưng tại tòa, ông Kiếm phủ nhận những lời khai trên, còn con trai ông Kiếm là bị cáo Nguyên nhận hết tội do mình thực hiện.