Video: Pháp lý việc Bình Dương khởi tố vụ án liên quan bà Phương Hằng |
Ngày 22-4, Đại tá Trịnh Ngọc Quyên, Giám đốc Công an tỉnh Bình Dương, xác nhận Cơ quan điều tra Công an tỉnh Bình Dương đã khởi tố vụ án liên quan đến các đơn tố giác bà Nguyễn Phương Hằng (tổng giám đốc Công ty cổ phần Đại Nam).
Sáu người tố giác bà Hằng đến Công an Bình Dương
Theo Đại tá Quyên, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Dương đã khởi tố vụ án về tội danh giống phía Cơ quan điều tra Công an TP.HCM. Cụ thể, Công an Bình Dương khởi tố vụ án lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân theo Điều 331 BLHS năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Vào ngày 24-3, Công an TP.HCM đã khởi tố, bắt tạm giam bị can Nguyễn Phương Hằng về tội danh trên.
Bị can Nguyễn Phương Hằng nghe Công an TP.HCM đọc lệnh bắt vào tối 24-3. Ảnh: CA |
Trước khi bị bắt, Nguyễn Phương Hằng thường xuyên livestream, nhục mạ nhiều nghệ sĩ, luật sư, nhà báo và có sáu người tố giác Nguyễn Phương Hằng (gồm ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, ca sĩ Thủy Tiên, Công Vinh, nhà báo Hàn Ni, nhà báo Nguyễn Đức Hiển và bà Đinh Thị Lan) đề nghị công an khởi tố Nguyễn Phương Hằng về hành vi làm nhục người khác, vu khống và lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Ban đầu có 5 người tố cáo bà Phương Hằng tại Công an TP.HCM, sau đó Công an TP.HCM chuyển 4/5 đơn tố cáo (của Đàm Vĩnh Hưng, Công Vinh, Thuỷ Tiên, Hoài Linh) cho Bình Dương. Riêng hai nhà báo Hàn Ni, nhà báo Nguyễn Đức Hiển tố cả hai nơi.
Công an tỉnh Bình Dương sau khi khởi tố vụ án sẽ điều tra, củng cố hồ sơ để xem xét khởi tố bị can theo quy định.
Khởi tố đúng quy định
Theo luật sư Nguyễn Văn Nhàn, Đoàn Luật sư TP.HCM, cùng hành vi trên, Cơ quan điều tra TP.HCM và tỉnh Bình Dương đã khởi tố, điều tra theo thẩm quyền.
Có thể thấy việc khởi tố này không trùng lắp thẩm quyền của hai cơ quan tố tụng theo quy định tại Điều 163 BLTTHS năm 2015.
Vì hành vi của Nguyễn Phương Hằng tuy cùng đối tượng vi phạm pháp luật hình sự nhưng xét về người bị xâm hại thì khác nhau. Người tố cáo Nguyễn Phương Hằng ở Công an TP.HCM là ca sĩ Vy Oanh… còn những người tố cáo Nguyễn Phương Hằng tại Công an Bình Dương gồm: Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, ca sĩ Thủy Tiên, Công Vinh, nhà báo Hàn Ni, nhà báo Nguyễn Đức Hiển.
Đồng thời, nơi bà Hằng thực hiện hành vi phạm tội ở địa giới hành chính (tỉnh, thành) khác nhau và tính chất, mức độ thực hiện hành vi vi phạm cũng khác nhau nên việc khởi tố của Công an Bình Dương không trùng lắp về mặt thẩm quyền.
Vụ án đang được hai cơ quan điều tra ở TP.HCM và Bình Dương khởi tố, điều tra, mặc dù cùng tội danh nhưng muốn nhập, tách vụ án thì phải thực hiện theo đúng quy định pháp luật tố tụng hình sự.
Cụ thể, Điều 170 và Điều 242 BLTTHS năm 2015 chỉ quy định khi vụ án do cơ quan điều tra hay VKS trong cùng địa bàn tỉnh/TP thụ lý thì có thể xem xét việc nhập vụ án để tiến hành điều tra. Do đó, trường hợp này thì không thể nhập vụ án.
Việc Nguyễn Phương Hằng có thể bị khởi tố về nhiều tội danh hay không còn cần dựa vào quá trình xác định tội danh của cơ quan điều tra.
Trường hợp, cơ quan điều tra xét thấy Nguyễn Phương Hằng còn có dấu hiệu của tội làm nhục người khác (hoặc tội danh nào khác) thì cũng có quyền khởi tố bổ sung với tội danh mới.
Tội làm nhục người khác theo Điều 155 BLHS và tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân theo Điều 331 BLHS là hai tội có cấu thành khác nhau.
Vì vậy, không thể xem rằng khi đã xử lý một cá nhân về tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân thì không thể xử lý được tội làm nhục người khác nếu có đủ dấu hiệu của tội làm nhục.