Tờ Financial Times ngày 5-6 đưa tin Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã phản đối kế hoạch mở văn phòng liên lạc của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại Nhật, vì ông cho rằng liên minh quân sự phương Tây này cần tiếp tục tập trung vào khu vực bắc Đại Tây Dương.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Ảnh: Bertrand Guay/AFP/GETTY IMAGES |
Phát biểu tại một hội nghị vào tuần trước, ông Macron cho biết NATO không nên mở rộng phạm vi hoạt động ra ngoài bắc Đại Tây Dương. Ông nhận định việc thúc đẩy NATO mở rộng độ bao trùm và phạm vi địa lý sẽ là một sai lầm lớn.
Một số nguồn tin thân cận cho biết sự phản đối của Pháp đã làm phức tạp các cuộc thảo luận về kế hoạch mở văn phòng liên lạc đầu tiên của NATO ở châu Á trong nhiều tháng qua.
Một quan chức Pháp giải thích Paris tin rằng hiến chương của NATO giới hạn phạm vi địa lý của liên minh ở "bắc Đại Tây Dương". Một nguồn tin khác cũng cho biết Pháp không muốn ủng hộ bất cứ hoạt động nào có thể làm leo thang căng thẳng quan hệ Trung Quốc-NATO.
Kế hoạch mở văn phòng liên lạc NATO ở Tokyo diễn ra trong bối cảnh Mỹ và Nhật đang kêu gọi sự can dự sâu hơn của châu Âu vào các vấn đề an ninh châu Á.
Tuy nhiên động thái này đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ phía Trung Quốc. Bắc Kinh cho rằng sự hiện diện của NATO ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ làm xói mòn sự ổn định và hòa bình khu vực cũng như tạo ra thế đối đầu nhóm, đồng thời cáo buộc Mỹ tạo ra phiên bản "NATO châu Á".
Việc thành lập văn phòng liên lạc ở Nhật đòi hỏi sự ủng hộ của toàn bộ thành viên NATO, điều đó có nghĩa Pháp có quyền ngăn kế hoạch này.
Ông Hirokazu Matsuno - Chánh văn phòng Nội các Nhật hôm 6-6 đã từ chối bình luận về phát biểu của Tổng thống Macron, chỉ cho biết “nhiều cân nhắc đang được thảo luận trong nội bộ NATO” vào thời điểm này, hãng thông tấn Kyodo News đưa tin.
Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân cảnh báo về “sự bành trướng sang châu Á” của NATO.
“Châu Á nằm ngoài phạm vi địa lý của bắc Đại Tây Dương. Tuy nhiên, như chúng ta đã thấy, NATO muốn tiến về phía đông vào khu vực này, can thiệp vào các vấn đề khu vực và khiêu khích đối đầu khối” - ông Uông cho hay.
Ông cũng kêu gọi Nhật "nên đưa ra quyết định đúng đắn phù hợp với lợi ích ổn định và phát triển của khu vực, đồng thời kiềm chế các hoạt động có thể làm suy yếu lòng tin lẫn nhau giữa các nước cũng như hòa bình và ổn định trong khu vực".