Phạt giao thông tại chỗ: Tiện cho dân nhưng dễ tiêu cực?

Bộ Công an đang dự thảo thông tư hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định 171/2013 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt (bản dự thảo lần 1). Theo dự thảo, sẽ tăng mức tiền xử phạt tại chỗ cho CSGT và người có thẩm quyền lên trên 250.000 đồng đối với cá nhân…

Nhiều chuyên gia băn khoăn về việc tăng mức tiền xử phạt tại chỗ như trên.

“Lòng vòng lui tới” để ngừa vi phạm

Theo ThS Trần Quang Trung, giảng viên khoa Luật hành chính (ĐH Luật TP.HCM), để hạn chế những bất cập, rườm rà về thủ tục ra quyết định xử phạt cũng như thủ tục nộp phạt cho người dân, dự thảo thông tư đề xuất tăng thẩm quyền và cho phép CSGT được ra quyết định xử phạt tại chỗ. Đây là điều không mới vì luật hiện hành cho phép CSGT được xử phạt tại chỗ đến 250.000 đồng (500.000 đồng với tổ chức).

Đành rằng việc xử phạt tại chỗ có một số thuận lợi và khắc phục được một số bất cập hiện hành về thủ tục xử phạt nhưng giải pháp tăng mức phạt tại chỗ cho CSGT cần xem xét lại. Bởi lẽ việc “lòng vòng lui tới” trong việc xử phạt và nộp phạt trong chừng mực nhất định cũng có tác động trực tiếp và nâng cao ý thức của người tham gia giao thông. Bởi nếu vi phạm, họ không chỉ bị nộp tiền phạt mà còn mất thời gian, công sức trong việc xử phạt và nộp phạt nên sẽ tự giác điều chỉnh hành vi của mình khi tham gia giao thông cho hợp pháp hơn.

CSGT TP.HCM xử lý người vi phạm giao thông. (Ảnh có tính minh họa) Ảnh: LĐ

Muốn giản tiện cho người nộp phạt vi phạm giao thông, Nhà nước nên thay đổi một số nội dung trong thủ tục ra quyết định xử phạt cũng như thủ tục nộp phạt linh hoạt hơn. Chẳng hạn, cần có sự phối hợp giữa kho bạc với lực lượng CSGT về thời gian, địa điểm làm việc để tạo điều kiện cho người dân đi lại thuận lợi hơn trong việc nộp phạt; bố trí cán bộ (kho bạc và CSGT) làm việc ngoài giờ hành chính để tạo điều kiện cho những người vi phạm làm việc trong giờ hành chính. Cơ quan chức năng nên áp dụng công nghệ thông tin để tạo thuận lợi tối đa trong việc xử phạt và nộp phạt hoặc có sự kết hợp với các tổ chức tín dụng trong việc thu tiền phạt… chứ không nên tăng mức phạt tại chỗ cho CSGT.

Khó giám sát

Theo ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó ban Chuyên trách Ban An toàn giao thông TP.HCM, với hạ tầng giao thông và hệ thống giám sát người thi hành công vụ chủ yếu dựa vào thủ công, con người như hiện nay thì khó giám sát tiêu cực khi nộp phạt. Ông Tường cho biết thêm, năm 2014, số tiền xử phạt vi phạm giao thông TP thu được sẽ phải nộp hơn 70% về trung ương (năm 2013, TP được giữ lại 70% để chi trực tiếp cho công tác bảo đảm an toàn giao thông, trong đó có cho công tác tuần tra, kiểm soát). “Trong điều kiện kinh phí được điều hòa, cấp chậm cùng với mức xử phạt tăng, đối tượng xử phạt mở rộng thì việc CSGT làm việc trên đường thỏa hiệp với người vi phạm để nhận “tiền tươi” là rất dễ xảy ra…” - ông Tường nói.

Một luật sư phân tích: Với mức phạt tại chỗ hiện hành, người dân đã phải dấm dúi cho CSGT để khỏi bị xử phạt, giờ tăng mức phạt tại chỗ càng dễ phát sinh tiêu cực vì họ “toàn quyền” trong việc xử phạt, mức phạt mà không ai giám sát nổi.

Còn Đại tá Trần Văn Nghĩa, Trưởng phòng CSGT Công an tỉnh Bình Thuận, cho biết: “Trước khi Bộ Công an ban hành dự thảo đã có tham khảo ý kiến các địa phương. Theo khảo sát, hầu hết người tham gia giao thông đều muốn phạt tại chỗ thay vì đến kho bạc nộp tiền vi phạm. Nếu dự thảo thành hiện thực, lực lượng CSGT phải thực hiện theo mong muốn của người tham gia giao thông dù CSGT sẽ bất tiện vì phải làm thêm nhiệm vụ ghi phiếu xử phạt, ra quyết định, tạm giữ tiền phạt…”.

NHÓM PV

Trường hợp hành vi vi phạm có mức phạt tiền trên 250.000 đồng đối với cá nhân, trên 500.000 đồng đối với tổ chức (mức tối đa của khung tiền phạt được quy định đối với hành vi đó), xảy ra ở trên tàu khi đoàn tàu đã rời ga; ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, miền núi mà việc đi lại gặp khó khăn hoặc xảy ra ngoài giờ hành chính thì sau khi yêu cầu tổ chức, cá nhân vi phạm chấm dứt ngay hành vi vi phạm, người có thẩm quyền xử phạt tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính; nếu hành vi vi phạm rõ ràng, không cần xác minh, thuộc thẩm quyền xử phạt của mình thì được ra ngay quyết định xử phạt vi phạm hành chính; Tổ chức, cá nhân bị xử phạt có thể nộp tiền phạt tại chỗ cho người ra quyết định xử phạt và được nhận biên lai thu tiền phạt.

(Theo Điều 4, dự thảo thông tư quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định 171/2013)

Xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản được áp dụng trong trường hợp xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 250.000 đồng đối với cá nhân, 500.000 đồng đối với tổ chức và người có thẩm quyền xử phạt phải ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính tại chỗ.

(Theo Điều 56 Luật Xử phạt vi phạm hành chính hiện hành)

Ngày 9-7-2013, Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) tại Việt Nam công bố Kết quả khảo sát về quan điểm và trải nghiệm của người dân đối với tham nhũng. Báo cáo cho biết: “Tham nhũng tăng lên trong hai năm qua, trong đó cảnh sát vẫn là lĩnh vực có mức độ tham nhũng nhiều nhất”.

Kết quả của khảo sát trên phù hợp với kết quả cuộc điều tra xã hội do Thanh tra Chính phủ Việt Nam và Ngân hàng Thế giới công bố hôm 20-11-2012. Theo đó, CSGT là một trong bốn ngành tham nhũng phổ biến nhất. Điều tra trên 5.460 người cho thấy CSGT đứng đầu nạn tham nhũng với hành vi nhận tiền mà không xử phạt lỗi vi phạm của người tham gia giao thông.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm