Trong tuần,PLO có thông tin về việc Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã yêu cầu Bộ GTVT chủ trì rà soát để sửa Nghị định 46/2016 theo hướng tăng cao mức phạt đối với người vi phạm giao thông. Đặc biệt, ở một số hành vi vi phạm thì người vi phạm buộc phải lao động công ích.
Đề xuất phạt lao động ích đối với người vi phạm giao thông đã nhận được nhiều ý kiến đồng tình của bạn đọc.
Theo bạn TamChau, đề xuất của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình là rất thiết thực, rất phù hợp để năng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân, hạn chế tình trạng tai nạn giao thông xảy ra ngày càng nghiêm trọng như hiện nay.
Theo bạn Minh Nghĩa, tôi hoàn toàn ủng hộ việc phạt lao động công ích khi vi phạm giao thông. Thời gian phạt phải dài ngày, ít nhất là 10 ngày công lao động, nhiều nhất là 60 ngày công lao động. Cá nhân vi phạm không được nhờ người khác, không được đóng tiền thay cho ngày công lao động… Quy định rõ ràng như vậy mới đảm bảo được việc phạt đúng người, đúng tội.
Cũng theo bạn MaiLanNguyen, cứ ai vi phạm giao thông, tùy mức độ vi phạm thì cứ cho lao động công ích quét dọn đường phố một tháng là tởn. Công nhân vệ sinh làm việc lúc nào thì người vi phạm cũng theo đó mà làm. Không cần bêu rếu, thông báo gì đến địa phương, nơi làm việc chi cho phức tạp.
Bạn MinhMinh đề xuất, các cơ quan, đoàn thể thường có những chương trình, chiến dịch làm xanh, sạch môi trường, tuyên truyền vận động an toàn giao thông trên đường phố. Những người vi phạm giao thông, tùy theo mức độ vi phạm, cứ buộc tham gia vào các hoạt động này. Kết quả báo về cho cơ quan CSGT, chính quyền địa phương.
Bạn ThanhTam cho rằng, việc phạt lao động công ích đối với người vi phạm giao thông là cần thiết, mọi người rất ủng hộ nhưng việc buộc người vi phạm chấp hành có dễ không? Cơ quan chức năng phải đưa ra quy chế, quy định rõ ràng vào luật, chuẩn bị bộ máy nhân sự để đảm nhận công việc này.
Góp ý về tính thiết thực của đề xuất trên, bạn NamHuynh đưa ra ý kiến, hình thức phạt lao động công ích đối người vi phạm giao thông đã được một số quốc gia trên thế giới áp dụng lâu rồi. Nó rất hiệu quả, mang tính nhân văn, giáo dục rất tốt khi người vi phạm buộc phải tham gia các công việc như dọn dẹp đường phố, bãi biển, sông hồ, công viên hoặc đến chăm sóc người già, trẻ em khuyết tật… Chỉ một lần tham gia các hoạt động này, người vi phạm sẽ có thay đổi rõ ràng trong việc chấp hành luật giao thông.
Các mức phạt về vi phạm giao thông hiện nay theo tôi là còn quá thấp, không làm cho các tài xế vi phạm sợ mà còn làm cho họ “lờn thuốc”. Để có thuốc trị đúng liều với căn bệnh ý thức giao thông thì luật phải bổ sung, thay đổi theo hướng tăng mức phạt nhiều lần đối với người vi phạm giao thông, buộc lao động công ích với tất cả hành vi phạm. Nếu mức phạt tiền cho các hành vi vi phạm quá nhiều, người vi phạm không đủ khả năng đóng thì quy đổi ra ngày công lao động công ích, là ý kiến của bạn Nguoimientay.