Phạt nặng nếu dùng ảnh bác sĩ để quảng cáo thực phẩm chức năng

Hiện nay, trên nhiều trang mạng xã hội, website quảng cáo thực phẩm chức năng (TPCN) có công dụng như thần dược, lừa dối gây nhầm lẫn là thuốc chữa bệnh cho người tiêu dùng. Nhiều trường hợp còn sử dụng hình ảnh của bác sĩ để quảng cáo TPCN.

Thực hiện Chỉ thị 17/CT-TTg ngày 09 tháng 5 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, chấn chỉnh hoạt động quảng cáo Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM đã triển khai thực hiện kiểm tra an toàn thực phẩm về quảng cáo thực phẩm trên các trang thông tin điện tử.

Qua kiểm tra, rà soát và thực hiện xử lý các vi phạm hành chính, Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM đã chỉ ra một số hành vi vi phạm chủ yếu như: quảng cáo lợi dụng lời nói, hình ảnh của bác sĩ, dược sĩ, bệnh nhân để gây hiểu lầm cho người tiêu dùng; quảng cáo TPCN có công dụng như thần dược, quảng cáo sai sự thật, lừa dối gây nhầm lẫn là thuốc chữa bệnh cho người tiêu dùng; quảng cáo mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung quảng cáo,…

Theo Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM, đơn vị sẽ tiến hành xử lý các hành vi vi phạm về hoạt động quảng cáo trên địa bàn thành phố. Bên cạnh đó, khuyến cáo người tiêu dùng cẩn trọng khi quyết định mua, sử dụng sản phẩm các sản phẩm TPCN có các dấu hiệu vi phạm về quảng cáo.

 

Theo luật sư Lê Văn Hoan, đoàn luật sư TP.HCM đối với các hành vi vi phạm về hoạt động quảng cáo thực phẩm, quảng cáo TPCN sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại Nghị định 158/2013/NĐ-CP và Nghị định 28/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung, như sau:

Trường hợp quảng cáo TPCN và các sản phẩm không phải là thuốc với nội dung không rõ ràng gây hiểu nhầm sản phẩm đó là thuốc thì người vi phạm bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 40 triệu đồng theo quy định tại Khoản 4 Điều 68.

Biện pháp khắc phục hậu quả buộc cải chính thông tin và tháo gỡ, tháo dỡ hoặc xóa quảng cáo.

Nếu quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo theo quy định, thì bị phạt tiền từ 15 triệu đồng đến 20 triệu đồng theo quy định tại Khoản 1 Điều 67 Nghị định 158/2013, được sửa đổi tại Nghị định 28/2017.

Đối với hành vi Quảng cáo thực phẩm dưới hình thức bài viết của bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế có nội dung mô tả thực phẩm có tác dụng điều trị bệnh; sử dụng hình ảnh, uy tín, thư tín của đơn vị, cơ sở y tế, nhân viên y tế, thư cảm ơn của bệnh nhân để quảng cáo thực phẩm thì bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng theo quy định Khoản 4, Điều 70 Nghị định 158/2013, được sửa đổi tại Nghị định 28/2017

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới