Hiện trên thị trường có khá nhiều người buôn bán thực phẩm chức năng, thuốc. Tuy nhiên, việc buôn bán tràn lan này khó kiểm chứng được chất lượng. Có nhiều trường hợp sử dụng phải những loại thực phẩm chức năng, thuốc kém chất lượng làm ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng.
Dễ dàng mua, bán
Người tiêu dùng có thể dễ dàng mua những loai thuốc giảm cân trên các trang mạng xã hội nhưng rất khó để kiểm chứng được chất lượng. Ảnh minh họa
Điển hình là một số phòng tập thể hình, những huấn luyện viên nơi đây quảng cáo khá nhiều về những sản phẩm tăng cân, giảm cân,.... Họ đảm bảo nếu sử dụng loại này kèm tập thể dục theo hướng dẫn thì chỉ vài tháng là thể hình sẽ đẹp như mong muốn.
“Nếu em đăng ký tập nơi đây và kèm theo sử dụng thực phẩm dinh dưỡng ở đây thì đảm bảo một vài tháng thân hình sẽ được như mong muốn. Đây là sản phẩm được nhập từ nước ngoài nên chất lượng em cứ yên tâm”, một huấn luyện viên thể hình quảng cáo.
Ngoài việc buôn bán thực phẩm chức năng, thuốc tại các phòng tập thì việc bán thuốc qua mạng cũng đáng báo động. Với hình thức này, nhiều cá nhân giới thiệu hàng hóa của mình lên một số trang mạng xã hội của mình để bán. Người nào muốn mua thì đặt qua mạng, người bán sẽ giao tận nơi chứ không có cửa hàng. Điều này tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho người sử dụng bởi khó có thể tránh khỏi tình trạng sản xuất kinh doanh các mặt hàng không đảm bảo chất lượng, hàng giả, hàng nhái… đe dọa sức khỏe người tiêu dùng.
Loạn quảng cáo thực phẩm chức năng như thuốc
Thông tin từ Cục An toàn thực phẩm (VFA), việc quản lý quảng cáo thực phẩm chức năng cực kỳ gian nan. Người bán đánh vào tâm lý người dùng, như thực phẩm chức năng cho trẻ hay các sản phẩm tăng cường sinh lý, chống lão hóa, giảm cân, hoặc cam kết chữa các vấn đề sinh sản, bệnh xương khớp… được quảng cáo rầm rộ trên mạng xã hội. Đơn cử chỉ cần gõ thuốc cho người ung thư, hàng loạt các trang website được chạy quảng cáo xuất hiện rầm rộ trên google, và ngay sau đó là Facebook.
Người tiêu dùng như bị rơi vào ma trận của những phản hồi tích cực và lời khen ngợi từ những khách hàng đã sử dụng do được đơn vị bán cung cấp. Theo VFA bất kỳ ai cũng có thể bán thực phẩm chức năng mà không cần có kiến thức về ngành dược phẩm hay y tế. Trên các trang mạng, họ “nổ” là dược sĩ, bác sĩ tư vấn nhưng thực tế qua thanh, kiểm tra, nhiều người không có kiến thức gì về dinh dưỡng, sinh viên mới tốt nghiệp, thậm chí chưa tốt nghiệp đại học cũng đóng giả làm bác sĩ, dược sĩ để tư vấn thực phẩm chức năng.
Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm chia sẻ với báo chí thực trạng xử phạt doanh nghiệp nhưng họ vẫn tiếp tục vi phạm. Đơn cử như tình trạng nhiều trang web quảng cáo sai phạm đã bị nêu tên công khai lên website của Cục và bị xử phạt, yêu cầu gỡ nội dung nhưng vẫn tiếp tục quảng cáo.
Trước những vấn đề này, Cục VFA cũng khuyến cáo người tiêu dùng cần tìm hiểu thông tin khi mua sản phẩm, chỉ mua những sản phẩm đã được cấp phép, công bố chất lượng, mua ở những cửa hàng, hiệu thuốc được cấp phép hoạt động. Không nên mua hàng “xách tay” vì không rõ nguồn gốc, xuất xứ cũng như chất lượng sản phẩm.