Phát triển bền vững ngành chế biến sữa và thực phẩm đồ uống

Các chuyên gia cho rằng với đà tăng trưởng đứng hàng thứ hai khu vực về nhu cầu sữa cũng như các loại đồ uống trái cây thì việc tranh thủ ứng dụng công nghệ tiệt trùng UHT sẽ mang lại cơ hội phát triển bền vững, an toàn hơn cho Việt Nam.

Đẩy mạnh tăng trưởng ngành công nghiệp đồ uống

Theo thông tin từ Vụ Công nghiệp nhẹ (Bộ Công thương), trong 10 năm trở lại đây, ngành chế biến sữa và thực phẩm đồ uống đã phát triển với tốc độ khá nhanh và dự đoán sẽ tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới. Chỉ riêng ngành sữa có mức tăng trưởng cao so với mức tăng bình quân trên 20%/năm. Sức mua sữa và các loại nước trái cây ép của người dân cũng ngày càng tăng. Trong khi chi phí sản xuất ở nước ta thấp hơn so với nhiều nước khác. Vì vậy, đây là lợi thế để ngành công nghiệp chế biến sữa và nước trái cây ép phát triển bởi tiềm năng đầu tư vào ngành công nghiệp này còn rất lớn.

Tuy nhiên, để phát triển bền vững thì việc cải tiến thiết bị, quy trình sản xuất, bảo quản, vận chuyển… là rất quan trọng. Theo ông Nguyễn Chí Dũng, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ, Bộ Công thương, công nghệ tiệt trùng UHT thực sự cần thiết, phù hợp cho ngành sữa và thực phẩm đồ uống tại Việt Nam bởi nước ta có khí hậu nóng ẩm, đường xá đi lại còn khó khăn nên vấn đề vận chuyển, bảo quản thực phẩm còn nhiều bất cập.

Ưu việt của công nghệ UHT

Tiến sĩ Bozena Malmgren, Tập đoàn Tetra Pak, cho biết: “Ưu điểm nổi bật của công nghệ tiệt trùng UHT là giúp các loại thực phẩm, đồ uống đóng gói như sữa, sữa đậu nành, nước ép trái cây… tươi ngon, giữ được phần lớn giá trị dinh dưỡng trong thời gian sáu tháng mà không cần dùng chất bảo quản và trữ lạnh”.

Sữa và các thực phẩm đồ uống sẽ được xử lý ở nhiệt độ cao (136 - 140 độ C), rồi làm nguội nhanh ở 25 độ C. Điều này giúp tiêu diệt hết vi khuẩn và giữ lại tối đa dưỡng chất. Các thành phẩm sau đó được đóng vào bao bì giấy tiệt trùng sáu lớp trong môi trường hoàn toàn tiệt trùng, ngăn vi khuẩn từ không khí xâm nhập vào sản phẩm. Thay cho các phương pháp đóng lon cổ điển, công nghệ UHT với máy rót, bao bì, sản phẩm, môi trường tiệt trùng riêng biệt. Cách làm này giúp sữa và các loại đồ uống được đựng trong hộp kín khiến cho vi sinh vật không thâm nhập vào được.

Vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm được bảo đảm ở cả khâu sản xuất và các bước sau đó. Công nghệ tiệt trùng UHT đáp ứng tốt các khâu quan trọng này. Sản phẩm sữa, đồ uống đạt được độ tiệt trùng thương mại cao là không chứa vi sinh vật làm hỏng sản phẩm và gây bệnh, không có độc tố gây ngộ độc thực phẩm.

Thành tựu của công nghệ tiệt trùng UHT là rất ưu việt. Chẳng hạn như nhờ bảo quản tốt mà hàng triệu người dân ở khắp mọi miền đất nước, đặc biệt là trẻ em có thể dễ dàng tiếp cận với nguồn dinh dưỡng từ sữa. Nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang cần nâng mức tiêu thụ sữa để phát triển dinh dưỡng và sức khỏe cho người dân.

Theo thống kê, mức tiêu thụ sữa bình quân đầu người nước ta hiện chỉ đạt 14,4 lít/người/năm, một con số khiêm tốn so với mức tiêu thụ 250 lít/người/năm tại châu Âu, 25 lít/người/năm tại Trung Quốc và 23 lít/người/năm tại Thái Lan.

Mục tiêu của ngành sữa Việt Nam là phấn đấu đạt 27-28 lít/người/năm vào năm 2020. Việc áp dụng công nghệ tiệt trùng UHT là một trong các nhân tố quan trọng giúp chúng ta đạt mục tiêu và phát triển bền vững. Vấn đề tăng trưởng không dừng lại chỉ trong ngành sữa mà với toàn bộ các sản phẩm nước giải khát bổ dưỡng.

THÚY NGA

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm