Bệnh nhân Trịnh Văn X (65 tuổi, ở Cầu Giấy, Hà Nội) nhập viện ngày 28-12 trong tình trạng tiểu buốt, ngắt quãng, tức nặng vùng bụng dưới.
Các BS thăm khám cho bệnh nhân thấy một khối cứng trên xương mu, ước tính sơ bộ khối cứng đó khoảng 80-100 mm. BS chỉ định cho bệnh nhân siêu âm và X-quang ổ bụng.
Kết quả siêu âm cho thấy bệnh nhân bị sỏi bàng quang có kích thước lớn. Hình ảnh sỏi cản quang vùng tiểu khung chiếm gần hết thể tích bàng quang của người bệnh.
Ông X phát hiện bị sỏi bàng quang 10 năm nay nhưng không điều trị và thăm khám thường xuyên. Theo các bác sĩ tình trạng của bệnh nhân đã rất nguy hiểm, cần được phẫu thuật ngay.
Sáng 30-12, bệnh nhân X được mổ nhưng các bác sĩ không đặt được xông tiểu vì viên sỏi quá lớn, nằm ngay lỗ vào của niệu quản.
Êkíp mổ tiến hành mở bàng quang và bất ngờ vì viên sỏi đó có kích thước lớn dính chắc vào niêm mạc bàng quang. Viên sỏi sần sùi, đường kính lên đến khoảng 250 mm, nặng 500 g. Ca mổ thực hiện trong vòng 30 phút và rất thành công.
Viên sỏi được lấy ra từ bàng quang
Theo BS Việt, đây không phải là trường hợp đầu tiên bị sỏi bàng quang với kích thước lớn BV E từng xử lý. Cách đây khoảng hai năm, cũng có một bệnh nhân bị sỏi bàng quang kích thước 280-300 mm, nặng khoảng 700-800 g.
Tuy nhiên, các ca sỏi bàng quang kích thước lớn thường gặp ở vùng sâu, vùng xa vì ít có điều kiện thăm khám thường xuyên, còn trường hợp như ông X sống tại Hà Nội là rất hi hữu.
BS Việt khuyến cáo gần đây, số lượng người mắc sỏi bàng quang được phát hiện tăng. Nguyên nhân là do thói quen nhịn tiểu, uống ít nước. Tỉ lệ người mắc căn bệnh này thường gặp ở những người sống ở vùng núi đá. Nếu sỏi nhỏ có thể tán sỏi nội soi, khả năng phục hồi nhanh, chi phí điều trị ít, không để lại sẹo.
Sau khi mổ, đối với những người có cơ địa tạo sỏi bàng quang nên thường xuyên kiểm tra định kỳ 3-6 tháng/lần để kiểm soát phát hiện sớm sỏi mới hình thành.