Đó là một trong những nội dung trong "huyết tâm thư" của GS-TS Nguyễn Đăng Vang, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam, vừa gửi Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. "Huyết tâm thư" này để kêu cứu cho ngành chăn nuôi nước nhà vốn đang gặp rất nhiều khó khăn.
Ông Vang viết: Khủng hoảng về cung cầu thị trường thịt heo vừa qua đã làm mất đi phần lãi trên 100.000 tỉ đồng của người chăn nuôi heo trong nước mà lẽ ra họ hoàn toàn được hưởng.
Để phát triển chăn nuôi bền vững, tạo việc làm và thu nhập cho nông dân, ông Vang kiến nghị nhiều nội dung.
Một là cần có chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nhưng phải lựa chọn những khâu mà nông dân không làm được.
Hai là kiểm soát tốt chất lượng và an toàn nông sản, thực phẩm bằng các quy trình quy phạm, thay đổi thói quen, tập quán canh tác của nông dân, trong đó có không ít các doanh nghiệp trong nước không còn phù hợp để sản xuất được các nông sản chất lượng, an toàn, thân thiện với môi trường. Chuyển từ sản xuất nông sản số lượng sang chất lượng.
Điều đặc biệt là phải giữ gìn và mở rộng không gian cho thị trường nông sản Việt Nam, trong đó cần coi trọng thị trường các nước trong khu vực, nhất là thị trường Trung Quốc phải được khai thông và khai thác thực sự có hiệu quả.
Ba là kiểm soát, hạn chế tối đa việc tạm nhập tái xuất đối với mặt hàng thực phẩm đông lạnh của các nước trên thế giới qua Việt Nam đưa vào Trung Quốc.
GS-TS Vang cho rằng thực tế khối lượng hàng tạm nhập vào Việt Nam tái xuất sang Trung Quốc rất lớn, trên 5 triệu tấn/năm, tương đương toàn bộ sản lượng thịt các loại của cả ngành chăn nuôi nước ta sản xuất ra.
Hơn nữa các loại thực phẩm đông lạnh tạm nhập tái xuất đều là hàng “thứ phẩm” của các nước phát triển có giá rất rẻ (do người tiêu dùng ở các nước này ít sử dụng làm thực phẩm) nên sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam không thể cạnh tranh nổi.
Phản ánh của các doanh nghiệp và những người dân chuyên buôn bán nông sản ở các tỉnh vùng biên giữa hai nước Việt-Trung là mặt hàng thực phẩm đông lạnh tạm nhập tái xuất gia tăng bao nhiêu thì nông sản Việt Nam càng khó sang Trung Quốc bấy nhiêu, nhất là các mặt hàng xuất khẩu tiểu ngạch, trong đó đặc biệt là với mặt hàng heo thịt.
Vì ngoài giá rẻ thậm chí có thông tin là không ít cơ sở chế biến của nhiều nước phát triển còn “bán như cho không” được nhập lậu vào Trung Quốc, hoàn toàn trốn thuế, trốn kiểm dịch nên khả năng cạnh tranh về giá cũng như “thủ tục” với những sản phẩm chăn nuôi, thủy sản của Việt Nam là rất lớn.
Cũng không loại trừ khả năng được “giữ lại một phần” tiêu thụ ngay trong nước gây xáo trộn, lũng đoạn thị trường Việt Nam và là nguồn dịch bệnh và thực phẩm không an toàn.
Khủng hoảng về cung cầu thị trường thịt heo vừa qua đã làm mất đi phần lãi trên 100.000 tỉ đồng của người chăn nuôi.
Vấn đề cuối cùng được GS-TS Nguyễn Đăng Vang kiến nghị là hiện nay phía Trung Quốc đã có cơ chế thí điểm để Myanmar được xuất bán thực phẩm tươi sống, trong đó có gia súc, gia cầm sống vào Trung Quốc qua cửa khẩu thuộc tỉnh Vân Nam.
Tỉnh Quảng Tây cũng đang xúc tiến mô hình này và rất muốn được sự cho phép của hai nhà nước Trung Quốc và Việt Nam. Tiếp tục chuyển biến mạnh việc trao đổi các mặt hàng nông sản thực phẩm từ tiểu ngạch sang chính ngạch nhằm kiểm soát tốt hơn vấn đề dịch bệnh và an toàn thực phẩm.