Hôm 18-7, Chính phủ Hòa hợp Dân tộc (GNA) của Libya (đóng ở TP Tripoli và được quốc tế công nhận) đã đưa quân tiến sát TP Sirte, cửa ngõ dẫn tới các kho dầu chính của Libya. GNA tuyên bố sẽ tái chiếm TP Sirte từ lực lượng Quân đội Quốc gia Libya (LNA) đóng ở miền Đông do Nguyên soái Khalifa Haftar chỉ huy.
GNA tiến sát Sirte, LNA tăng cường phòng thủ
Các nhân chứng và chỉ huy quân sự GNA cho biết khoảng 200 phương tiện đã di chuyển về phía Đông từ TP Misrata dọc bờ biển Địa Trung Hải hướng về thị trấn Tawergha.
Lực lượng GNA tuyên bố sẽ chiếm TP Sirte và căn cứ của LNA ở Jufra. Ảnh: Ayman Sahely/REUTERS
Trước khi củng cố mặt trận mới nằm giữa Misrata và Sirte, GNA gần đây đã chiếm lại hầu hết lãnh thổ do LNA kiểm soát ở tây bắc Libya, chấm dứt chiến dịch đánh chiếm thủ đô Tripoli kéo dài 14 tháng của ông Haftar.
Được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn, GNA tuyên bố họ sẽ tái chiếm TP Sirte và một căn cứ của LNA tại Jufra thuộc miền Trung Libya.
Tuy nhiên, Ai Cập – nước ủng hộ LNA đã đe dọa đưa quân sang Libya nếu lực lượng GNA và Thổ Nhĩ Kỳ chiếm Sirte.
Mỹ cho biết Nga – nước ủng hộ LNA đã đưa chiến đấu cơ sang Jufra thông qua Syria nhằm ủng hộ lính đánh thuê Nga đang chiến đấu cho LNA. Cả Moscow và LNA đều phủ nhận chuyện này.
LNA cũng đã đưa lực lượng và vũ khí tới tăng cường phòng tuyến cho Sirte.
Các nước EU dọa trừng phạt
Trong khi đó, trong một tuyên bố chung hôm 18-7, lãnh đạo các nước Pháp, Ý và Đức cho hay họ sẵn sàng xem xét áp trừng phạt vào những lực lượng nước ngoài vi phạm lệnh cấm vận vũ khí ở Libya.
“Chúng tôi yêu cầu tất cả lực lượng nước ngoài chấm dứt sự can thiệp ngày càng tăng của họ và hoàn toàn tôn trọng lệnh cấm vận vũ khí do Hội đồng Bảo An Liên Hợp Quốc thiết lập” – tuyên bố viết.
“Chúng tôi sẵn sàng xem xét khả năng sử dụng lệnh trừng phạt nếu có sự vi phạm lệnh cấm vận vũ khí trên biển, trên đất liền hay trên không” – tuyên bố cho biết thêm.
Từ trái qua: Thủ tướng Đức Angela Merkel, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, Thủ tướng Ý Giuseppe Conte, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại Brussels (Bỉ) hôm 18-7. Ảnh: AP
Tuyên bố không trực tiếp nêu tên quốc gia nào vận chuyển vũ khí sang Libya. Tuy nhiên, nhiều quốc gia đã và đang đưa lính đánh thuê cùng vũ khí sang Libya, khơi mào một cuộc chiến tranh ủy nhiệm đẫm máu vốn phản ánh sự chia rẽ và rạn nứt địa chính trị rộng lớn ở Trung Đông và nội bộ Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Ý Giuseppe Conte đã bày tỏ lo ngại nghiêm trọng về những căng thẳng quân sự đang leo thang ở Libya.
Cả ba nhà lãnh đạo hối thúc tất cả các bên tham chiến ở Libya cùng những nước ủng hộ họ chấm dứt giao chiến ngay lập tức, đồng thời chấm dứt tình trạng tăng cường quân sự trên khắp Libya.
Tập đoàn Dầu khí quốc gia Libya (NOC) yêu cầu lính đánh thuê rời khỏi cơ sở dầu
Cũng trong ngày 18-7, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Libya (NOC) yêu cầu lính đánh thuê nước ngoài ngay lập tức rút khỏi các cơ sở dầu tại Libya.
Trong một tuyên bố, NOC lên án việc lính đánh thuê của nhà thầu quân sự tư nhân Wagner Group của Nga, lính đánh thuê Syria cùng các tay súng Ả Rập được chính phủ Sudan hậu thuẫn được triển khai tới các cơ sở dầu mỏ ở Libya, gần đây nhất là tại cảng Es Sidra.
NOC yêu cầu lính đánh thuê nước ngoài ngay lập tức rút khỏi tất cả cơ sở dầu. NOC kêu gọi Liên Hợp Quốc cử quan sát viên giám sát sự phi quân sự hóa tại những khu vực hoạt động của NOC trên khắp Libya.
Tuyên bố cho biết hiện tại có lượng lớn lính đánh thuê nước ngoài xuất hiện tại các cơ sở của NOC.
Tuần trước, NOC cáo buộc Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) chỉ đạo lực lượng trung thành với ông Haftar phá vỡ sản lượng và xuất khẩu dầu của Libya.
Libya – nước có trữ lượng dầu mỏ lớn nhất Libya có thể sản xuất 1,2 triệu thùng dầu thô mỗi ngày. Tuy nhiên, sản lượng đã giảm xuống dưới 100.000 thùng/ngày do sự gây rối của các tay súng ủng hộ ông Haftar trong sáu tháng qua.