Libya: Khoảng 1.600 lính đánh thuê chạy khỏi Tripoli

Chính phủ Hòa hợp Dân tộc (GNA) của Libya được quốc tế công nhận và lực lượng đối lập Quân đội Quốc gia Libya (LNA) phụ thuộc ngày càng nhiều vào lính đánh thuê.

Hồi tháng 1, Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu đưa hàng ngàn tay súng nổi dậy Syria sang hỗ trợ lực lượng chính phủ ở Tripoli. Trong khi đó, lực lượng LNA của Nguyên soái Khalifa Haftar nhận sự ủng hộ từ các tay súng người Nga, Syria và Sudan, theo hãng tin Bloomberg.

1.500-1.600 lính đánh thuê chạy khỏi Tripoli

Các lực lượng ủng hộ Chính phủ Hòa hợp Dân tộc (GNA) của Libya hôm 25-5 cho biết hàng trăm lính đánh thuê Nga chiến đấu cho lực lượng đối lập Quân đội Quốc gia Libya (LNA) đã sơ tán khỏi các khu vực giao tranh ở phía nam thủ đô Tripoli, theo báo Arab News.

GNA ra thông báo trên sau một loạt thất bại của lực lượng LNA do Nguyên soái Haftar chỉ huy.

Người dân tập trung tại Quảng trường Martyrs ở Tripoli để xem hệ thống tên lửa phòng không Pantsir do Nga chế tạo được lực lượng của ông Haftar sử dụng. Ảnh: Anadolu

“Một máy bay chở hàng quân sự Antonov 32 đã hạ cánh tại sân bay Bani Walid để tiếp tục sơ tán các lính đánh thuê thuộc nhà thầu quân sự tư nhân Wagner Group (của Nga) tới một địa điểm chưa được xác định. Nhóm lính đánh thuê này trước đó đã chạy khỏi phía nam Tripoli”, các lực lượng ủng hộ GNA viết trên Twitter hôm 25-5.

Các lực lượng ủng hộ GNA hôm 25-5 cho hay khoảng 1.500-1.600 lính đánh thuê đã chạy khỏi các mặt trận ở Tripoli để tới TP Bani Walid, cách Tripoli khoảng 145km về phía đông nam.

Theo GNA, hôm 24-5, bảy máy bay chở hàng đã đáp xuống sân bay Bani Walid, chở theo đạn dược, vũ khí và sơ tán những tay súng đang chạy trốn.

Một video đăng trên kênh truyền hình al-Ahrar có trụ sở ở Tripoli cho thấy những tay súng đi lên chiếc một chiếc máy bay chở hàng quân sự Antonov 23. Một hệ thống phòng thủ tên lửa Pantsir do Nga chế tạo cũng được nhìn thấy trong video.

Hiện chưa rõ nguyên nhân khiến hàng trăm lính đánh thuê rút khỏi Tripoli.

Không ủng hộ sự có mặt của lính đánh thuê

Bloomberg dẫn lời ông Salem Alaywan - Thị trưởng TP Bani Walid cho biết những binh sĩ này bay từ Bani Walid tới căn cứ không quân Juffra của ông Haftar ở miền trung Libya.

Ông Alaywan cho biết vẫn tiếp tục có lính đánh thuê đến TP nhưng nơi đây muốn là khu vực trung lập trong cuộc chiến và không ủng hộ sự có mặt của lính đánh thuê.

“Chúng tôi phản đối bất cứ lính đánh thuê nước ngoài nào có mặt tại Bani Walid hay Libya”, ông Alaywan nói.

Ông Muhammad Qanunu, phát ngôn viên quân sự của GNA cho biết những chiến binh chiến đấu cho LNA sẽ bị bắt giữ hoặc giết chết.

“Tính đến ngày 24-5, chúng tôi đã bắt đầu kết nối các khu vực đã được giải phóng để đảm bảo an toàn cho những người tị nạn quay trở về. Chúng tôi vẫn theo dõi sát sao động tĩnh của các tay súng tàn dư và lính đánh thuê đang cố gắng tổ chức lại hàng ngũ. Chúng tôi đã chuẩn bị đầy đủ để nghiền nát họ”, ông Qanunu nói.

Hiện chưa có phản hồi từ lực lượng ông Haftar về thông tin từ phía GNA.

Libya vẫn nóng

Nga và Thổ Nhĩ Kỳ là một trong những nước bị cáo buộc can thiệp vào cuộc chiến giữa GNA và LNA.

Tuần trước, một báo cáo của Liên Hợp Quốc (LHQ) cho biết nhà thầu quân sự tư nhân Wagner Group của Nga đã đưa lính đánh thuê tới Libya để hỗ trợ lực lượng ông Haftar trong chiến dịch đánh chiếm Tripoli từ GNA. Báo cáo cho biết khoảng 1.200 lính đánh thuê người Nga hiện diện ở Libya.

Lực lượng ông Haftar mở chiến dịch chiếm Tripoli và các khu vực tây bắc Libya hơn một năm qua. Ảnh: REUTERS

Điện Kremlin luôn phủ nhận chuyện can thiệp vào xung đột Libya.

Tại một cuộc họp từ xa của Hội đồng Bảo an LHQ gần đây, Anh và Mỹ đã yêu cầu Nga chấm dứt việc đưa lính đánh thuê sang Libya.

“Các hoạt động của Wagner tiếp tục làm trầm trọng thêm cuộc xung đột và kéo dài nỗi thống khổ của người dân Libya”, Đại sứ Anh tại LHQ Jonathan Allen nói tại cuộc họp trực tuyến.

Đại sứ Mỹ tại LHQ Kelly Craft nói rằng “tất cả lực lượng tham gia xung đột ở Libya phải ngay lập tức chấm dứt các chiến dịch quân sự”.

Đáp lại, Đại sứ Nga tại LHQ Vasily Nebenzia nói các tuyên bố trên chỉ là suy đoán.

Với sự trợ giúp trên không của Thổ Nhĩ Kỳ, các lực lượng ủng hộ GNA đã giành một loạt thắng lợi trong những tuần gần đây.

Thổ Nhĩ Kỳ đã thừa nhận đưa quân sang hỗ trợ lực lượng GNA ở Libya nhưng không nói cụ thể số lượng bao nhiêu.

Đất nước giàu dầu mỏ Libya chìm vào xung đột sau khi nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi bị lật đổ và sát hại trong chiến dịch quân sự do Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) hậu thuẫn năm 2011. Kể từ đó, Libya chia rẽ thành hai phe quyền lực đóng ở hai nơi. GNA kiểm soát thủ đô Tripoli và miền tây, LNA kiểm soát TP Benghazi và miền đông.

Cuộc xung đột tồi tệ hơn khi lực lượng ông Haftar mở chiến dịch đánh chiếm Tripoli tháng 4-2019. Vài ngày sau, GNA mở chiến dịch “Núi lửa giận dữ” để đánh trả.

Cuộc chiến giành Tripoli trong một năm qua đã khiến hàng trăm người chết, trong đó có hàng chục dân thường và buộc hơn 200.000 người di tản.

 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm