LHQ: Nước ngoài can thiệp vào Libya ở mức độ chưa từng có

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc (LHQ) Antonio Guterres nói rằng cuộc xung đột ở Libya đã bước vào giai đoạn mới với “sự can thiệp của nước ngoài đạt đến mức độ chưa từng có”, theo kênh Al Jazeera.

Nước ngoài can thiệp ở mức độ chưa từng có

“Cuộc xung đột đã bước vào giai đoạn mới với sự can thiệp của nước ngoài đạt đến mức độ chưa từng có, trong đó có cung cấp thiết bị hiện đại và lính đánh thuê tham gia cuộc chiến” – ông Guterres nói hôm 8-7.

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc (LHQ) Antonio Guterres. Ảnh: ANADOLU

Theo một báo cáo mật của LHQ hồi tháng 5, nhà thầu quân sự tư nhân Wagner Group của Nga đã triển khai 1.200 lính đánh thuê tới Libya để tiếp viện cho lực lượng Quân đội Quốc gia Libya (LNA) do Nguyên soái Khalifa Haftar chỉ huy.

Các nhà giám sát lệnh trừng phạt của LHQ đã xác định hơn 20 chuyến bay qua lại giữa Nga và miền Đông Libya từ tháng 8-2018 tới tháng 8-2019 do máy bay dân sự thực hiện. Máy bay này có liên kết mạnh mẽ hoặc thuộc sở hữu của Wagner Group hoặc các công ty có liên quan với nhà thầu này.

Các nhà giám sát cũng liệt kê thông tin chi tiết của 122 lính đánh thuê Wagner Group, những người rất có thể đang hoạt động hoặc đã hoạt động ở Libya.

Đại sứ Nga tại LHQ Vassily Nebenzia đã phủ nhận các cáo buộc nói Nga can thiệp vào xung đột Libya.

“Tuy nhiên, chúng tôi biết nhân viên quân sự của các quốc gia khác, bao gồm những lính đánh thuê thuộc những quốc gia cáo buộc chúng tôi, có mặt trên đất Libya, phía Đông và Tây” – ông Nebenzia nói tại Hội đồng Bảo An LHQ.

Ông Nebenzia kêu gọi tất cả quốc gia có ảnh hưởng tới những bên tham chiến tại Libya thúc đẩy một lệnh ngừng bắn.

Báo động hoạt động tăng cường quân

 Phát biểu tại HĐBA LHQ, Ngoại trưởng Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) – ông Anwar Gargash cho hay có khoảng 10.000 lính đánh thuê Syria đang hoạt động ở Libya, gần gấp đôi so với sáu tháng trước.

Libya chìm vào khủng hoảng từ năm 2011. Ảnh: Mucahit Aydemir/ANADOLU 

Các bên tham chiến hiện huy động lực lượng xung quanh TP Sirte, nằm giữa thủ đô Tripoli ở phía Tây và TP Benghazi ở phía Đông. Ai Cập từng cảnh báo sẽ can thiệp trực tiếp vào Libya nếu Thổ Nhĩ Kỳ hỗ trợ Chính phủ Hòa hợp Dân tộc (GNA) chiếm Sirte.

“Chúng tôi rất lo ngại về hoạt động xây dựng quân đáng báo động ở TP Sirte, và mức độ can thiệp trực tiếp của nước ngoài trong cuộc xung đột, vi phạm lệnh cấm vận vũ khí của LHQ, nghị quyết của HĐBA cũng như những cam kết do các quốc gia thành viên đưa ra ở Berlin (Đức)” – ông Guterres nói.

Theo Tổng thư ký LHQ, trong thời gian từ tháng 4 đến tháng 6 năm nay, phái đoàn LHQ đã báo cáo ít nhất 102 cái chết của dân thường và 254 người bị thương, tăng 172% so với quý đầu năm 2020.

Ông Guterres cho biết thêm có ít nhất 21 cuộc tấn công nhằm vào các cơ sở y tế, xe cứu thương và nhân viên y tế.

Libya chìm vào hỗn loạn sau khi nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi bị lật đổ và sát hại năm 2011. Từ năm 2014, đất nước giàu dầu mỏ này bị chia rẽ với việc GNA được quốc tế công nhận kiểm soát thủ đô Tripoli và Tây Bắc, trong khi LNA kiểm soát TP Benghazi và phía Đông.

Lực lượng ông Haftar được UAE, Ai Cập và Nga ủng hộ, trong khi GNA nhận sự hậu thuẫn của Thổ Nhĩ Kỳ.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm