Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ do Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng làm trưởng đoàn ngày 19-9 đã làm việc về vấn đề kiểm tra chuyên ngành (KTCN) đối với hàng hóa xuất nhập khẩu và quy trình, thủ tục, thời gian thông quan thực tế tại của khẩu Hải Phòng.
Mất từ 240 giờ đến... cả năm để thông quan
Nói về KTCN, ông Trần Đình Phú, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ Logistic Việt Nam nêu ý kiến: “Đối với các Bộ, ngành, khi ban hành văn bản, các thông tin mang tính chất cục bộ. Việc đánh giá quản lý rủi ro chưa đạt yêu cầu nên ban hành văn bản chồng chéo, đại trà.
Những hạng mục hàng hóa kiểm tra chuyên ngành không cập nhật được. Danh mục kiểm tra hàng hóa KTCN và hạng mục test vênh nhau. Việc công nhận mã hàng hải quan của nước xuất khẩu không có ở Việt Nam, Hải quan Việt Nam không công nhận. Tỷ lệ bẻ luồng cũng tương đối nhiều.
Đối với hàng phải kiểm tra chuyên ngành, tỷ lệ lấy mẫu, phương pháp lấy mẫu, số lượng mẫu không có quy chuẩn. Toàn bộ theo cảm quan của người yêu cầu.
Ví dụ thép đặc biệt mà Honda Việt Nam nhập về làm trục khủy, cả cây của người ta 5m, Hải quan yêu cầu 1m. Cắt 1m bằng phương pháp khò và hàn xì 1m thép cao cấp để lấy mẫu thì hỏng cả cây thép chất lượng cao”.
Trong khi Nghị quyết 19-2017/NQ-CP đối với ngành Hải quan yêu cầu cải cách hành chính rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa biên giới còn 50 giờ đối với hàng hóa xuất khẩu và 70 giờ đối với hàng hóa nhập khẩu thì hàng hóa thông quan ở Hải Phòng mất từ 240 giờ đến cả năm để thông quan. |
Công ty TNHH Quốc tế Delta có nêu thực tế: “Doanh nghiệp thủ tục nhập khẩu mặt hàng bao bài chứa đựng thực phẩm (bộ nồi, chảo, đồ gia dụng nhà bếp, mã số HS 73239310).
Theo các quy định quản lý chuyên ngành thì mặt hàng này không cần làm thủ tục chuyên ngành khu nhập khẩu. Tuy nhiên, Hải quan vẫn căn cứ vào điều 14, Nghị định 38/2012/NĐ-CP và yêu cầu doanh nghiệp thực hiện thủ tục này.
Khi thực hiện thủ tục, doanh nghiệp phải gửi mẫu đi kiểm nghiệm, sau đó lấy kết quả kiểm nghiệm để gửi lên Cục ATTP làm công bố hợp quy. Sau đó mới đủ điều kiện làm thủ tục xin đăng ký kiểm tra chất lượng nhà nước.
"Tổng thời gian làm việc với ba cơ quan trên để hoàn thành thủ tục là khoảng 40 ngày làm việc, phát sinh rất nhiều chi phí, bao gồm lưu kho, chi phí thử nghiệm, chi phí mẫu và các chi phí vô hình khác”, đại diện công ty trên cho biết.
Bốc giỡ hàng hóa tại cảng Hải Phòng- Ảnh: Hải Đường
Khi kiểm tra Chi cục Thú y vùng 2, một trong những đơn vị KTCN, trực thuộc Bộ NNPTNT, theo cáo cáo của lãnh đạo Chi cục thì công tác KTCN ở Chi cục diễn ra thô sơ, là nỗi ám ảnh của các doanh nghiệp: Bật container ra, sờ, nghe, nhìn... chứ không có phương tiện kiểm tra sâu.
Như thế, theo như phản ánh của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, kết quả KTCN phụ thuộc vào “sức khỏe” và tâm trạng của cán bộ kiểm tra rất nhiều.
Không biết về Iphone 7, kiểm tra làm gì?
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói: “Cần loại bỏ ngay những quy định chồng chéo áp lên các mặt hàng. Có những mặt hàng phải chịu điều chỉnh tác động của nhiều văn bản. Có những mặt hàng phải chịu tới 4 quy định. Mặt hàng làm 2-3 bộ thủ tục chiếm 58%, đây là việc rất bất cập và chi phí rất lớn”.
Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, việc thông quan hàng hóa ở Hải Phòng hiện nay quá dài. “Thời gian kiểm tra của Hải quan chỉ là 22%; KTCN là 78%. Kiểm tra Hải quan không quá 50 giờ đối với xuất khẩu.
Hải quan kiểm tra rồi, phân loại ngành hàng xanh, vàng, đỏ nhưng phải đợi kết quả KTCN mới có thể thông quan được. Việc KTCN chỉ làm thủ tục là chính; Kiểm tra xét nghiệm sản phẩm thì cơ quan KTCN thông báo không kiểm tra xét nghiệm.
Thủ tục kiểm thủ công, dựa vào mắt nhìn... Kiểm tra nhiều khi chỉ bằng cảm quan, phụ thuộc nhiều vào chủ quan, thậm chí có hôm khó tính thì cái nhìn cũng khác. Trong khi thu của doanh nghiệp 1,5 triệu đồng tiền phí. Đây là việc cực kỳ phi lý. Doanh nghiệp phải chịu chi phí rất nhiều, hiệu quả thấp đi”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đánh giá.
Đồng tình với ý kiến của Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu cũng đưa ra những căn cứ: Hải quan làm đúng quy trình nhưng KTCN không có tiêu chuẩn nên các đơn vị kiểm tra mò mẫm. Hàng xuất nhập khẩu là hàng bao gói, không phải hàng tươi sống.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng cho rằng việc kiểm tra các sản phẩm công nghệ cao từ các nước G7 là không hợp lý. Một ví dụ mà Bộ trưởng viện dẫn là: Mặt hàng điện thoại Iphone 7, 8 vẫn bị KTCN trong khi chúng ta không đủ trình độ và phương tiện để kiểm tra mặt hàng này. “Vậy thì bới ra để kiểm tra làm gì, khi ta không sản xuất được như họ, cũng không có phòng thí nghiệm?”, bộ Trưởng Mai Tiến Dũng đặt câu hỏi thẳng thắn với Hải quan Hải Phòng.
Tinh thần của Chính phủ là vẫn phải bảo đảm quản lý Nhà nước, không thể bỏ việc kiểm tra, nhưng phải thay đổi phương thức kiểm tra, áp dụng kiểm tra rủi ro, chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm…
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng tại buổi làm việc tại Hải Phòng liên quan đến vấn đề KTCN và Thông quan trong Hải quan
Về vấn đề nguyên nhân chậm chễ trong vấn đề thông quan, ông Nguyễn Tiến Lộc, Cục trưởng Cục Hải quan Hải Phòng phân bua: “Kiểm tra công tác Hải quan và kiểm tra chuyên ngành là 2 công tác khác nhau. Hải quan chỉ tiến hành kiểm tra hàng hóa khi đánh giá mức độ rủi ro doanh nghiệp vi phạm pháp luật, KTCN kiểm tra chất lượng hàng hóa đạt hay không đạt. Rất nhiều vấn đề được đặt ra trong vấn đề KTCN.