Phía sau 'hành trình làm điều có ích' của các cây bút điều tra

(PLO)- Các nhà báo điều tra đã chia sẻ về hành trình, sự cô đơn cũng như rủi ro khi làm nghề của mình. Vượt lên trên hết, họ hướng đến "hành trình làm điều có ích" để mang đến những tác phẩm báo chí có sức lan toả trong xã hội.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trong khuôn khổ Diễn đàn báo chí toàn quốc diễn ra vào sáng 16-3 tại TP.HCM, phiên thảo luận với chủ đề “Phóng sự điều tra và hành trình làm điều có ích” với sự góp mặt của các cây bút điều tra nổi tiếng trong giới báo chí, thu hút nhiều sinh viên, phóng viên và biên tập viên đến tham dự.

3.jpg
Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng và các khách mời tại phiên thảo luận

Theo nhà báo Đỗ Doãn Hoàng, phóng sự điều tra là thể loại đặc biệt, được coi là trọng pháo của báo chí nhưng cũng tốn kém nhất và gây hiệu ứng lớn nhất. Theo ông, dù xuất phát từ đề tài và câu chuyện gì đi chăng nữa, thì thân phận con người trong các tuyến điều tra cũng cần được đặt lên trước tiên.

Nói về sự nguy hiểm của điều tra nhập vai, nhà báo Lê Anh Đạt - Phó Tổng Biên tập Báo Đại Đoàn Kết nêu khó khăn các nhà báo điều tra gặp phải là hiện không có hành lang pháp lý đặc thù bảo vệ nhà báo khi thực hiện nhiệm vụ.

Phía sau 'hành trình làm điều có ích' của các cây bút điều tra-dien-dan-bao-chi-dieu-tra.jpg
Diễn đàn diễn ra trong khuôn khổ Hội báo toàn quốc 2024. Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng chủ trì phiên thảo luận. Ảnh: D.HOÀNG

“Nhà báo phải tự bảo vệ mình, tuân thủ các quy định nghề nghiệp, tuân thủ pháp luật để không vượt qua ranh giới” - nhà báo Lê Anh Đạt cho biết thực trạng tác nghiệp của những nhà báo điều tra tại Việt Nam luôn trong tâm thế sẵn sàng đối đầu với nguy hiểm.

Để thực hiện các đề tài phóng sự, điều tra đảm bảo an toàn cho nhà báo, các tòa soạn phải thẩm định các chi tiết trong bài điều tra. Bởi vì, chỉ một chi tiết yếu hoặc sai sót, tòa soạn sẽ đối diện với vấn đề pháp lý.

Vấn đề nguồn tin cũng rất quan trọng, các bài điều tra nên thực hiện từ sự ủng hộ của nguồn tin trung thành. Cạnh đó, tờ báo phải bảo vệ cho lợi ích số đông, vấn đề xã hội quan tâm. Bởi nếu chọn sai đề tài, không có sự ủng hộ từ nguồn tin thì tòa soạn sẽ gặp khó khăn trong hành trình điều tra, đăng tải, xử lý khủng hoảng.

Phía sau 'hành trình làm điều có ích' của các cây bút điều tra-dien-dan-phong-su-dieu-tra-hoi-bao-toan-quoc-2024 (2).jpg
Nhà báo Lê Anh Đạt - Phó Tổng Biên tập Báo Đại Đoàn Kết nói về khó khăn của điều tra nhập vai. Ảnh: D.HOÀNG

Ông cũng nhắc đến câu chuyện phóng viên điều tra bị nguồn tin phản bội.

"Có những tác phẩm hoàn thành sứ mệnh, vấn đề đã được giải quyết, nhưng vẫn bị kiện, hầu tòa. Bởi vậy, việc lưu trữ tài liệu là cực kỳ quan trọng. Các tòa soạn nên có bộ phận lưu trữ tài liệu điều tra một cách chuyên nghiệp, đặc biệt là các quy định bảo mật"- nhà báo Lê Anh Đạt chia sẻ kinh nghiệm.

Nhà báo Phùng Công Sưởng, Phó Tổng Biên tập báo Tiền Phong đã nêu ra những thách thức mang tính sống còn trong việc phát triển thể loại báo chí điều tra. Hiện nay, số lượng các tác phẩm thuộc thể loại này đang khá thưa thớt, ít tác phẩm thực sự hấp dẫn và lay động.

Nhà báo Phùng Công Sưởng chỉ ra những rào cản như tâm lý ngại khó, ngại khổ, ngại tiếp xúc, va đập với cuộc sống của nhiều phóng viên trẻ; nguy cơ khi tác nghiệp...

Phía sau 'hành trình làm điều có ích' của các cây bút điều tra-dien-dan-phong-su-dieu-tra-hoi-bao-toan-quoc-2024 (5).jpg
Đông đảo sinh viên, phóng viên, biên tập viên tham dự diễn đàn. Ảnh: D.HOÀNG

Đứng trên góc độ lãnh đạo cơ quan báo chí, nhà báo Phùng Công Sưởng cho rằng, mỗi tờ báo cần cân bằng giữa thông tin thời sự và các tuyến bài sâu để giữ được giá trị cốt lõi.

Chia sẻ câu chuyện tác nghiệp tại diễn đàn, các nhà báo nói rằng, những người làm điều tra vô cùng cô đơn. Điều duy nhất khiến các cây bút điều tra có thể đi đến tận cùng câu chuyện là lòng quyết tâm và niềm tin vào việc mình đã, đang và sẽ làm những điều có ích cho xã hội.

Nhà báo Lê Anh Đạt nói ông chịu nhiều sức ép khi thực hiện các bài điều tra. Khi thực hiện tuyến bài về Câu lạc bộ tình người, ông nhận được rất nhiều lời đe doạ.

2.jpg
Phiên thảo luận thu hút rất đông các nhà báo, lãnh đạo, sinh viên báo chí. Ảnh: D.HOÀNG

Phó Trưởng ban Chính trị- xã hội Báo Pháp Luật TP.HCM Bùi Thanh Tâm chia sẻ, ông rất tâm đắc với các ý kiến rằng cần tin tưởng ở các phóng viên điều tra. Tuy nhiên tin tưởng ở đây là tin tưởng về đạo đức, tác phong, sự tuân thủ quy trình về điều tra chứ không phải tin tưởng tuyệt đối các chứng cứ mà họ thu thập.

Bởi lẽ phóng viên điều tra đi trên một ranh giới rất mong manh, tòa soạn, ban biên tập của cơ quan báo chí là người đứng sau, giữ cho phóng viên không vượt qua ranh giới, xác định độ tin cậy, hợp pháp của chứng cứ mới có thể hỗ trợ họ thực hiện tốt vai trò của mình.

Phía sau 'hành trình làm điều có ích' của các cây bút điều tra-dien-dan-phong-su-dieu-tra-hoi-bao-toan-quoc-2024.jpg
Phó Trưởng ban Chính trị- xã hội báo Pháp Luật TP.HCM Bùi Thanh Tâm chia sẻ tại diễn đàn. Ảnh: D.HOÀNG

Nhà báo lão thành Hồng Vinh, nguyên Tổng Biên tập Báo Nhân Dân cho rằng, điều cả xã hội quan tâm là nhà báo sẽ mang lại điều gì có ích cho nhân dân.

"Người làm điều tra cần xác định rõ việc mình làm có vì lợi ích nhóm hay không, có phải để nổi danh hơn hay không? Quan trọng và cao cả hơn, mỗi người cần khẳng định mình đang chống tiêu cực để hướng tới mục tiêu có ích cho xã hội, cho nhân dân và dấn thân để đi tới cùng"- nhà báo Hồng Vinh chia sẻ.

Nguyên Tổng Biên tập Báo Nhân Dân cũng lưu ý, nhà báo điều tra cần tích luỹ tri thức, hiểu rõ, hiểu sâu về đề tài mình lựa chọn cũng như các quy định pháp luật có liên quan. Nhà báo cũng cần lựa chọn cách viết để bảo đảm tác phẩm có tính thuyết phục và hấp dẫn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm