Phố đi bộ là một không gian giao tiếp công cộng phổ biến trong đô thị của nhiều nước trên thế giới. Ngoài các ý nghĩa về văn hóa, bảo tồn, thương mại và du lịch, phố đi bộ còn nói lên trình độ quản lý quy hoạch và kiến trúc đô thị của TP đó.
Mỗi khu phố có chức năng riêng
Các TP lớn trên thế giới thường thiết kế những phố đi bộ có chức năng (thư giãn, thương mại, giới thiệu văn hóa hay bảo tồn di sản) phù hợp với đặc thù của địa phương. Mỗi khu phố đi bộ có những quy ước quản lý phù hợp, có kiến trúc hài hòa theo một bố cục hợp lý. Không gian bên trong được tổ chức khoa học với các khu vực thương mại - ăn uống, khu di sản, tham quan, khu thưởng lãm văn hóa, tranh tượng hoặc biểu diễn nghệ thuật… Đặc biệt, bài toán về cơ sở hạ tầng và quản lý giao thông công cộng được họ giải quyết rất tốt.
Có nhiều mô hình tổ chức phố đi bộ đáng để chúng ta học hỏi. Pháp có phố đi bộ thư giãn ở khu La Défense (Paris) với những bậc cấp, ghế đá, tượng đài hiện đại trên cao để du khách có thể ngắm nhìn đô thị Paris cổ bên dưới. Phố Nam Kinh (Thượng Hải) được quy hoạch ôm trọn một ô phố nhà liên kế cả chục mẫu để làm phố đi bộ mang chức năng thương mại. Ở đây mua sắm, ăn uống là chủ yếu, không một bóng cây, không một thảm cỏ. Ở Hàn Quốc, phố đi bộ hai bên cầu Banpo (Seoul) mang chức năng văn hóa với tượng đài, thảm cỏ, cây xanh… tuyệt đẹp. Nơi đây người dân được phép dựng lều, chòi mua bán hàng lưu niệm hai bên bờ sông thu hút rất đông du khách và người dân địa phương.
Đại lộ Nguyễn Huệ trước đây từng được lập dự án nghiên cứu đầu tư phố đi bộ nhưng sau đó không được phê duyệt. Ảnh: V.HOA
Còn ở Mỹ, hầu như TP nào cũng có phố đi bộ. Ở khu phố cổ Old Downtown, chính quyền cho phép người dân được buôn bán trong khu vực. Từ lề đường cho đến trụ đèn, nơi cột dây ngựa, nơi cho ngựa ăn cỏ, nơi bán rượu cho các chàng cao bồi ngày xưa vẫn còn được lưu giữ gần như nguyên trạng. Lạc vào những khu phố này, du khách có cảm tưởng được trở về quá khứ hàng trăm năm trước…
Tổ chức chợ trong phố đi bộ
Để thành lập phố đi bộ tại TP.HCM, điều quan trọng nhất là phải chọn vị trí thích hợp. Còn hai vấn đề khó khăn nhất là tạo được sự đồng thuận của người dân sở tại và tổ chức giao thông phù hợp cho toàn khu vực. Theo tôi, cần tổ chức một cuộc thi thiết kế ý tưởng, đồ án nào giải quyết được ba vấn đề cốt lõi trên kèm theo một mô hình phố đi bộ khả thi, đẹp, hiệu quả kinh tế nhất sẽ được chọn.
Còn về báo cáo của Công ty IDOM (Pháp Luật TP.HCM ngày 14-7), tôi thấy có một số vấn đề phải cân nhắc. Báo cáo đề nghị thu hẹp một số tuyến đường trung tâm chỉ còn hai làn xe để dành chỗ cho người đi bộ. Điều này thoạt nghe sẽ có cảm giác dễ làm và rẻ tiền. Tuy nhiên, giao thông khu vực này (vốn có rất nhiều cao ốc) sẽ trở nên thế nào với những con đường nhỏ như vậy. Bãi xe nào sẽ chứa được một lượng xe máy khổng lồ khi phố đi bộ hình thành. Đây là những vấn đề chưa được giải quyết triệt để.
Một vấn đề nữa cần quan tâm là cách thức tổ chức chợ trong phố đi bộ. Chợ đối với người Việt không chỉ là nơi buôn bán mà còn là nơi để nhìn ngắm, giao tiếp, suy tư, đắn đo… Nó vừa xô bồ vừa lịch lãm, vừa tri thức vừa hảo hớn. Ở đó mới thực sự là tâm hồn Việt, con người Việt, sức sống Việt. Chợ có sức hút không nhỏ đối với du khách nên phải được quy hoạch hợp lý. Cần bố trí rõ nơi đâu là “chợ trời” để người nghèo mua bán, chỗ nào là khu mua sắm cao cấp dành cho du khách hạng sang. Điều này sẽ tránh được tình trạng chợ cóc, hàng quán phát sinh tràn lan làm phiền du khách.
TP Bangkok (Thái Lan) đã dành hẳn nhiều con hẻm, đường xương cá trong phố đi bộ để làm nơi cho người nghèo buôn bán. TP Frankfurt (Đức) hình thành phố đi bộ ở những khu phố cổ năm, sáu tầng với hàng trăm cửa hàng bán lẻ, lề đường rộng. Đó là những cách làm mà chúng ta cần học hỏi.
Gian nan thử nghiệm - Năm 2003, UBND TP.HCM đã giao Sở GTVT lập đề án xây dựng đường Đồng Khởi thành phố đi bộ. Năm 2004, phố đi bộ Đồng Khởi (từ giao lộ Lê Lợi đến đường Tôn Đức Thắng) đi vào hoạt động thử nghiệm nhưng phải tạm ngưng chỉ sau hai ngày. - Tháng 10-2007, TP giao cho Công ty TNHH Truyền thông Hoa Mặt Trời nghiên cứu đầu tư dự án phố đi bộ nhưng chọn đường Nguyễn Huệ thay cho đường Đồng Khởi. Dự án sau đó không được phê duyệt. - Tháng 8-2009, UBND TP giao Saigontourist làm chủ đầu tư dự án xây dựng đường Nguyễn Huệ thành phố đi bộ. Đơn vị này đã có tờ trình về kế hoạch triển khai phố đi bộ nhưng đến nay vẫn chưa được chấp thuận chủ trương. Đề xuất ba phố đi bộ tại TP.HCM Phố đi bộ mang tên “Con đường di sản” lấy trục Đồng Khởi làm cảnh quan chính từ nhà thờ Đức Bà đến bờ sông Sài Gòn và các đường xương cá, đường hẻm. Khu này được phép bán hàng lưu niệm, tranh tượng và ăn uống… Phố đi bộ mang tên “Dòng sông ký ức” lấy quảng trường Mê Linh làm trọng tâm, tạo một đường hầm đi qua bờ sông, cải tạo bờ sông khu vực này thật đẹp, nhiều lối đi bộ mang chức năng thư giãn. Phố đi bộ mang tên “Thương mại và Giải trí” lấy trọn công viên 23-9, bốn mặt đường bao quanh kết hợp vài ô phố như khu phố Tây Bùi Viện, khu Phạm Ngũ Lão, khu Tạ Thu Thâu và khu vực chợ Bến Thành. Ba khu vực này độc lập với nhau, phát triển từng giai đoạn và được nối với nhau bằng các tuyến đi bộ trên lề đường hiện có… VIỆT HOA ghi Tôi rất vui khi nghe dự án phố đi bộ được khởi động lại sau sáu năm. Khách nước ngoài đến TP.HCM thường rất sợ tình trạng giao thông lộn xộn, đường sá chật hẹp, đi bộ trên đường đôi khi bị cướp giật. Nếu phố đi bộ được hình thành ở đây, du khách sẽ an tâm dạo phố hơn, người dân được yên tĩnh hơn và bản thân tôi cũng có điều kiện kinh doanh tốt hơn. Anh ĐOÀN NGỌC ANH, chủ quán Alezz Boo, 197 Phạm Ngũ Lão, quận 1, TP.HCM Tôi ủng hộ và luôn mong có phố đi bộ ra đời để TP đẹp hơn, chúng tôi cũng có cơ hội buôn bán tốt hơn. Năm nay tôi đã 80 tuổi rồi và luôn hy vọng mình vẫn còn sống đến lúc phố đi bộ được thành hình chứ không phải “vẽ” ra rồi để đó. Ông QUÁCH ĐÌNH QUÝNH, chủ tiệm kính mát số 102 Lê Thánh Tôn, phường Bến Thành, quận 1, TP.HCM Đây là lần thứ sáu tôi đến TP.HCM nhưng việc quá nhiều xe cộ đi lại thiếu trật tự vẫn khiến tôi rất kinh hãi. Đây là điều mà ở Hungrary không bao giờ xảy ra. Tôi nghĩ rằng TP các bạn có thêm phố đi bộ là một điều tuyệt vời. Khi đó tôi thực sự cảm thấy an toàn, thoải mái mỗi lúc ra đường, từ đó sẽ có nhiều ấn tượng đẹp với TP này hơn. Ông APOSTOL TAMAS, người Hungary |
KTS NGUYỄN NGỌC DŨNG (Ủy viên BCH Hội Kiến trúc sư TP.HCM)