Phó Thủ tướng: ĐBSCL cần thích nghi và chủ động sống chung với hạn mặn

(PLO)- Hạn mặn xâm nhập tại các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long tuy chưa gây thiệt hại đến sản xuất, cây trồng nhưng một số nơi bị sụp lún, sạt lở nghiêm trọng, thiệt hại hàng trăm tỉ đồng.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 7-4, tại điểm cầu UBND tỉnh Tiền Giang, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cùng lãnh đạo Bộ NN&PTNT, Bộ TN&MT đã chủ trì cuộc họp trực tuyến với các tỉnh Bến Tre, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bạc Liêu, Kiên Giang, Long An, Cà Mau về công tác phòng chống hạn mặn, thiếu nước mùa khô năm 2024.

Nơi thiếu nước ngọt, nơi sạt lở, sụp lún

Tại nhiều tỉnh ven biển Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) hạn mặn xâm nhập sâu, gây khó khăn về nguồn nước sinh hoạt, nơi bị thiếu nước cục bộ, nơi bị sạt lở, sụp lún nghiêm trọng.

Ông Nguyễn Văn Vĩnh- Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang cho biết, mùa khô năm nay nhờ chủ động triển khai thực hiện nhiều giải pháp ứng phó tỉnh đã bảo vệ thành công gần 45.000ha lúa đông xuân 2023-2024 và 21.000 ha rau màu các loại; cung cấp đủ nước tưới cho hơn 84.000ha cây ăn trái.

Đến thời điểm này, hạn, mặn chưa gây thiệt hại đến sản xuất và cây trồng. Hiện chỉ có một số nơi ở huyện Tân Phú Đông và Gò Công Đông bị thiếu sinh hoạt cục bộ. Tỉnh đã mở 105 vòi nước công cộng và các mạnh thường quân cũng hỗ trợ xe cấp nước miễn phí rất lớn.

ĐBSCL cần thích nghi và chủ động sống chung với hạn mặn
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà thăm hỏi tình hình hạn mặn, thiếu nước ngọt sinh hoạt tại Tiền Giang

Theo ông Vĩnh, nguyên nhân thiếu nước cục bộ một số nơi là do nước mặn lên cao, nước đầu nguồn về ít, thủy triều xuống thấp nên cống Xuân Hòa không lấy gạn nước vào nội đồng khoảng 25 ngày qua, dẫn đến ao hồ, kênh mương nội đồng ở khu vực phía Đông của tỉnh cạn kiệt.

“Riêng ba ngày nay, độ mặn có giảm xuống, hiện cống Xuân Hòa đã lấy gạn nước vào kênh nội đồng phục vụ tưới cho một số cây trồng, chống sụp lún và sạt lở”- ông Vĩnh cho hay.

han-man-nuoc-song-can-tro-day-11.gif
Khô hạn, nhiều tuyến kênh nội đồng vùng ngọt hóa Gò Công, tỉnh Tiền Giang cạn kiệt

Cà Mau là một trong những tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong mùa khô hạn năm nay. Ông Lê Văn Sử - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết nhờ công tác chủ động ứng phó hạn mặn từ rất sớm nên đến thời điểm này tỉnh đã bảo vệ các trà lúa không bị thiệt hại, thu hoạch tốt.

Tuy nhiên, nhiệm vụ không đạt được là việc giữ nước ở vùng sản xuất ngọt, do hệ thống thủy lợi Cái Lớn- Cái Bé chưa hoàn thành và người dân sử dụng nước tại chỗ sản xuất cuối vụ nên đến nay vùng ngọt này bị khô hoàn toàn và xảy ra sụp lún.

Trên địa bàn tỉnh đã xảy ra gần 600 điểm sụp lún ở hơn 130 tuyến sông rạch với tổng chiều dài sụp lún khoảng 16km; trong đó có 12km đường bê tông.

Về nước ngọt sinh hoạt, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cam kết không để dân thiếu nước sinh hoạt, không để xảy ra cháy rừng.

Tương tự tại Kiên Giang, tình hình sụp lún, sạt lở do hạn mặn cũng xảy ra khắp nơi. Ông Lê Quốc Anh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cho biết do ảnh hưởng của khô hạn, mực nước xuống thấp nên xảy ra nhiều điểm sạt lở. Đến nay đã có khoảng 323 điểm sạt lở và tăng lên từng ngày.

Trong đó đường tỉnh lộ 965 đi qua địa bàn huyện U Minh Thượng bị sạt lở nghiêm trọng, có 287 điểm lộ giao thông dài khoảng 7.900m bị sạt lở, sụp lún; sập 26 nhà dân…. Tổng thiệt hại lên đến gần 100 tỉ đồng. Hiện tình hình sạt lở do khô hạn vẫn tiếp tục tiếp diễn. Tỉnh đang chuẩn bị ban hành tình huống khẩn cấp sạt lở do khô hạn trên địa bàn để thực hiện di dời dân khỏi khu vực nguy hiểm.

“Chủ động chung sống với hạn mặn”

Phát biểu tại buổi họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ghi nhận nỗ lực của các địa phương trong phòng, chống hạn, mặn, bảo vệ mùa vụ sản xuất, cung cấp nước tập trung cho người dân.

Phó Thủ tướng nhận định nắng nóng, khô hạn, xâm nhập mặn và sụp lún là câu chuyện chung của ĐBSCL. Vì vậy chúng ta cần phải thích nghi và chung sống với xâm nhập mặn.

han-man.gif
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà thăm người dân vùng hạn mặn tại Tiền Giang

Theo Phó Thủ tướng, trong bối cảnh hiện nay, tình hình biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan ngày càng khốc liệt, khó khăn hơn. Các địa phương đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ về hạ tầng thủy lợi, phi công trình cho thấy, các tỉnh đã kiểm soát được tình hình hạn mặn.

Đặc biệt với sự chủ động cung cấp đầy đủ thông tin chính xác và sự điều hành sản xuất của vùng, so với các đợt hạn mặn trước đây, mùa khô năm nay hầu hết hoạt động sản xuất, kinh doanh của các địa phương không bị ảnh hưởng.

Phó Thủ tướng nhận định, thiếu nước sinh hoạt có thể xảy ra nhưng chỉ mang tính cục bộ. Các địa phương hết sức trách nhiệm trong cung cấp nước sinh hoạt cho người dân.

han-man-4.gif
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tìm hiểu nguồn nước sinh hoạt của người dân tại Tiền Giang

Với kinh nghiệm trong ứng phó hạn mặn, Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương cần có tầm nhìn đối với ĐBSCL và đặt trong bối cảnh tình hình sẽ cực đoan hơn do thiếu lượng nước ngọt từ thượng nguồn. Chúng ta phải có những giải pháp căn cơ, đồng bộ trên toàn vùng và tại từng địa phương để ứng phó với hạn mặn.

Phó Thủ tướng thống nhất việc đầu tư hệ thống hạ tầng thủy lợi phải tiếp cận theo phân bổ dựa trên tính chất của nguồn nước, được đầu tư tính toán theo lưu vực, khép kín và phải phát huy được hiệu quả. Ông đề nghị Bộ NN&PTNT và các địa phương cần nghiên cứu, xem xét về quy hoạch hạ tầng, bố trí dân cư phải đảm bảo và tính toán được hạ thấp mực nước, sụp lún…

Mùa mưa năm nay đến muộn 10-15 ngày

Ông Hoàng Đức Cường - Phó Tổng Cục trưởng Cục Khí tượng Thủy văn (Bộ TN&MT) cho biết, xâm nhập mặn 2023 -2024 diễn ra sớm và sâu vào nội đồng với đợt mặn kỷ lục vào mùng 8 đến 13-3 và sâu 40-50km, có nơi sâu hơn, đặc biệt là Bến Tre và Tiền Giang đến 70km và sâu nhất là 76km.

Hạn mặn mùa khô năm nay xảy ra do hiện tượng chung là El Nino gây nắng nóng, ít mưa và dòng chảy từ thượng nguồn ít, cùng với triều cường dẫn đến hiện tượng này.

Theo Cục Khí tượng Thủy văn, thời gian tới dự báo hiện tượng Elnino vẫn còn nhưng không khắc nghiệt. Nắng nóng dự báo còn dài hơn 10 ngày nữa (đến khoảng 20-4).

Từ 20- 4 trở đi sẽ có những cơn mưa trái mùa nhưng không liên tục, chỉ giải quyết vấn đề nắng nóng và cung cấp một lượng nước không đáng kể, chỉ làm dịu đi tình hình hạn mặn căng thẳng hiện nay.

Mùa mưa năm nay đến muộn so với mọi năm khoảng 10-15 ngày, chính vì vậy mùng 10 đến 15-5 mới bắt đầu có những cơn mưa dài hơn. Khi đó, tình hình hạn hán mới được khắc phục; dự báo từ 20-5 trở đi thì mùa mưa mới chính thức bắt đầu ở Nam bộ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm