Sáng 3-3, UBND tỉnh Phú Yên tổ chức hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư năm 2024.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cùng lãnh đạo các bộ, ngành tham dự buổi lễ.
Phấn đấu trở thành trung tâm về kinh tế biển xanh
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng đúng vào năm Phú Yên kỷ niệm 35 năm ngày thành lập tỉnh (1989-2024). Quy hoạch sẽ tạo thêm động lực mới, sức lan tỏa cho Phú Yên bước vào giai đoạn đoạn phát triển mới.
"Phú Yên có bờ biển dài 189 km, cùng nhiều thắng cảnh đẹp, như Gành Đá Đĩa, Đầm Cù Mông, Vịnh Xuân Đài, Đầm Ô Loan, Vịnh Vũng Rô, Mũi Đại Lãnh cùng với tài nguyên năng lượng và các cảng biển nước sâu kết nối thuận lợi nhất của vùng Tây Nguyên, Nam Lào, Đông Bắc Campuchia thông qua 2 trục Quốc lộ 25 và 29 nối với Gia Lai và Đắk Lắk.
“Từ những yếu tố đó, Phú Yên hội tụ đầy đủ các điều kiện để tiên phong trong chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng xanh và bền vững phù hợp với xu thế của toàn cầu. Trở thành một trong những trung tâm về kinh tế biển xanh với các ngành dịch vụ, du lịch và công nghiệp động lực gắn với hệ sinh thái năng lượng xanh” - Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu.
Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh, quy hoạch tỉnh sẽ là bản “tổng phổ” của các quy hoạch, đóng vai trò định hình không gian phát triển của Phú Yên trong mối liên kết chặt chẽ hữu cơ với các tỉnh khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.
Quy hoạch sẽ mở ra những cơ hội, không gian phát triển, tạo thêm xung lực để Phú Yên phát triển mạnh mẽ, trở thành một trong những trung tâm kinh tế biển xanh của vùng duyên hải Trung Bộ, điểm đến đầu tư hấp dẫn của các doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước với các trụ cột: Kinh tế số, công nghiệp - năng lượng xanh; du lịch dịch vụ chất lượng cao; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; vận tải biển và logistics.
“Để đạt được những mục tiêu tham vọng trên, Phú Yên cần rút ra các bài học phát triển của các địa phương trong vùng, tiếp tục đổi mới sáng tạo, tìm ra lối đi riêng để Phú Yên trở thành địa chỉ đáng đầu tư, đáng cống hiến, đáng trải nghiệm. Đây cũng là suy nghĩ tôi muốn chia sẻ khi Phú Yên triển khai các nhiệm vụ, cụ thể của quy hoạch” - Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng cũng mong muốn thời gian tới Phú Yên phải nhanh thích nghi để hòa nhập trong xu thế chuyển đổi xanh toàn cầu, những luật chơi mới được định hình trong đầu tư và thương mại dựa trên các tiêu chuẩn về môi trường, phát thải và lao động.
Đồng thời phải giải cho được bài toán nguồn lực gồm nhân lực, vật lực, tài lực cho thực hiện quy hoạch và trung thành với định hướng đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, động lực phát triển kinh tế - xã hội.
Ngoài ra, Phú Yên cần chủ động tích hợp các kịch bản thích ứng vào trong các quy hoạch, chú trọng phát triển hệ thống hạ tầng đa mục tiêu cùng các giải pháp công trình và phi công trình.
Cuối cùng, Phó Thủ tướng yêu cầu cả hệ thống chính trị của Phú Yên phải đoàn kết, đồng lòng, quyết tâm đổi mới sáng tạo và khát vọng phát triển chính là sức mạnh nội sinh quan trọng nhất giúp tỉnh đạt được những kỳ tích về phát triển kinh tế - xã hội, hướng tới một Phú Yên xanh, giàu mạnh và giàu bản sắc.
Cam kết đồng hành cùng nhà đầu tư
Phát biểu trước các nhà đầu tư, Chủ tịch UBND Phú Yên Tạ Anh Tuấn cho rằng quy hoạch tỉnh Phú Yên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng phê duyệt có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của tỉnh.
Đây là cơ sở, nền tảng để tỉnh khai thác, phát huy tiềm năng, thế mạnh, thu hút đầu tư, huy động nguồn lực, triển khai thực hiện các định hướng phát triển kinh tế - xã hội, sớm hiện thực hóa mục tiêu đưa Phú Yên trở thành tỉnh phát triển nhanh và bền vững.
Với chủ đề Phú Yên - khát vọng phát triển, ông Tuấn mong muốn qua hội nghị, Phú Yên sẽ cung cấp những thông tin cơ bản về quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; giới thiệu, quảng bá tiềm năng, lợi thế, định hướng thu hút đầu tư của tỉnh đến các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Để thu hút các nhà nhà đầu tư lớn, chiến lược trong thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên cam kết sẽ tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các nội dung cốt lõi của quy hoạch tới các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân; nỗ lực, quyết liệt trong công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, bảo đảm sự đồng bộ, nhất quán, công khai, minh bạch.
Tổng vốn đăng ký đầu tư gần 10.500 tỉ đồng
Dịp này, UBND tỉnh Phú Yên đã trao quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư cho 14 nhà đầu tư, với tổng số vốn đăng ký đầu tư gần 10.500 tỉ đồng và sáu biên bản ghi nhớ nghiên cứu đầu tư với tổng số vốn đăng ký đầu tư 128.800 tỉ đồng.
Đổi mới toàn diện công tác xúc tiến đầu tư theo hướng chủ động, tìm kiếm, mời gọi các nhà đầu tư lớn, chiến lược trong và ngoài nước để giới thiệu quảng bá môi trường đầu tư, tiềm năng, lợi thế của tỉnh theo danh mục dự án ưu tiên kêu gọi đầu tư để họ tiếp cận, nghiên cứu đầu tư.
Phú Yên cam kết đồng hành với nhà đầu tư trong quá trình nghiên cứu và triển khai dự án, sẽ tạo các điều kiện thuận lợi nhất về chính sách, môi trường đầu tư, kinh doanh trong khuôn khổ pháp luật.
Người đứng đầu UBND tỉnh Phú Yên hứa sẽ tập trung đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng đồng bộ, trong đó sẽ ưu tiên nguồn lực để đầu tư các dự án trọng điểm nhằm mở ra không gian phát triển, như đầu tư hoàn thiện tuyến đường bộ ven biển, nâng cấp mở rộng Cảng hàng không Tuy Hoà, nâng cấp quốc lộ 25, quốc lộ 29 kết nối với Gia Lai, đầu tư cảng nước sâu Bãi Gốc...
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, tập trung vào những ngành quan trọng như du lịch, các ngành công nghiệp gắn với lợi thế cảng biển.
Cũng theo ông Tuấn, thời gian tới Phú Yên xác định Khu kinh tế Nam Phú Yên sẽ là động lực với cảng Bãi Gốc là trái tim để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, góp phần đưa Phú Yên trở thành tỉnh có nền kinh tế đa dạng và thịnh vượng.
Du lịch: Ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh Phú Yên
Theo quy hoạch vừa được duyệt, đến năm 2030, Phú Yên trở thành tỉnh phát triển theo hướng hiện đại và bền vững. Kinh tế phát triển dựa trên lợi thế biển với các trụ cột: công nghiệp (luyện kim, lọc, hóa dầu, năng lượng...); du lịch dịch vụ chất lượng cao; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; vận tải biển và logistics.
Một số mục tiêu cụ thể như: tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm (GRDP) bình quân thời kỳ 2021 - 2030 đạt khoảng 8,5%-9%/năm; GRDP bình quân đầu người đến năm 2030 đạt khoảng 150-156 triệu đồng; tốc độ tăng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn (không kể thu tiền sử dụng đất) bình quân 9%-10%/năm; tổng lượt khách du lịch đạt 7 triệu lượt khách...
Đến năm 2050, Phú Yên trở thành tỉnh có nền kinh tế đa dạng và thịnh vượng. Đây sẽ là một trung tâm kinh tế biển của vùng Duyên hải Trung Bộ, có hệ thống đô thị thông minh, xanh, bền vững, bản sắc. Trong đó những đô thị ven biển thu hút khách du lịch và có môi trường đáng sống của vùng và cả nước.
Nhiệm vụ trọng tâm của giai đoạn này là cải cách hành chính; huy động, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm mọi nguồn lực; phát triển nguồn nhân lực; đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất kinh doanh, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao.
Theo quy hoạch, du lịch được xem là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh Phú Yên. Đây sẽ là động lực phát triển kinh tế - xã hội, có hệ thống cơ sở hạ tầng và dịch vụ du lịch đồng bộ, hiện đại, giàu bản sắc văn hóa.
Thời gian tới, Phú Yên phải chú trọng vào ba khu vực trọng điểm phát triển, gồm: phía Bắc phát triển du lịch, kinh tế biển, trong đó thị xã Sông Cầu là trung tâm; phía Nam phát triển công nghiệp luyện kim, lọc, hóa dầu, hóa dược, các ngành năng lượng sạch, sản xuất sản phẩm gắn với công nghệ số, công nghiệp chế biến chế tạo, cảng biển, du lịch...
TP Tuy Hòa là đô thị trung tâm của tỉnh Phú Yên; phía Tây phát triển thương mại dịch vụ, nông nghiệp công nghệ cao, các vùng nguyên liệu gắn với các nhà máy chế biến và phát triển du lịch.