Từ cuối tháng 3-2013 đến nay, hàng trăm doanh nghiệp (DN) đã bị phòng Ấn chỉ Cục Thuế TP.HCM mời đến cơ quan thuế để lập biên bản về việc không có thông báo tiếp tục sử dụng hóa đơn giá trị gia tăng do cơ quan thuế cung cấp trong thời điểm từ tháng 1-2013 đến tháng 3-2013. Mỗi DN đều nhận được quyết định xử phạt 12-60 triệu đồng đối với hành vi sử dụng hóa đơn bất hợp pháp. DN bức xúc vì bị Cục Thuế xử phạt quá nặng tay đối với thiếu sót về việc không thông báo tiếp tục sử dụng hóa đơn. Thực chất vấn đề ra sao?
Dựa vào các biên bản làm việc và quyết định xử phạt được các DN gửi đến báo Pháp Luật TP.HCM, luật gia Nguyễn Thái Sơn đã có bài viết nhận định về việc xử phạt này.
Không nhắc mà cứ phạt
Căn cứ Thông tư số 153/2010/TT-BTC ngày 28-9-2010, có hiệu lực từ ngày 1-1-2011, tại khoản 2 Điều 33 có quy định: Tổ chức, hộ, cá nhân kinh doanh thực hiện kiểm kê để xác định hóa đơn do Bộ Tài chính phát hành đã mua trong năm 2012. Trường hợp không có nhu cầu tiếp tục sử dụng thì thực hiện hủy hóa đơn. Trường hợp tổ chức, hộ, cá nhân có nhu cầu tiếp tục sử dụng thì đăng ký hóa đơn tiếp tục sử dụng với cơ quan thuế quản lý trực tiếp (theo mẫu số 3.12, phụ lục 3 ban hành kèm theo thông tư này) để được tiếp tục sử dụng đến hết ngày 31-3-2011. Thời hạn gửi đăng ký chậm nhất là ngày 20-1-2011. Tuy nhiên, nhiều DN có thiếu sót khi báo cáo sử dụng hóa đơn tháng 12-2010 lại không đính kèm theo thông báo tiếp tục sử dụng hóa đơn (mẫu 3.12) theo quy định của Thông tư số 153/2010.
Vấn đề là bộ phận tiếp nhận hồ sơ thuế tháng 12-2010 không hề nhắc nhở DN phải nộp bổ sung thông báo tiếp tục sử dụng hóa đơn này. Nay hai năm đã trôi qua, phòng Ấn chỉ Cục Thuế tổ chức rà soát lại hồ sơ thuế và lập biên bản xử phạt hành chính đối với những DN có thiếu sót không gửi cơ quan thuế Thông báo tiếp tục sử dụng hóa đơn giá trị sử dụng đến tháng 3-2011.
Nhìn dưới góc độ pháp lý, có hai vấn đề cần làm rõ. Thứ nhất, hành vi vi phạm hành chính đã quá thời hiệu, có thể bị xử phạt hành chính hay không? Thứ hai, hành vi không nộp báo cáo đúng thời hạn quy định có thể bị xử phạt hành chính đối với hành vi sử dụng hóa đơn bất hợp pháp hay không?
Không thể xử phạt hành chính DN
Ở vấn đề thứ nhất, về thời hiệu xử phạt hành vi vi phạm hành chính, Nghị định số 185/2004/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung, ký ngày 4-11-2013, tại khoản 1 Điều 3 có nói thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán là hai năm kể từ ngày hành vi vi phạm hành chính được thực hiện (đối với các hành vi vi phạm hành chính khác, thời hiệu chỉ là một năm).
Thông tư số 169/2011/TT-BTC ngày 24-11-2011 tại Điều 2 có quy định: Không xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán đối với các trường hợp sau hết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 3 của Nghị định số 185/2004/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung.
Vấn đề thứ hai, biên bản vi phạm hành chính do phòng Ấn chỉ Cục Thuế ghi rõ hành vi vi phạm của DN: “Đơn vị đã không đăng ký các hóa đơn tiếp tục sử dụng sau ngày 1-1-2011, liệt kê như sau: - Mẫu số 01 GTKT 3LL, ký hiệu…, từ số… đến số… sử dụng từ ngày 5-1-2011 đến ngày 11-2-2013…”.
Từ đó, cơ quan thuế ra kết luận rằng đơn vị đã vi phạm quy định tại khoản 7 Điều 33 - Nghị định số 51/2010 ngày 14-5-2010 của Chính phủ về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ (nội dung của khoản 7 Điều 33 là phạt tiền 12-60 triệu đồng đối với hành vi lập hóa đơn bất hợp pháp).
Điều 3 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định nguyên tắc xử lý vi phạm hành chính rằng: Chỉ xử phạt vi phạm hành chính khi có hành vi vi phạm hành chính do pháp luật quy định. Trong trường hợp trên, cơ quan thuế lập biên bản vi phạm về hành vi không đăng ký tiếp tục sử dụng hóa đơn đúng quy định của DN, do đó chỉ có thể xử phạt về hành vi không đăng ký với cơ quan thuế mà thôi. Cơ quan thuế không có quyền ra quyết định xử phạt về hành vi sử dụng hóa đơn bất hợp pháp.
Hơn nữa, Thông tư số 153/2010/TT-BTC tại Điều 20 đã định nghĩa rõ thế nào là sử dụng hóa đơn bất hợp pháp: Sử dụng hóa đơn bất hợp pháp là việc sử dụng hóa đơn giả, hóa đơn chưa có giá trị sử dụng, hết giá trị sử dụng. Trong đó, hóa đơn hết giá trị sử dụng là hóa đơn đã làm đủ thủ tục phát hành nhưng tổ chức, cá nhân phát hành thông báo không tiếp tục sử dụng nữa; các loại hóa đơn bị mất sau khi đã thông báo phát hành được tổ chức, cá nhân phát hành báo mất với cơ quan thuế quản lý trực tiếp; hóa đơn của các tổ chức, cá nhân đã ngừng sử dụng mã số thuế (còn gọi là đóng mã số thuế). Các DN bị lập biên bản vi phạm nói trên, không hề sử dụng hóa đơn bất hợp pháp. Vậy tại sao lại bị Cục Thuế ra quyết định xử phạt theo khoản 7 Điều 33 Nghị định số 51/2010/NĐ-CP?
Từ đó có thể kết luận việc DN có thiếu sót do không đăng ký tiếp tục sử dụng hóa đơn đến tháng 3-2011 với cơ quan thuế trước ngày 20-1-2011, đến nay không thể bị xử phạt hành chính vì đã quá thời hiệu. Hơn nữa, với hành vi thiếu sót trên, DN càng không thể bị xử phạt về hành vi sử dụng hóa đơn bất hợp pháp! Đề nghị lãnh đạo Cục Thuế TP xem xét lại các quyết định xử phạt hành chính liên quan.
Luật gia, NGUYỄN THÁI SƠN