Vào ngày 7-8, Quốc vương Campuchia Norodom Sihamoni bổ nhiệm Đại tướng Hun Manet làm thủ tướng mới của Campuchia. Đây là một sự kiện vô cùng trọng đại đối với người dân Campuchia, không chỉ mở đường cho việc thiết lập một nội các chính phủ mới theo hướng trẻ hóa và năng động do ông Hun Manet lãnh đạo, mà còn mở ra một chương hoàn toàn mới trong lịch sử chính trị của quốc gia Đông Nam Á này.
Gần dân, sâu sát cơ sở
Sau thông báo của ông Hun Sen hôm 26-7 rằng ông sẽ từ chức thủ tướng Campuchia và con trai Hun Manet sẽ kế nhiệm vị trí này thì cái tên “Đại tướng Hun Manet” hay “Tiến sĩ Hun Manet” phổ biến và được quan tâm không chỉ trong nước mà cả thế giới. Người ta tò mò về vị thủ tướng tương lai của đất nước chùa tháp, đặc biệt là phong cách lãnh đạo của ông Hun Manet - một con người có thực lực ở nhiều khía cạnh.
Ngày 8-8, Quốc vương Campuchia phong tặng danh hiệu Tiến sĩ danh dự của Học viện Hoàng gia Campuchia cho ông Hun Manet.
Đáng chú ý trong phong cách lãnh đạo của ông Hun Manet trong thời gian qua là gần dân và sát dân. Trong những buổi vận động tranh cử, ông Hun Manet vui vẻ tiếp xúc với người hâm mộ mà không ngần ngại khoảng cách và cùng chụp ảnh với người dân.
Gần dân cũng là cách giúp chính phủ Campuchia giám sát tính hiệu quả của chính sách ở cấp độ địa phương, theo tờ Khmer Times. Hồi tháng 6, ông Hun Manet nhấn mạnh “xuống thẳng tới cơ sở” là cách làm việc của ông, giúp ông theo dõi tính hiệu quả của cương lĩnh chính trị của đảng Nhân dân Campuchia (CPP). “Thăm cơ sở giúp tôi nắm rõ hiệu quả của các chính sách của chính phủ, có thể trao đổi trực tiếp với những đối tượng cụ thể trong chính sách, thấy được đời sống thực tế của người dân và từ đó đưa ra các đề xuất để giải quyết vấn đề của họ” - theo ông Hun Manet.
Một điểm nổi bật so với cha ông là ông Hun Manet nhận được sự ủng hộ đông đảo của giới trẻ. Điều này một phần là vì ông là người đứng đầu Ban Thanh niên trung ương của CPP, vị trí giúp ông có nhiều cơ hội tiếp xúc gần hơn với người trẻ. Có thể nói cách tiếp cận và phong cách gần dân, sát dân của ông đã giành được “trái tim và khối óc” của nhân dân Campuchia. Minh chứng là hơn 82% cử tri ủng hộ CPP trong cuộc bầu cử Quốc hội khóa VII vừa qua. Theo tuyên bố của CPP, kết quả bầu cử cho thấy người dân Campuchia ủng hộ sự lãnh đạo của CPP, ông Hun Sen và ông Hun Manet, theo Khmer Times.
Ông Hun Manet (thứ hai từ phải qua) chụp ảnh cùng người dân Campuchia trong cuộc vận động tranh cử hồi tháng 7-2023. Ảnh: FACEBOOK |
"3 ưu tiên và 5 chiến lược"
Ông Hun Manet đã vạch ra những chính sách mà chính phủ của ông sẽ theo đuổi, có thể tóm gọn trong “ba ưu tiên và năm chiến lược” nhằm “phụng sự đất nước và người dân Campuchia” tốt hơn.
Theo ông Hun Manet, ba ưu tiên là đời sống, khát vọng và thể diện. “Đời sống” chỉ sự quan tâm của chính phủ đối với phúc lợi của người dân. “Khát vọng” đề cập việc cải thiện đời sống của người dân thông qua hỗ trợ chính phủ trong các vấn đề xã hội, giáo dục, điều kiện sống và sức khỏe cộng đồng. “Thể diện” nói về việc trao các quyền và tự do cho người dân, phát triển nền kinh tế quốc gia và nâng cao hình ảnh Campuchia trên trường quốc tế.
Trong khi đó, năm chiến lược gồm: (1) giữ vững hòa bình, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ cũng như ổn định mọi thành quả xã hội trước nay; (2) đưa Campuchia trở thành một quốc gia thịnh vượng, vững mạnh, dân chủ tự do, đa đảng dựa trên pháp quyền với nền kinh tế bền vững và công bằng, từ đó đảm bảo người dân có cuộc sống ấm no và sống hòa hợp, với sự tôn trọng danh dự, phẩm giá và nhân quyền; (3) nỗ lực xây dựng hệ thống bảo trợ xã hội hiệu quả về môi trường và bền vững về tài chính để bảo vệ người dân trước những rủi ro kinh tế, sức khỏe cộng đồng và những tổn thương từ những thay đổi về điều kiện sống và làm việc; (4) thúc đẩy thực hiện chiến lược “Campuchia không còn bom mìn vào năm 2025”; và (5) theo đuổi đường lối đối ngoại độc lập dựa trên nguyên tắc xây dựng quan hệ hữu nghị và hợp tác tốt đẹp giữa Campuchia với các nước trên thế giới, cũng như tham gia các tổ chức quốc tế. Hành động tích cực vì hòa bình, ổn định, an ninh và thịnh vượng trong khu vực và trên thế giới.
Nhiều nhà quan sát nhận định với nền tảng giáo dục “đậm nét” phương Tây, ông Hun Manet sẽ đưa Campuchia “xích lại gần hơn” với các nước phương Tây. Tuy nhiên, người phát ngôn CPP bác bỏ ý kiến trên, nhấn mạnh “không phải tốt nghiệp ở Mỹ thì họ sẽ nghiêng về Mỹ”. Ông Eysan khẳng định chính sách đối ngoại của Campuchia sẽ không thay đổi, đó là trung lập, không liên kết, coi trọng bình đẳng, tôn trọng và không can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác.
Ông Hun Manet cũng khẳng định sẽ theo đuổi chính sách ngoại giao “làm bạn với tất cả các nước” và “phục vụ lợi ích quốc gia và nhân dân Campuchia”. “Campuchia từng trải qua quá khứ cay đắng khi bị cuốn vào Chiến tranh lạnh giữa hai siêu cường vào những năm 1970. Nếu Campuchia phụ thuộc vào một quốc gia và phớt lờ những nước khác thì đất nước sẽ phải đối mặt với hậu quả tương tự trong quá khứ” - ông Hun Manet nhấn mạnh.•
Chuyện chưa kể về ông Hun Manet
Theo tờ Khmer Times, ông Hun Manet sinh ngày 20-10-1977 trong một ngôi nhà tranh nhỏ dựng bằng gỗ và lá tại làng Koh Thmar, tỉnh Kampong Cham mà không có sự chứng kiến của cha mình là ông Hun Sen vì lúc này ông đang sang Việt Nam tìm đường cứu nước.
Ông Hun Manet sống với mẹ - phu nhân Bun Rany trong điều kiện tồi tàn, bị đe dọa bởi bệnh tật và suy dinh dưỡng. Mãi đến ngày 24-2-1979, ông mới đoàn tụ với cha mình.
Ông Hun Manet theo học tại Trường Tiểu học Chaktomuk vào năm 1980 và Trường Lycée Sisowath năm 1990. Theo tác giả Pov Sok, người viết tiểu sử về ông Hun Manet, con trai cả của ông Hun Sen là một học sinh ưu tú và giỏi toán.
Ông Hun Sen cho biết ông không nuông chiều con cái, chẳng hạn như các con của ông đều đi bộ và chạy xe đạp đến trường.