Chiều 26-10, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (BLGĐ) (sửa đổi). Đây là dự luật nhận được khá nhiều sự quan tâm của dư luận từ kỳ họp trước.
Các đại biểu Quốc hội thảo luận về dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi). |
Sống như vợ chồng cũng dễ bạo lực gia đình
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng, chống BLGĐ (sửa đổi) cho biết Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bổ sung quy định giao Chính phủ quy định về việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn hành vi BLGĐ và bảo vệ, hỗ trợ người bị BLGĐ đối với người nước ngoài cư trú ở Việt Nam tại dự thảo luật.
Về đối tượng áp dụng, bà Thúy Anh cho hay: Thường vụ Quốc hội thấy rằng trong thực tế có nhiều trường hợp nam, nữ không hoặc chưa kết hôn nhưng vẫn sống với nhau như vợ chồng, hoặc có trường hợp vợ chồng tuy đã ly hôn, mối quan hệ giữa họ không là quan hệ gia đình theo Luật Hôn nhân và gia đình, song là mối quan hệ rất đặc thù, dễ nảy sinh các tương tác, tiếp xúc trong cuộc sống, từ đó gia tăng nguy cơ xảy ra hành vi bạo lực.
Bên cạnh đó còn có nhiều vụ việc BLGĐ liên quan đến thành viên gia đình của người đã ly hôn hoặc người chung sống với nhau như vợ chồng.
Theo bà Thúy Anh, mọi hành vi bạo lực xuất phát từ mối quan hệ gia đình giữa những đối tượng này và giữa những đối tượng này với người thân của hai bên cũng cần thiết phải áp dụng quy định của luật để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị BLGĐ; xử lý nghiêm người có hành vi BLGĐ.
Do vậy, Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chỉnh lý dự thảo luật và giao Chính phủ quy định chi tiết khoản này để tăng tính chặt chẽ của quy định.
Theo đó, hành vi bạo lực cũng được áp dụng đối với người đã ly hôn; người chung sống với nhau như vợ chồng; người là cha, mẹ, con riêng, anh, chị em của người đã ly hôn, của người chung sống với nhau như vợ chồng; người đã từng có quan hệ cha mẹ nuôi và con nuôi.
Cần quy định trách nhiệm của người bị BLGĐ và thành viên gia đình là phải báo tin cho cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền.
Người bị bạo lực phải có trách nhiệm báo tin
Đại biểu (ĐB) Tô Văn Tám (Kon Tum) cho rằng việc ngăn chặn xử lý hành vi BLGĐ chỉ phát huy hiệu quả khi thông tin về hành vi BLGĐ được phản ánh kịp thời đến cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền. Kênh thông tin quan trọng, kịp thời và chuẩn xác là từ chính người bị BLGĐ và thành viên trong gia đình.
“Nếu họ im lặng thì thường khó khăn khi giải quyết. Do đó, cần quy định trách nhiệm của người bị BLGĐ và thành viên gia đình báo tin cho cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền khi có hành vi BLGĐ” - ông Tám nêu.
ĐB Tám cho rằng việc bổ sung trách nhiệm này có thể chưa đạt kết quả, tác động ngay nhưng sẽ là cơ sở để đi vào tâm thức, từ đó dần hình thành ý thức tự giác về trách nhiệm pháp lý, có ý nghĩa là công cụ sắc bén để phòng ngừa, ngăn chặn hành vi BLGĐ.
ĐB Nguyễn Thị Minh Trang (Vĩnh Long) cho rằng để dự luật khả thi hơn, cần bổ sung quy định chi tiết về trách nhiệm khắc phục hậu quả với người bị bạo lực. Vì phần lớn người bị bạo lực là người thân trong một gia đình có tài sản chung với người bạo lực nên việc giải quyết yêu cầu khi bồi thường thiệt hại chắc chắn gặp khó khăn, khó áp dụng trong thực tế.
Bà Trang cũng cho rằng nên bổ sung trách nhiệm của thành viên gia đình trong việc thông báo, tố giác tới cơ quan chức năng về hành vi BLGĐ mà mình phát hiện hoặc khi đã làm hết trách nhiệm mà không thể góp phần chấm dứt tình trạng BLGĐ.
“Đây là kênh thông tin quan trọng góp phần thực hiện kịp thời, có hiệu quả các biện pháp để chống BLGĐ” - ĐB Trang nói.
Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Văn Hùng đã giải trình, tiếp thu các vấn đề lớn được các ĐB nêu ra.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, dự thảo Luật Phòng, chống BLGĐ đã được Quốc hội cho ý kiến, so với lần trước có nhiều điểm mới và đã được tiếp thu. Tuy nhiên, đây là một vấn đề rộng, khó để khu trú hết.
Mặc dù đã cố gắng nghiên cứu và có tham vấn kinh nghiệm, nghiên cứu các mô hình thực tiễn ở địa phương, gặp gỡ, trao đổi, lấy ý kiến... nhưng khó đáp ứng được hết.
Ngay sau phiên họp này, chủ nhiệm ủy ban sẽ triệu tập cơ quan soạn thảo để xem xét, tiếp thu một cách đầy đủ nhất ý kiến của các ĐB...•
Chống bạo lực nhưng phải bảo vệ quyền con người
Tôi băn khoăn việc cơ quan công an yêu cầu người BLGĐ đến trụ sở công an trong 6 giờ, không giới hạn số lần. Đây là biện pháp tương tự như tạm giữ hành chính của luật xử lý hành chính, thậm chí vượt trên cả biện pháp tạm giữ hành chính.
Bởi biện pháp tạm giữ hành chính quy định rất rõ trong Luật Xử lý vi phạm hành chính, còn đối với dự thảo thì chúng ta quy định rất đơn giản, giữ lại trụ sở công an không quá 6 giờ, không giới hạn số lần, không có quy định về thẩm quyền.
Chưa hết, người có hành vi BLGĐ thì công an có trách nhiệm đưa đến trụ sở, có phải là áp giải không; với đối tượng vị thành niên thì quy định thế nào? Dự thảo chưa quy định rõ.
Vì vậy, cần có quy định chặt chẽ vì chúng ta luôn đề cao xây dựng nhà nước pháp quyền, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, tránh việc sơ hở của các quy định.
ĐB NGUYỄN MẠNH CƯỜNG (Quảng Bình)