Sáng 29-3, PGS-TS Lê Thị Anh Thư, Chủ tịch Hội Kiểm soát nhiễm khuẩn TP.HCM, cho rằng không phải đến vụ dịch bệnh COVID-19 chúng ta mới đề cập vấn đề phòng ngừa lây nhiễm trong bệnh viện (BV).
“BV thường được ví von là “căn cứ địa” của vi khuẩn, virus. Đây còn là nơi “rèn luyện” vi khuẩn, virus chống lại chúng ta. Lây nhiễm trong BV đã và đang thách thức lớn cho ngành y tế. Người bệnh, nhân viên y tế, thậm chi khách thăm có thể bị lây nhiễm vi khuẩn, virus trong BV. Điều này làm tăng ti lệ mắc bệnh và tử vong, kéo dài thời gian điều trị” – bà Anh Thư nói.
Tuy nhiên, những biện pháp kiểm soát lây nhiễm cho thấy có thể ngăn ngừa lây nhiễm trong BV. Thực hiện tốt chương trình kiểm soát lây nhiễm trong BV có thể giảm ít nhất 1/3 nhiễm khuẩn trong BV và thậm chí có thể giảm đến con số 0. Do vậy, phòng ngừa và kiểm soát nhiễm khuẩn luôn là mối quan tâm hàng đầu tại Việt Nam cũng như các nước trên toàn thế giới. Vậy đâu là điểm then chốt để phòng ngừa và kiểm soát lây nhiễm trong BV có hiệu quả?
Sử dụng phương tiện phòng hộ khi tiếp xúc với máu là đã thực hiện phòng ngừa chuẩn. Ảnh: TRẦN NGỌC
“Trong vụ dịch COVID-19, từ “cách ly” được nhắc đến thường xuyên. Mỗi người dân đều nhắc đến nó gần như hàng ngày và biết về nó như một sự tạo khoảng cách về mặt địa lý. Thật ra, từ “cách ly” có thể có ý nghĩa rộng hơn. Đó là sử dụng các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm không chỉ bằng việc tạo ra khoảng cách không gian mà còn bằng những biện pháp kỹ thuật khác. Ví dụ, đeo khẩu trang có thể xem là một biện pháp để chúng ta được “cách ly” với những giọt bắn mang virus” – bà Anh Thư phân tích.
Cách ly phòng ngừa là một trong những vấn đề chủ yếu của chương trình kiểm soát nhiễm khuẩn trong BV. Biện pháp quan trọng nhất khi áp dụng cách ly phòng ngừa là phòng ngừa chuẩn. Đây là chiến lược đầu tiên giúp kiểm soát lây nhiễm trong BV, hạn chế sự lây truyền từ người sang người, cũng như từ môi trường.
Phòng ngừa chuẩn dựa trên nguyên lý “máu và các chất tiết của bất kỳ người bệnh đều mang mầm bệnh, đều nguy hiểm như nhau và đều cần phải phòng ngừa”. Có nghĩa người bệnh cho dù có chẩn đoán và tình trạng khác nhau đều có thể lây nhiễm cho người khác. Cho dù họ chỉ vào BV vì các bệnh không lây nhiễm nhưng vẫn có thể đang mang những virus gây bệnh trong máu và dịch tiết của họ.
“Do vậy, ở bất kỳ khoa nào trong BV, dù là khoa không có bệnh nhân nhiễm, cũng phải áp dụng phòng ngừa chuẩn. Các nội dung phòng ngừa chuẩn như vệ sinh tay, sử dụng phương tiện phòng hộ khi tiếp xúc với máu, chất tiết, tuân thủ quy tắc vệ sinh hô hấp, làm sạch môi trường BV, khử tiệt khuẩn dụng cụ sau mỗi lần sử dụng, tiêm an toàn, sắp xếp vị trí người bệnh thích hợp, quản lý đúng đồ vải và chất thải cần phải được thực hiện trong tất cả khoa phòng của BV” – bà Anh Thư phân tích thêm.
Trong vụ dịch này, nhiều khi chúng ta chỉ chú tâm phòng ngừa ở những nơi có thể có người bệnh COVID-19 mà lơ là những nơi khác và sự lây nhiễm nhiều khi lại xảy ra ở nơi chúng ta ít phòng ngừa nhất. Vì vậy, BV cần thực hiện nghiêm túc phòng ngừa chuẩn cho tất cả mọi người, không tùy thuộc vào chẩn đoán bệnh.
“Nói một cách đơn giản, ở bất kỳ khoa phòng nào trong BV đều phải xem như thể đang có người bệnh hoặc thân nhân, khách thăm đang mang mầm bệnh COVID-19. Do vậy, cần phải áp dụng các biện pháp phòng ngừa kiểm soát nhiễm khuẩn cơ bản như nhau” – bà Anh Thư đúc kết.