Từ những năm tôi học tiểu học cho đến trung học công lập, tôi chưa bao giờ thấy bà đi dự cái gọi là Hội PHHS trong những ngày đầu năm học và cũng chẳng bao giờ thấy Hội PHHS trường kêu gọi đóng góp cơ sở vật chất cho trường. Có lẽ trường ốc ngày ấy quá đạt tiêu chuẩn hay trường học chẳng cần nâng cao cơ sở vật chất hay sao ấy! Sau này khi tôi tìm hiểu về cơ chế hoạt động của ngành giáo dục thì được biết trường nào cũng có Hội PHHS để cùng với trường lo cho học sinh con em khi trường cần nâng cấp mà không có kinh phí cũng như lo phần thưởng vào mỗi cuối năm. Và xem danh sách lãnh đạo hội cũng như những phụ huynh là hội viên đều là những nhân vật có tầm cỡ về danh tiếng cũng như tài chính.
Tuy nhiên, tình trạng trên chỉ kéo dài đến được một vài năm đầu của thập niên 1970 (?). Đọc lại tờ báo Trắng Đen đầu tháng 9-1974, thấy tình trạng thu niên liễm và đóng góp cho Hội PHHS cũng rất thê thảm. Nguyên văn bài viết như sau:
Ngày tựu trường 74-75 cả chục ngàn học sinh chới với. Phụ huynh xin được đóng học phí từng đợt.
Dư luận đông đảo PHHS lo ngại cho tương lai con em họ vì không được nhập học bậc tiểu học từ hôm 2-9 vừa qua và bậc trung học vào ngày 16-9 sắp đến lý do: họ không đủ tiền đóng niên liễm và quỹ hiệu đoàn cho con em họ.
Cả trăm ngàn học sinh tiểu học trên toàn quốc nhất là ngay tại Sài Gòn đã khổ tâm âu lo khi được nghe con em khóc đòi cha mẹ phải đóng tiền niên liễm và quỹ hiệu đoàn cho thầy cô, nếu không các em sẽ chẳng được vào lớp hoặc khi xếp hàng vô lớp bị thầy cô hài tên tuổi, xếp hàng riêng khiến các em tủi thân xấu hổ. Hơn thế giá biểu niên liễm và quỹ hiệu đoàn tại mỗi trường đều bất nhất, có nơi thì thu 500, có nơi 1.000 tới 2.000 đồng. Các thầy cô thu tiền niên liễm tùy hứng và tùy túi tiền của phụ huynh nhất là tùy trường giàu hay nghèo nghĩa là đông học sinh hay không.
Trang đầu của báo Trắng Đen trước năm 1975.
Hàng trăm ngàn PHHS tiểu trung học đô thành và các tỉnh, đa số là quân nhân, công chức hiện đang âu lo trước tình trạng thu niên liễm bất nhất.
Trên bậc trung học trong việc thu tiền cũng không đồng nhất. Tại một số các trường trung học đô thị học sinh vô lớp 6, 7 phải đóng từ 4.000 tới 8.000 đồng và các trường thuộc Bộ Văn hóa Giáo dục thì cũng đóng từ 2.000 tới 7.000 đồng. Riêng tại nữ trung học Sương Nguyệt Anh các em mới vô lớp 6 ngoài niên liễm 3.000 đồng còn phải thêm 2.400 đồng tiền nhập hội PHHS khiến cha mẹ các em khóc ròng.
Trước một thực trạng như vậy giới PHHS công lập phần đông là quân nhân, công chức đồng lương ba cọc ba đồng đã phải đỏ mắt nhịn ăn sáng, nhịn mặc, nhịn xài tiết kiệm đồng lương góp nhóp lệ phí, niên liễm cho con được đến trường may ra tạo được một tương lai sáng lạn hơn bố mẹ, thế nhưng họ không hiểu rằng các hội PHHS và các trường thu niên liễm, quỹ hiệu đoàn có đem lại những ích lợi thiết thực gì cho chính các em học sinh hay sẽ lọt vào túi áo của một số người theo đóm ăn tàn trong khi đó quỹ phát triển trường sở cũng được thu riêng. Tuy một năm tốn 5, 10 ngàn nhưng đối với PHHS thắt lưng buộc bụng thì đâu phải dễ kiếm một lần…
Hiện nay đang rộ chuyện tranh luận “Có nên duy trì hội PHHS hay không?”. Một bên đòi bỏ vì hội PHHS từ trước đến nay chỉ chứng tỏ mình là cánh tay nối dài của ban giám hiệu nhà trường trong việc móc túi PHHS đầu năm học với những khoản đóng góp rất mắc cười. Lỗi của hội PHHS là chỗ này. Nếu như có một hội PHHS đúng nghĩa là cùng với nhà trường chăm lo cho học sinh trong việc học vấn đúng nghĩa và nếu có đóng góp thì là những khoản thu ai cũng có thể chấp nhận được. Còn mơ nhất là một hội PHHS toàn là những phụ huynh tự nguyện xin vào và tự chia sẻ những khó khăn của trường trong việc lo cho học sinh. Còn đời sống giáo viên thì đó là chuyện của Bộ Giáo dục, tại sao có trường bắt PHHS phải lo?