Mặc dù, nghề thầy giáo trong xã hội hiện đại có nhiều đổi khác so với mấy thập kỷ trước, từ vị trí là người cung cấp và truyền thụ kiến thức trước đây sang vai trò trang bị kỹ năng tự học, tự lĩnh hội kiến thức cho học sinh. Song, cuộc sống xã hội thay đổi ra sao đi nữa thì thầy giáo vẫn đóng vai trò quyết định xây dựng một thế hệ tương lai của đất nước, người thầy có trách nhiệm tối thượng về sản phẩm của quá trình giáo dục do mình tham gia.
Tác phẩm Nghề thầy của Hoàng Đạo Thúy.
Trong quyển sách Nghề thầy của Hoàng Đạo Thúy được viết ra hơn 70 năm trước đã nói về "nghề làm thầy" như sau: "Bước vào giáo giới là chúng ta đã có mục đích: Không phải đi làm để kiếm ăn thôi, không phải chỉ đi làm công. Chúng ta "làm thầy"".
Nhưng dường như hiện nay, thầy cô giáo không còn giữ được vị trí là thầy giáo, mà chỉ còn đóng vai trò người dạy học, vì có quá nhiều sự can thiệp khác nhau tác động tới tiến trình dạy làm người.
Yêu cầu của "nghề làm thầy" một lần nữa được Hoàng Đạo Thúy đặt ra thế này: "Mục đích của chúng ta là đem lũ trẻ con mà người ta trao cho, mà rèn giũa sao cho nên người, nên người có hiếu, sau này gây được gia đình bền chặt, người dân tốt giúp được nước, người có tâm với thiên hạ, làm người biết đạo người, sống hợp với lẽ trời đất".
Trách nhiệm của nhà trường và người thầy rất lớn và cao cả, nhưng đòi hỏi của phụ huynh chỉ là cho con cái đến trường học cái chữ để làm việc nên dẫn tới sự biến dạng của mục đích giáo dục học đường.
"Đi nhà trường, để học đọc, học viết, học tính, để thi đỗ, để rồi đi làm thì đủ thứ sung sướng. Việc hiểu như vậy làm sai lạc cả mục đích của việc giáo dục. Thu hẹp việc giáo dục vào một chỗ học để kiếm tiền thôi, thì thiếu thốn quá. Đã hướng cả công trrình giáo dục vào một việc tầm thường thì chỉ bổ cho một lòng dục, lòng dục ấy sẽ phát rộng ra và mạnh ra, lại thêm không có sức đạo đức ngăn cản, thì nguy lắm" - Hoàng Đạo Thúy nhìn nhận sự hạn chế trong lối suy nghĩ của phụ huynh.
Xuất phát sự học biến dạng như ngày hôm nay một phần là từ gia đình. Cả xã hội chúng ta đang thấy là các bậc cha mẹ đang áp đặt mong muốn của mình lên con cái, cha mẹ thuở trước khó khăn, vất vả nên chỉ mong con cái học hành đỗ đạt thành tài nhằm có cuộc sống tốt hơn. Vô hình trung, cha mẹ cho con đến trường là để cho con học chữ và nóng lòng muốn thấy được kết quả ngay qua con điểm.
Cái đòi hỏi phải có hiệu quả ngay trong học kỳ này, ngay trong năm này... dẫn tới hậu quả nhãn tiền mà ai ai cũng đang thấy là con cái là học sinh giỏi nhiều hơn học sinh trung bình ngày một nhiều. Nếu chưa giỏi thì cha mẹ ngay lập tức cho con ôn tập thật nhiều để thi có điểm cao, tranh thủ đi học thêm để biết các chiêu thức làm bài...
Nhà trường không còn cách nào khác, phải hoàn thành trách nhiệm với đòi hỏi của khách hàng (phụ huynh) của mình bằng cách "đi tắt đón đầu" theo nhiều phương cách, phương tiện khác nhau.
Và, khi một em học sinh nào đó có kết quả không như mong đợi của phụ huynh, trong khi khả năng tùy thuộc vào từng cá nhân học sinh khác nhau thì mọi ánh mắt đồ dồn về giáo viên.
Giáo viên sẽ nhận sự chỉ trích của phụ huynh và chịu sự đánh giá của lãnh đạo, không còn cách nào khác, giáo viên cũng phải "hỗ trợ" đủ mọi cách để học sinh chuyển biến tích cực từ yếu lên trung bình, từ trung bình lên khá, và khá phải lên giỏi... nên tỉ lệ học sinh giỏi, khá càng nhiều càng cao.
Thầy và trò trường THCS Lê Quý Đông, quận 3, TP.HCM trong một tiết học STEM. Ảnh: Tư liệu
Làm giáo dục thì ai cũng hiểu rằng từng cá nhân học sinh có tố chất và khả năng riêng, không phải em nào cũng giỏi tất cả các môn. Còn trong trường học hiện nay, để đánh giá học sinh giỏi thì các môn Toán, Tiếng Việt/Ngữ Văn cần phải có điểm giỏi (tức là 8 điểm trở lên).
Giáo viên không phải thần thánh, nên không thể giúp học sinh có thiên hướng yêu thích các môn xã hội lại chỉ trong một vài tháng có thể giỏi cả các môn tự nhiên (nếu có thì cũng rất ít). Vậy mà tới ngày tổng kết, đâu đâu cũng thấy phụ huynh khoe con cái học sinh giỏi toàn diện...
Để có được những học sinh từ mức học bình thường lên giỏi nhiều giáo viên đã giúp các em tập trung học để kiểm tra liên tục trong nhiều tháng... vì vậy mà tỉ lệ học sinh khá giỏi ngày càng nhiều nhưng bỏ quên học ra sao để làm người đầy đủ nhân cách, tử tế! Để mỗi ngày mở trang báo, đọc tin đầy trên mạng là những hành vi bạo lực, phi nhân tính, văn hóa ứng xử, lối sống thiếu nhân văn nhan nhản tập trung nhiều ở những người trẻ. Thật đau lòng!
Phụ huynh ơi, không phải con cái mình có điểm số cao hay đỗ đạt khoa bảng, không phải nhà cao cửa rộng hay tiền bạc kếch xù là thành công đâu... đó chỉ là phương tiện để con cái tiến tới cuộc sống hạnh phúc chứ không phải đích đến của con người.
Tôi nghĩ rằng, phụ huynh đừng đè nặng áp lực lên giáo viên và nhà trường, cũng đừng kỳ vọng con cái quá sức của nó. Mỗi đứa trẻ là một cá tính riêng và trong quá trình giáo dục tại nhà trường, thầy cô giáo có trách nhiệm tìm ra con người bên trong của từng em, và quá trình ấy cũng hình thành nên con người phù hợp từ tâm sức của giáo viên. Hãy để các thầy cô giáo được làm việc của người thầy.
Nếu phụ huynh có thể xây dựng cho con một thế giới mà ở đó con cái có thể sống và học tập như một niềm vui và hạnh phúc mỗi ngày thì quá tuyệt vời, còn không thể thì để con trẻ phát triển bình thường như vốn tự thân nó vậy, đừng can thiệp vào quá trình giáo dục của nhà trường bằng cách đòi hỏi những kết quả học tập cao chót vót nhưng không có niềm vui và chẳng thể thành con người đúng nghĩa.