Phục hồi và phát triển

Phục hồi và phát triển

(PLO)- Chính phủ tin tưởng nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp trong nước, kiều bào ở nước ngoài luôn ủng hộ, đồng hành cùng Chính phủ để có thể hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2023.

Trao đổi đầu xuân với báo Pháp Luật TP.HCM, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho rằng: “Năm 2022 là năm Chính phủ tập trung phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH). Như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Chúng ta đã thực hiện thắng lợi, khá toàn diện mục tiêu, nhiệm vụ vừa tập trung phòng chống, kiểm soát dịch bệnh vừa thúc đẩy phục hồi và phát triển KT-XH, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng và hiệu quả””.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái. Ảnh: VGP
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái. Ảnh: VGP

Kinh tế đang đà phục hồi

. Phóng viên: Thưa Phó Thủ tướng, có thể nói năm 2022 trong nước và quốc tế có những biến động rất nhanh, phức tạp và chưa có tiền lệ, có những khó khăn còn lớn hơn với những gì diễn ra khi xây dựng kế hoạch phát triển KT-XH năm 2022. Tuy vậy, KT-XH nước ta đã phục hồi tích cực và đạt những kết quả quan trọng, khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực. Xin Phó Thủ tướng cho biết thêm về những kết quả đạt được.

+ Phó Thủ tướng Lê Minh Khái: Năm 2022, tình hình thế giới tiếp tục biến động phức tạp, khó khăn hơn so với dự báo. Cạnh tranh chiến lược ngày càng gay gắt; giá dầu thô, các hàng hóa cơ bản và lương thực biến động mạnh; lạm phát cao và chính sách tiền tệ thắt chặt, tăng lãi suất kéo dài tại nhiều quốc gia; đồng USD tăng giá mạnh; nguy cơ mất thanh khoản, rủi ro, bất ổn về tài chính, tiền tệ, nợ công, bất động sản, an ninh năng lượng, lương thực trên toàn cầu gia tăng; một số quốc gia có dấu hiệu rơi vào suy thoái kinh tế.

Ở trong nước, áp lực lạm phát tăng cao; giá xăng dầu, nguyên vật liệu biến động mạnh, ảnh hưởng lớn đến nhiều ngành, lĩnh vực; nhiều vấn đề tồn đọng kéo dài từ lâu cần được giải quyết; trong khi đó, dịch bệnh, thiên tai, bão lũ diễn biến phức tạp, gây nhiều thiệt hại cho sản xuất, kinh doanh và đời sống của nhân dân.

Tuy nhiên, tình hình KT-XH nước ta tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực và đạt những kết quả quan trọng, đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Trong đó, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng kinh tế đang trên đà phục hồi, các cân đối lớn được bảo đảm; kịp thời triển khai các giải pháp gia hạn, miễn, giảm một số loại thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh; thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ thường xuyên, đồng thời tập trung xử lý các vấn đề tồn đọng kéo dài và giải quyết, ứng phó kịp thời những vấn đề mới phát sinh.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái kiểm tra nhà máy sản xuất phân bón DAP-2 Lào Cai hồi tháng 8-2022. Ảnh: TRẦN MẠNH

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái kiểm tra nhà máy sản xuất phân bón DAP-2 Lào Cai hồi tháng 8-2022. Ảnh: TRẦN MẠNH

. Vậy những nguyên nhân của kết quả đạt được là gì, thưa Phó Thủ tướng?

+ Nguyên nhân đầu tiên chính là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; sự ủng hộ, đồng hành, giám sát hiệu quả, kịp thời của Quốc hội; sự quyết liệt, chủ động, linh hoạt, sáng tạo, thống nhất trong điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương; sự tin tưởng, đồng tình, ủng hộ, chia sẻ của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp (DN); sự quan tâm, giúp đỡ của bạn bè quốc tế.

Bên cạnh đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo quyết liệt các ngành, các cấp và địa phương tập trung thực hiện đồng bộ, hiệu quả nhiều giải pháp để ứng phó với các diễn biến phát sinh.

Chính phủ yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương phải quyết tâm, giữ vững tinh thần vượt khó, đoàn kết, tự lực, tự cường, chủ động thích ứng, linh hoạt, hành động quyết liệt, khoa học, hiệu quả, tích cực đổi mới sáng tạo theo tinh thần “Đoàn kết kỷ cương; bản lĩnh linh hoạt; đổi mới sáng tạo; kịp thời hiệu quả”.

Khẩn trương ổn định các thị trường tài chính

. Thưa Phó Thủ tướng, trong năm qua mặc dù Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã thường xuyên chỉ đạo nhưng thị trường chứng khoán (TTCK) và trái phiếu DN vẫn là vấn đề cần có nhiều giải pháp?

+ Trong năm 2022, mặc dù nền kinh tế phục hồi tích cực, song chịu ảnh hưởng tiêu cực của một số TTCK lớn trên thế giới trong bối cảnh ngân hàng trung ương các nước lớn thắt chặt chính sách tiền tệ, mặt bằng lãi suất trong nước có xu hướng tăng, một số vụ việc thao túng giá chứng khoán, tin đồn thất thiệt... đã tác động tiêu cực đến TTCK và tâm lý của nhà đầu tư. Tính đến ngày 15-12-2022, quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu giảm 29,9% so với cuối năm 2021; thanh khoản thị trường trái phiếu DN sụt giảm, khối lượng phát hành mới 10 tháng đầu năm giảm 22,2% so với cùng kỳ năm 2021.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo thực hiện các giải pháp đã triển khai để ổn định TTCK và trái phiếu DN. Ảnh: NGUYỆT NHI

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo thực hiện các giải pháp đã triển khai để ổn định TTCK và trái phiếu DN. Ảnh: NGUYỆT NHI

Trước tình hình đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo, thực hiện các giải pháp ổn định thị trường trái phiếu DN, TTCK; thành lập tổ công tác về ổn định TTCK và trái phiếu DN. Đồng thời, yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương rà soát, đánh giá kỹ lưỡng, cụ thể khả năng thanh toán, chi trả của các tổ chức phát hành trái phiếu DN, có các biện pháp kịp thời, hiệu quả để chấn chỉnh, ổn định, thúc đẩy hoạt động của thị trường trái phiếu DN. Cùng với đó có các biện pháp hiệu quả để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của nhà đầu tư; sớm sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các văn bản pháp lý liên quan đến phát hành trái phiếu DN.

Trong thời gian tới, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo thực hiện các giải pháp đã triển khai trong thời gian qua để khẩn trương ổn định các thị trường này, đóng vai trò quan trọng hơn trong huy động vốn cho nền kinh tế; rà soát, hoàn thiện quy định pháp luật; phân loại, làm việc trực tiếp với các tổ chức phát hành, yêu cầu thanh toán trái phiếu theo cam kết, quy định pháp luật. Cùng đó là xử lý nghiêm các sai phạm và thu hồi tối đa tài sản để hoàn trả cho nhà đầu tư trong trường hợp tổ chức phát hành không có khả năng trả nợ; tăng cường công khai, minh bạch; bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư và an toàn, an ninh thị trường tài chính, tiền tệ.

Giữ vững tinh thần vượt khó, hành động quyết liệt

. Năm 2023, như Chính phủ nhận định, tình hình thế giới và trong nước vẫn được dự báo là phức tạp, khó lường cả về chính trị, an ninh, KT-XH. Chính phủ xác định vẫn tiếp tục ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Điều này sẽ được thể hiện ra sao?

+ Năm 2023 là năm bản lề, có ý nghĩa quan trọng, tạo động lực cho các năm tiếp theo để thực hiện thành công các mục tiêu kế hoạch năm năm. Dự báo tình hình thế giới tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường hơn. Cạnh tranh chiến lược sẽ diễn ra gay gắt hơn, xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ, tăng lãi suất kéo dài tại nhiều quốc gia. Kinh tế toàn cầu có xu hướng tăng trưởng chậm lại, một số quốc gia có dấu hiệu rơi vào suy thoái kinh tế.

Trong nước, sức ép lạm phát, tỉ giá, lãi suất gia tăng; các thị trường xuất nhập khẩu lớn, truyền thống bị thu hẹp; quy mô nền kinh tế nước ta còn khiêm tốn, độ mở lớn trong khi các tồn tại, hạn chế, bất cập nội tại của nền kinh tế và thị trường tài chính, tiền tệ, tín dụng, bất động sản tích lũy đã lâu chưa được xử lý dứt điểm.

Để thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch phát triển KT-XH năm 2023 theo nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương phải quyết tâm, giữ vững tinh thần vượt khó, đoàn kết, tự lực, tự cường, chủ động thích ứng, linh hoạt, hành động quyết liệt, khoa học, hiệu quả, tích cực đổi mới sáng tạo theo tinh thần “Đoàn kết kỷ cương; bản lĩnh linh hoạt; đổi mới sáng tạo; kịp thời hiệu quả”.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái (thứ ba, từ phải sang) kiểm tra dự án xây dựng tuyến đường nối Cách Mạng Tháng Tám – Đường tỉnh 918 thuộc Dự án Phát triển thành phố Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng của đô thị, hồi tháng 5-2022. Ảnh: TTXVN

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái (thứ ba, từ phải sang) kiểm tra dự án xây dựng tuyến đường nối Cách Mạng Tháng Tám – Đường tỉnh 918 thuộc Dự án Phát triển thành phố Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng của đô thị, hồi tháng 5-2022. Ảnh: TTXVN

. Thưa Phó Thủ tướng, muốn vậy chúng ta phải có một thể chế mạnh cũng như công tác tổ chức thi hành pháp luật phải chặt chẽ. Có như vậy thì môi trường xã hội và môi trường kinh doanh mới được cải thiện, tạo tiền đề thực hiện các mục tiêu.

+ Chính phủ sẽ tiếp tục công tác hoàn thiện thể chế trong các lĩnh vực. Đặc biệt, ngoài việc ban hành kịp thời các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành pháp luật thì việc điều chỉnh, tháo gỡ hạn chế, bất cập trong cơ chế, chính sách, pháp luật cũng được chú trọng. Các kiến nghị, phản ánh, khiếu nại của nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư nước ngoài sẽ được lắng nghe. Những vướng mắc, bất cập trong môi trường đầu tư kinh doanh sẽ được nhanh chóng xử lý để tạo thuận lợi, công khai, minh bạch.

Năm 2022, Chính phủ đã cắt giảm, đơn giản hóa hàng trăm thủ tục kinh doanh, cùng với phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa hàng trăm quy định. Chính phủ cũng đã phân cấp, phân quyền hàng trăm thủ tục hành chính trong tổng số hơn 5.000 thủ tục. Việc này trong năm 2023 sẽ tiếp tục được đẩy mạnh.

Đặc biệt, Chính phủ sẽ chỉ đạo rà soát, nghiên cứu sửa đổi, điều chỉnh một số quy định của Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam… để có thể áp dụng ngay, tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc cho sản xuất, kinh doanh; nâng cao hiệu quả sử dụng, khai thác tốt nguồn lực tài chính từ đất đai, tài nguyên.

Đoạn Mỹ Phước - Tân Vạn (Bình Dương), một đoạn của vành đai 3 TP.HCM đã hoàn thành và đang khai thác. Ảnh: ĐÀO TRANG.
Đoạn Mỹ Phước - Tân Vạn (Bình Dương), một đoạn của vành đai 3 TP.HCM đã hoàn thành và đang khai thác. Ảnh: ĐÀO TRANG.

. Từ đầu nhiệm kỳ, trên cơ sở Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Chính phủ đã xác định xây dựng kết cấu hạ tầng là một trong những điểm tạo đột phá quan trọng. Năm 2023, Chính phủ tiếp tục hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng như thế nào?

+Quan điểm của Chính phủ là khi phát triển hạ tầng thì gia tăng kết nối địa phương, kết nối vùng, tạo thông thương nội địa và thuận tiện giao thương quốc tế. Các công trình kết cấu hạ tầng quan trọng của quốc gia vì vậy luôn được Chính phủ, Thủ tướng quan tâm, chỉ đạo sát sao, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tạo được chuyển biến tích cực.

Năm 2023, Chính phủ sẽ đẩy nhanh các dự án quan trọng quốc gia như đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2017-2020 và giai đoạn 2021-2025; đường vành đai 3 TP.HCM; đường vành đai 4 TP Hà Nội…, nâng cấp, mở rộng sân bay lưỡng dụng theo phương thức hợp tác công tư; phấn đấu hoàn thành, đưa vào sử dụng cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ; tạo cơ sở sớm hoàn thành, đưa vào khai thác phục vụ phát triển KT-XH, lưu thông hàng hóa.

Song song với đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án kết cấu hạ tầng giao thông, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo tập trung hoàn thiện các dự án hạ tầng chiến lược đồng bộ khác gồm hạ tầng năng lượng, hạ tầng số, hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, thích ứng với biến đổi khí hậu, hạ tầng thương mại, hạ tầng văn hóa - xã hội. Việc tập trung hoàn thiện hạ tầng giao thông kết nối sẽ tiếp tục thúc đẩy liên kết vùng, tạo ra các không gian phát triển để mỗi địa phương phát huy, khai thác thế mạnh của mình, cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh, nâng cao đời sống của người dân, qua đó thúc đẩy phát triển đồng bộ KT-XH tại mỗi địa phương và cả nước.

. Xin trân trọng cám ơn Phó Thủ tướng.

Tin tưởng nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, kiều bào luôn đồng hành cùng Chính phủ

. Phóng viên: Xuân mới sắp đến, Phó Thủ tướng có nhắn nhủ gì với độc giả báo Pháp Luật TP.HCM cũng như đông đảo người dân cả nước?

+ Phó Thủ tướng Lê Minh Khái: Chúng ta biết rằng nhiệm vụ năm 2023 và giai đoạn tiếp theo là hết sức nặng nề. Chính phủ luôn nỗ lực điều hành KT-XH với quyết tâm cao nhất. Như Thủ tướng đã nhiều lần mong muốn và đề nghị, chúng tôi rất mong tiếp tục nhận được sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư; sự chủ động, tích cực, quan tâm, đồng hành, ủng hộ và giám sát của Quốc hội, Chủ tịch nước, MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội.

Đặc biệt, Chính phủ tin tưởng nhân dân, cộng đồng DN trong nước, kiều bào ở nước ngoài luôn ủng hộ, đồng hành cùng Chính phủ để có thể hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2023 và giai đoạn tiếp theo nhằm thực hiện thành công phương hướng, nhiệm vụ phát triển KT-XH năm năm 2021-2025 mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.

Chúng ta tin rằng năm 2023 đất nước sẽ có những đột phá quan trọng, những thành tựu vượt bậc để đất nước từng bước vững mạnh, sớm trở thành nước phát triển, có thu nhập cao.

Đọc thêm