Phục vụ bạn đọc với tất cả tâm huyết

(PLO)- 32 năm là chặng đường dài chứng kiến nhiều thế hệ làm báo Pháp Luật TP.HCM dấn thân thực hiện tôn chỉ, mục đích, góp phần xây dựng đất nước.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Đội ngũ PV của báo Pháp Luật TP.HCM luôn lăn xả vào thực tiễn nóng bỏng. Trong ảnh: Loạt điều tra “Băng móc túi quậy bạo ở khu vực Suối Tiên” do các PV Pháp Luật TP.HCM thực hiện năm 2019. Ảnh: Tư liệu

Đội ngũ PV của báo Pháp Luật TP.HCM luôn lăn xả vào thực tiễn nóng bỏng. Trong ảnh: Loạt điều tra “Băng móc túi quậy bạo ở khu vực Suối Tiên” do các PV Pháp Luật TP.HCM thực hiện năm 2019. Ảnh: Tư liệu

PV PHƯƠNG NAM:

Không có nhà báo lớn mà chỉ có tin, bài lớn

20 năm trước, Pháp Luật TP.HCM mỗi tuần chỉ phát hành hai số, PV thường trú phải ra bưu điện viết tay, fax về tòa soạn. Sau đó chọn rửa từng tấm ảnh rồi gửi xe đò về tòa soạn.

Trưa hôm đó đã gần đến Noel 2002, đang chuẩn bị ăn trưa thì tôi nhận được thông tin tại quán cơm Thu Thanh (xã Hồng Liêm, huyện Hàm Thuận Bắc, Bình Thuận) vừa xảy ra vụ đánh một hành khách đi xe đò đến vỡ tim, tử vong vì người này không chịu vào ăn cơm.

Cầm vội cuốn sổ và máy ảnh tự động, tôi nhảy lên xe của Nguyên Vũ (hiện công tác tại Sở VH-TT&DL tỉnh Bình Thuận) đến hiện trường. Đến nơi, chiếc xe khách vẫn đậu trong sân, nạn nhân đã được đưa đi cấp cứu. Trong quán, đám nhân viên côn đồ vừa đánh người vẫn đứng, ngồi lố nhố. Công an vẫn chưa đến hiện trường. Không có ảnh nóng là thất bại nên tôi dặn Vũ nổ máy chờ sẵn ngoài đường để một mình vào chụp ảnh.

Thấy tôi móc máy ảnh chụp, đám côn đồ chỉ tay nhao nhao hỏi, có người còn cầm chai xì dầu to định chạy ra. Biết là lui không được, tôi phăm phăm bước vào, móc cuốn sổ có in dòng chữ “Sổ tay cảnh sát” vừa được tặng thảy xuống bàn rồi chỉ mặt người to con nhất hỏi: “Tụi bây đánh khách ở bàn nào?”. Hai, ba người líu ríu chỉ chỗ nạn nhân ngồi. Tôi tranh thủ chụp thêm ảnh.

Có ảnh, chúng tôi rút nhanh. Hôm sau, mẩu tin vài trăm chữ về một hành khách bị đánh chết vì từ chối ăn cơm tù đã rúng động cả nước. Pháp Luật TP.HCM là một trong hai tờ báo có tin sớm, đầy đủ, chi tiết nhất và đặc biệt còn kết nối với luật sư bảo vệ miễn phí cho người bị hại. Sau đó hàng chục tờ báo khác chạy đua, rồi Bộ Công an, Chính phủ vào cuộc, nạn cơm tù sau đó đã hoàn toàn bị xóa sổ.

Bây giờ Pháp Luật TP.HCM đã là nhật báo, báo điện tử và đang phát triển hệ thống đa phương tiện, có lực lượng PV trẻ, giỏi nghề, thường xuyên có những loạt bài tạo hiệu ứng xã hội mạnh.

Cảm phục các bạn trẻ nhưng tôi cũng xin nhắn gửi: Không có nhà báo lớn mà chỉ có những tin, bài lớn phục vụ bạn đọc với tất cả tâm huyết, sự tử tế.

PV Nguyễn Tân nhập vai thành người phát tờ rơi để thực hiện loạt bài điều tra.

PV Nguyễn Tân nhập vai thành người phát tờ rơi để thực hiện loạt bài điều tra.

PV ĐÀO TRANG:

Không được nằm ngoài xu thế phát triển

Hơn năm năm gắn bó với Pháp Luật TP.HCM, từ một PV trẻ, đeo bám mảng đô thị, tôi đã được tập thể báo và Ban Kinh tế - Đô thị đào tạo để từng bước trưởng thành hơn.

Tôi đã dần bắt kịp với xu thế làm báo mới với phong cách chuyên nghiệp hơn như khai thác đề tài chuyên sâu, vệt bài. Đặc biệt, tôi đã tự tin hơn trong việc làm báo theo phương thức đa phương tiện.

Với quan điểm lấy bạn đọc làm trung tâm, nhiều sản phẩm của tôi luôn mang đến những thông tin mới nhất, phản ánh vấn đề một cách trung thực, khách quan, đa chiều, tạo hiệu ứng lan tỏa.

Tôi đã phát huy sự nhiệt huyết của một PV trẻ, luôn cố gắng học hỏi và ứng dụng đa phương tiện, đa nền tảng để mang những bài viết, những thước phim chân thực đến với bạn đọc.

Thời gian tới tôi tiếp tục trau dồi, nâng cao đạo đức của người làm báo, cố gắng mang đến những bài báo, những thước phim chất lượng, có hiệu quả, tạo hiệu ứng tốt, nhằm nâng cao uy tín của cá nhân cũng như của báo Pháp Luật TP.HCM.

Với niềm tự hào được là một thành viên của báo, tôi sẽ không ngừng nỗ lực nắm bắt xu thế để ngày càng thực hiện nhiệm vụ tốt hơn.

Không có nhà báo lớn mà chỉ có những tin, bài lớn phục vụ công chúng với tất cả tâm huyết, sự tử tế.

PV PHƯƠNG MINH:

Phải diễn giải con số thành câu chuyện thú vị

Sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam cũng như sự phức tạp của dòng vốn đầu tư, chứng khoán, tài chính đòi hỏi PV kinh tế phải luôn học hỏi, trau dồi kiến thức.

Nhiều năm qua, Ban biên tập báo Pháp Luật TP.HCM luôn xác định xây dựng tờ báo đồng hành với doanh nghiệp, doanh nhân. Trên tinh thần đó, các PV phụ trách mảng kinh tế có trách nhiệm bám sát tâm tư, nguyện vọng của doanh nghiệp, kể cả phản biện chính sách của Nhà nước để góp phần làm hoạt động của các chủ thể trong nền kinh tế trở nên hiệu quả hơn, dễ dàng hơn.

Viết về kinh tế không đơn thuần là dẫn con số, mà cần kể câu chuyện sao cho hấp dẫn để phản ánh được diễn biến đầy sống động của nền kinh tế.

Báo chí ngày càng chịu sức ép cạnh tranh từ mạng xã hội. Viết khô cứng với những con số khô khan, không diễn đạt được những bí ẩn của các số liệu là tự đào thải mình ra môi trường báo chí.

Mặt khác, PV không chỉ biết trình bày bản tin, bài viết đi vào lòng bạn đọc, tạo ra những nét riêng của tờ báo, mà còn phải biết làm đa kênh, đa nền tảng nhằm cung cấp cho công chúng món ăn tinh thần ngày càng hấp dẫn.

Dù đặt mục tiêu thu hút số đông công chúng nhưng theo tôi, PV không được sa đà vào lá cải, câu view sống sượng mà phải đảm bảo sự chính xác và tính khách quan của thông tin. Không được để thông tin gây ảnh hưởng xấu đến doanh nghiệp, nhà đầu tư và người dân.

PV Tự Sang tác nghiệp điều tra vụ gian lận công nghệ cao trong sát hạch ô tô tại Đồng Nai và TP.HCM.

PV Tự Sang tác nghiệp điều tra vụ gian lận công nghệ cao trong sát hạch ô tô tại Đồng Nai và TP.HCM.

PV TUYẾN PHAN:

Môi trường làm việc chuyên nghiệp, tử tế, ấm cúng

Pháp Luật TP.HCM đã mang lại cho tôi một môi trường làm việc chuyên nghiệp, tử tế và ấm cúng.

Chuyên nghiệp vì báo luôn đòi hỏi sự nghiêm túc trong mỗi sản phẩm, dù là nhỏ nhất; tử tế vì tôi có thể sống bằng nghề viết mà không cần đắn đo các vấn đề ngoài trang báo; ấm cúng vì báo luôn có sự quan tâm, chia sẻ giữa các thành viên, như gia đình thứ hai.

Tôi kỳ vọng lãnh đạo báo luôn nắm bắt thời cơ, có định hướng phát triển đúng đắn cho tương lai, làm sao để ngày càng nhiều người tiếp cận sản phẩm của báo.

Với sự quyết tâm của cả tập thể, tôi tin rằng Pháp Luật TP.HCM sẽ ngày càng hoàn thiện, phát triển; trở thành cầu nối tin cậy cho người dân, doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước.•

Được bạn đọc đón nhận là hạnh phúc khó tả

Hơn năm năm làm việc tại Pháp Luật TP.HCM, Thái Quốc Vũ được thử thách ở nhiều vị trí. Năm 2017, Quốc Vũ bắt đầu công việc ở Ban Thời sự với vai trò là PV tập sự. Sau đó, anh được chuyển về làm PV của tổ ảnh truyền hình (bây giờ là Ban Truyền hình - đa nền tảng).

Sau một thời gian, Quốc Vũ tiếp tục được chuyển ngạch sang làm biên tập viên truyền hình, chịu trách nhiệm sản xuất video và chương trình truyền hình.

Theo Quốc Vũ, đam mê của anh là làm những chương trình truyền hình. Ngay từ khi còn là sinh viên, anh đã làm bạn với những thiết bị ghi hình. “Được thấy những sản phẩm của mình phục vụ bạn đọc là một cảm giác hạnh phúc khó tả. Với vai trò là người chuyên sản xuất video và sản phẩm truyền hình, mình luôn mong muốn có thể đưa đến cho bạn đọc những thước phim, hình ảnh đẹp nhất” - Quốc Vũ bộc bạch.

Cảm phục trước nhiều tấm gương, người tốt, Quốc Vũ mong muốn chuyển tải những câu chuyện này đến bạn đọc để làm lan tỏa cái đẹp trong cuộc sống. Đó là động lực giúp anh trở thành biên tập viên, kỹ thuật viên có nhiều đóng góp cho chương trình Người tử tế của báo.

Tinh thần vượt khó truyền động lực cho người trẻ

Bắt đầu công việc tại Pháp Luật TP.HCM ngay khi mới ra trường, Đào Thu Hà đã có hơn hai năm gắn bó với mái nhà chung này. Từ cô sinh viên “chân ướt chân ráo”, Thu Hà đã trở thành người dẫn chương trình truyền hình chuyên nghiệp và quen mặt với khán giả.

“Tinh thần vượt khó của đội ngũ làm báo Pháp Luật TP.HCM đã thẩm thấu trong tôi khiến tôi nhanh chóng xóa tan sự bỡ ngỡ, rụt rè, bước đầu khẳng định được mình với công việc biên tập viên và người dẫn chương trình truyền hình” - Thu Hà bộc bạch.

Năm 2020, trong trận lũ lụt lịch sử tại miền Trung, Thu Hà được cơ quan cử đi tác nghiệp tại tỉnh Quảng Bình. Cô mặc áo phao, ngồi trên xuồng di chuyển qua nhiều khu vực để ghi nhận hình ảnh người dân chịu ảnh hưởng của thiên tai. Đó là kỷ niệm làm nghề không bao giờ quên của cô MC trẻ.

“Tôi mong muốn Pháp Luật TP.HCM sẽ phát huy tinh thần năng động, rộng mở để những người trẻ như tôi có cơ hội phát triển và cống hiến nhiều hơn nữa” - Thu Hà chia sẻ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm