Sau khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine, chưa dừng lại ở việc trừng phạt, nhiều nước phương Tây còn đưa ra ý tưởng loại Nga khỏi các tổ chức, diễn đàn kinh tế, tài chính quốc tế như Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB), nhóm 20 nền kinh tế lớn thế giới (G20)... như một biện pháp trừng phạt bổ sung.
Đầu tháng 3, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đồng gửi thư lên Hội đồng chủ tịch WTO, đề cập việc sẽ theo đuổi các biện pháp trừng phạt thương mại bổ sung, trong đó có việc loại Nga khỏi WTO. Nhiều nhân vật cấp cao các nước bao gồm Tổng thống Mỹ Joe Biden, Phó Thủ tướng Canada Chrystia Freeland đã tích cực kêu gọi hủy bỏ tư cách thành viên của Nga trong nhóm G20.
Trong một ấn phẩm xuất bản gần đây về hệ quả của cuộc chiến ở Ukraine đối với thương mại và phát triển toàn cầu, WTO dự đoán rằng GDP toàn cầu sẽ bị ảnh hưởng khoảng 5% trong dài hạn và các nền kinh tế mới nổi sẽ phải gánh chịu thiệt hại kinh tế lớn hơn.
Chuyên gia Kristy Hsu
Không dễ
Trả lời phỏng vấn của báo Pháp Luật TP.HCM, bà Kristy Tsun-Tzu Hsu, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ASEAN - Đài Loan thuộc Viện Nghiên cứu kinh tế Chung Hoa (Đài Loan), cho rằng nỗ lực của phương Tây nhằm loại Nga khỏi các tổ chức, diễn đàn kinh tế, tài chính quốc tế có thành công hay không phụ thuộc vào việc các nước này có nhận được đủ sự ủng hộ của các nước khác trong các tổ chức này hay không.
Theo bà Kristy Hsu, với các tổ chức như WTO, WB, IMF... phải có sự đồng thuận để đưa ra quyết định trục xuất hoặc thu hồi tư cách thành viên. Các tổ chức này sẽ khó đạt được đồng thuận về việc hủy bỏ tư cách thành viên của Nga, bởi cơ chế bỏ phiếu của WTO, WB, IMF... khác với các cơ quan của Liên Hợp Quốc như Hội đồng Nhân quyền.
Đối với khả năng loại Nga khỏi IMF, theo hãng tin Reuters, các thỏa thuận của tổ chức này không có điều nào liên quan đến việc trục xuất thành viên do xung đột vũ trang. Nếu muốn loại Nga, IMF sẽ phải chứng minh rằng Nga vi phạm các quy định của tổ chức, ví dụ như không cung cấp dữ liệu kinh tế cần thiết về tài sản dự trữ, cán cân thanh toán, hoạt động thương mại...
Tuy nhiên có khả năng Nga bị loại khỏi G20, vì đã có tiền lệ các nước phương Tây loại Nga khỏi nhóm G8, theo tờ The Brussel Times. Năm 2014, để đáp trả việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea từ Ukraine, các nước phương Tây dẫn đầu là Mỹ đã thay thế cuộc họp của nhóm tám cường quốc có nền kinh tế công nghiệp (G8) mà Nga sẽ tổ chức ở TP Sochi bằng cuộc họp của nhóm bảy nước (G7) ở Brussels.
Toàn cảnh cuộc họp các bộ trưởng Tài chính và thống đốc Ngân hàng Trung ương G20 tại thủ đô Jakarta (Indonesia) ngày 17-2-2022. Ảnh: REUTERS |
Một lý do nữa để giải thích cho việc khó có thể loại Nga ra khỏi các tổ chức quốc tế là nhu cầu hợp tác kinh tế mạnh mẽ sau đại dịch COVID-19, theo bà Kristy Hsu.
“Việc Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế toàn cầu. Để không làm suy yếu hơn nữa sự phục hồi kinh tế vốn đã mong manh sau đại dịch COVID-19 và sự gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, các tổ chức, diễn đàn quốc tế này và hầu hết thành viên, đặc biệt là các nước đang phát triển và các nền kinh tế mới nổi, hiện vẫn nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác kinh tế” - bà Kristy Hsu nhận định với báo Pháp Luật TP.HCM.
Không bị loại, Nga cũng sẽ gặp khó
Dù khả năng Nga bị loại khỏi các tổ chức, diễn đàn kinh tế, tài chính quốc tế không dễ xảy ra nhưng bà Kristy Hsu cũng lưu ý: “Các quyền mà Nga có được với tư cách là thành viên chính thức của các tổ chức quốc tế này có thể bị hạn chế hoặc đình chỉ. Ví dụ, Nga có thể không được mời tham dự một số cuộc họp hoặc quá trình ra quyết định của các tổ chức này”.
“Cụ thể với WTO, Mỹ, EU và nhiều nước khác đã ra một tuyên bố chung vào đầu tháng 3, tuyên bố sẽ đình chỉ quy chế tối huệ quốc (MFN) đối với Nga. Điều này có nghĩa là khi lệnh này có hiệu lực, thuế suất trung bình đối với hàng hóa nhập khẩu của Nga vào các nước này có thể tăng cao từ 30% đến 40%. Ví dụ, hàng hóa của nhiều nước vào Mỹ có mức thuế suất MFN trung bình là 4%, còn với Triều Tiên (nước cũng không được hưởng quy chế tối huệ quốc) thì Mỹ lại áp mức phi thuế suất MFN lên tới 37%” - bà Kristy Hsu nhận định.
Tuy nhiên, bà Kristy Hsu cũng giải thích rằng “đây là hành động của các thành viên WTO, không phải là biện pháp chính thức được tổ chức WTO đưa ra. Và “do đó, Nga vẫn có thể sử dụng thủ tục giải quyết tranh chấp nếu Nga cho rằng sự phân biệt đối xử đó là không chính đáng hoặc không phù hợp với các quy định của WTO”.•
Trung Quốc - “cầu nối giữa Nga và phần còn lại của thế giới”
Theo ông Oleg Ustenko, cố vấn kinh tế của tổng thống Ukraine - trong cuộc chiến ở Ukraine, Trung Quốc là “cầu nối giữa Nga và phần còn lại của thế giới”. Trong vài năm tới, Moscow chắc chắn sẽ gặp khó khăn trong việc thúc đẩy bất kỳ chương trình nghị sự quốc tế nào, vì vậy người “giao liên” giữa Nga với thế giới sẽ là Trung Quốc. Nếu Bắc Kinh đóng một vai trò tích cực trong quá trình hòa đàm, chấm dứt xung đột thì hình ảnh và quan hệ đối ngoại của nước này sẽ tăng lên đáng kể trên trường quốc tế.
Về tác động đến Trung Quốc một khi Nga bị loại khỏi các thể chế quốc tế, bà Kristy Hsu cho rằng nếu điều đó xảy ra Trung Quốc sẽ có nhiều cơ hội đóng vai trò tích cực hơn ở các tổ chức này.