Phương Tây ra loạt động thái mới với Nga và Ukraine

(PLO)- Ngày 8-5, Mỹ, Anh tung loạt trừng phạt nhắm vào Moscow, trong khi Canada, Đức cam kết viện trợ thêm vũ khí cho Kiev.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Các nước phương Tây như Mỹ, Anh hôm 8-5 đã công bố các gói trừng phạt mới nhắm vào nhiều cá nhân và doanh nghiệp Nga. Trong khi đó, Đức, Canada đã có chuyến thăm Kiev, cam kết cung cấp thêm vũ khí cho Ukraine.

Nhiều gói trừng phạt mới nhắm vào Nga

Ngày 8-5, Mỹ công bố các biện pháp trừng phạt mới đối với ban lãnh đạo của ngân hàng Gazprombank của Nga vì chiến dịch quân sự mà nước này triển khai ở Ukraine, theo hãng tin Reuters. Theo Bộ Tài chính Mỹ, các giám đốc điều hành Gazprombank bị trừng phạt là Alexy Miller và Andrey Akimov.

Tám giám đốc điều hành của Sberbank - ngân hàng chiếm 1/3 tổng tài sản ngân hàng của Nga - cũng nằm trong danh sách trừng phạt mới nhất của Mỹ. Danh sách còn có Ngân hàng Công nghiệp Moscow cùng 10 công ty con.

Mỹ cũng công bố các biện pháp trừng phạt đối với ba đài truyền hình Nga - gồm Đài truyền hình Russia-1, công ty Channel One Russia và công ty Phát thanh Truyền hình NTV, cấm người Mỹ cung cấp dịch vụ kế toán và tư vấn cho người Nga, đồng thời áp đặt khoảng 2.600 hạn chế thị thực đối với các quan chức Nga và Belarus.

Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: AFP

Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: AFP

Trong số các doanh nghiệp bị trừng phạt còn có hãng sản xuất vũ khí Promtekhnologiya, 7 công ty vận tải biển và 1 công ty tàu kéo.

Nhà Trắng cũng cho biết cơ quan quản lý vật liệu hạt nhân của Mỹ cũng sẽ đình chỉ giấy phép xuất khẩu vật liệu hạt nhân đặc biệt sang Nga.

"Tổng hợp lại, các hành động hôm nay tiếp nối nỗ lực loại bỏ Nga một cách có hệ thống và bài bản khỏi hệ thống kinh tế và tài chính toàn cầu. Thông điệp là sẽ không có nơi trú ẩn an toàn cho nền kinh tế Nga nếu chiến dịch quân sự đặc biệt của họ ở Ukraine vẫn tiếp tục" - một quan chức cấp cao của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết.

Trong cuộc họp trực tuyến với Tổng thống Ukraine - ông Volodymyr Zelensky, lãnh đạo nhóm 7 nền kinh tế lớn nhất thế giới (G7) cũng đưa ra cam kết cấm hoặc loại bỏ dần việc nhập khẩu dầu từ Nga, nhằm làm suy yếu vị thế kinh tế của Nga khi nước này tiếp tục theo đuổi chiến dịch ở Ukraine, tờ The New York Times đưa tin.

Bên cạnh đó, Anh thông báo sẽ tăng thuế đối với bạch kim và palladium nhập khẩu từ Nga và Belarus trong một gói trừng phạt mới trị giá 1,7 tỉ bảng Anh (2,10 tỉ USD), mà nước này cho là nhằm làm suy yếu “cỗ máy chiến tranh” của Moscow.

Anh cho biết thuế nhập khẩu đối với một loạt sản phẩm sẽ tăng 35%, đồng thời cấm xuất khẩu các hàng hóa như hóa chất, nhựa, cao su và máy móc sang Nga, với giá trị tổng cộng 250 triệu bảng Anh (310 triệu USD).

Anh đang phối hợp với các đồng minh phương Tây trong nỗ lực làm tê liệt nền kinh tế Nga. Theo Reuters, chính quyền London đã trừng phạt hơn 1.000 cá nhân và doanh nghiệp Moscow.

Không chỉ phương Tây, Nhật - quốc gia châu Á và là thành viên G7 - cũng cho biết sẽ cấm nhập khẩu dầu thô của Nga như một phần nỗ lực của khối nhắm vào Moscow. Theo Thủ tướng Nhật Fumio Kishida đây là một quyết định khó khăn đối với một quốc gia phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu năng lượng, tuy nhiên, điều quan trọng nhất hiện nay chính là sự phối hợp của các thành viên G7.

Canada, Đức cam kết viện trợ thêm vũ khí cho Ukraine

Theo Reuters, trong ngày 8-5, Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã có chuyến thăm bất ngờ đến thủ đô Kiev và thông báo sẽ viện trợ thêm khí tài và thiết bị cho Ukraine.

"Hôm nay, tôi công bố thêm hỗ trợ quân sự, máy ghi hình trên không, hình ảnh vệ tinh, vũ khí nhỏ, đạn dược và các hỗ trợ khác, bao gồm cả tài trợ cho các hoạt động rà phá bom mìn, cho Ukraine" - ông Trudeau nói.

Cùng ngày, Chủ tịch Quốc hội Liên bang Đức Baerbel Bas đã gặp Tổng thống Zelensky tại thủ đô Kiev để tưởng nhớ các nạn nhân của Thế chiến II. Tại cuộc gặp, hai bên đã thảo luận về viện trợ vũ khí và mong muốn của Ukraine trong việc trở thành thành viên Liên minh châu Âu (EU).

Ông Zelensky cho biết việc đảm bảo sự chấp thuận của Quốc hội Đức về việc giao vũ khí hạng nặng giúp Ukraine đối phó chiến dịch của Moscow là một trong những "ưu tiên hàng đầu" của Kiev.

Ông cũng yêu cầu bà Bas và Quốc hội Đức hỗ trợ Ukraine trong nỗ lực trở thành thành viên EU. Theo Reuters, việc ứng cử sẽ phải được khối nhất trí và việc gia nhập thường mất nhiều năm đàm phán phức tạp.

Chia sẻ với tờ Rheinische Post cửa Đức, bà Bas cho biết đã đảm bảo với ông Zelensky rằng Berlin luôn ủng hộ Ukraine trong cuộc chiến này. Đề cập về tư cách thành viên EU của Ukraine, bà cho biết: “Quốc hội Đức sẽ đẩy nhanh tất cả các thủ tục cần thiết".

Theo Reuters, Đức đã đồng ý cung cấp vũ khí hạng nặng cho Kiev, bao gồm cả pháo tự hành.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm