Bị cáo có được hỏi tại phiên tòa?

Gần đây, TAND một huyện ở tỉnh Quảng Bình đã đưa vụ bị cáo NTM bị truy tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản ra xử sơ thẩm. Tại phiên tòa, ở phần xét hỏi, sau khi hội đồng xét xử và công tố viên đặt câu hỏi, bị cáo M. đã yêu cầu cho được hỏi một người bị hại để làm rõ chuyện mình có lừa gạt người này hay không.

Tòa cho hỏi, tòa không

Lý do mà M. đưa ra là bị cáo không mời luật sư nên muốn tự mình bào chữa. Sau một thoáng cân nhắc, chủ tọa phiên tòa đã chấp nhận yêu cầu này của M. Hệ quả là bản án sơ thẩm (phạt M. ba năm tù) vừa bị VKS huyện kháng nghị. Theo VKS, việc tòa sơ thẩm cho phép M. được hỏi nạn nhân là sai luật, vi phạm tố tụng nghiêm trọng. Vì vậy, VKS đề nghị cấp phúc thẩm hủy án để xử sơ thẩm lại từ đầu nhằm khắc phục vi phạm.

Tại một phiên xử của Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM trước đây cũng từng xảy ra chuyện một bị cáo yêu cầu được hỏi nhân chứng trong vụ án để tự bào chữa cho mình. Tuy nhiên, tòa đã không chấp nhận. Theo tòa, Bộ luật Tố tụng hình sự không quy định bị cáo có quyền đặt câu hỏi với những người tham gia tố tụng khác. Nếu bị cáo thấy có vấn đề nào chưa rõ thì có thể đề nghị tòa xem xét hỏi lại, làm sáng tỏ.

Tạo điều kiện cho bị cáo tự bào chữa?

Giải thích về việc cho bị cáo M. được đặt câu hỏi, chủ tọa phiên xử sơ thẩm vụ án này lý giải: Không ai có tội khi chưa có bản án kết tội của tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Tại phiên tòa, bị cáo có quyền chứng minh sự vô tội của mình bằng nhiều cách. Bị cáo có thể đưa ra những chứng cứ, tài liệu và yêu cầu như những người tham gia tố tụng khác như người bị hại, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan theo Điều 50 Bộ luật Tố tụng hình sự. Vì thế, tòa nên tạo điều kiện cho bị cáo thực hiện điều đó. Việc từ chối không cho bị cáo đặt câu hỏi với người tham gia tố tụng khác để bào chữa mà không có lý do chính đáng mới là vi phạm pháp luật!

Bị cáo có được hỏi tại phiên tòa? ảnh 1

Việc bị cáo có quyền hỏi những người tham gia tố tụng tại phiên tòa có nhiều ý kiến khác nhau. Ảnh minh họa: HTD

Ủng hộ quan điểm này, một số chuyên gia pháp lý cũng cho rằng Bộ luật Tố tụng hình sự không có quy định nào cấm bị cáo được đặt câu hỏi đối với những người tham gia tố tụng khác. Để đảm bảo cho bị cáo được bình đẳng trước tòa trong việc thực hiện quyền tự bào chữa thì phải cho phép bị cáo làm việc này. Chưa kể, Điều 214 Bộ luật Tố tụng hình sự (về việc trình bày, công bố các tài liệu của vụ án và nhận xét, báo cáo của cơ quan, tổ chức) cũng quy định: “Kiểm sát viên, bị cáo, người bào chữa và những người khác tham gia phiên tòa có quyền nhận xét về những tài liệu đó và hỏi thêm những vấn đề có liên quan”...

Theo luật sư Trần Công Ly Tao (Đoàn Luật sư TP.HCM), việc tạo điều kiện cho bị cáo đặt câu hỏi là đúng tinh thần cải cách tư pháp, dựa trên nguyên tắc của luật hình là mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, bình đẳng giữa người tiến hành tố tụng và tham gia tố tụng.

Phải tuân thủ đúng luật!

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia pháp luật khác lại không đồng tình. Theo họ, tính chất đặc biệt của phiên tòa hình sự bắt buộc những người tiến hành tố tụng (thẩm phán, thư ký phiên tòa, hội thẩm nhân dân, kiểm sát viên) và những người tham gia tố tụng (luật sư, bị cáo, người bị hại, người làm chứng…) phải tuân thủ đúng quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. Luật không cấm bị cáo đặt câu hỏi đối với những người tham gia tố tụng khác không có nghĩa bị cáo có quyền này. Hơn nữa, tại khoản 2 Điều 207 Bộ luật Tố tụng hình sự có quy định rất rõ về những người được quyền xét hỏi tại phiên tòa và hoàn toàn không có bị cáo.

Theo các ý kiến này, việc tự bào chữa, tham gia tranh tụng tại phiên tòa của bị cáo được thực hiện bằng việc đưa ra tài liệu, đồ vật, yêu cầu, đề nghị tòa hỏi thêm làm sáng tỏ thêm vấn đề, trình bày ý kiến, tranh luận chứ không phải là xét hỏi trực tiếp.

Một thẩm phán Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM phân tích thêm: Nghĩa vụ chứng minh tội phạm thuộc về các cơ quan tố tụng. Bị cáo có quyền chứ không có nghĩa vụ phải chứng minh mình không phạm tội. Trên cả lý thuyết lẫn thực tiễn xét xử, cả khi bị cáo nhận tội mà qua hồ sơ lại thể hiện không phạm tội thì tòa vẫn tuyên bị cáo trắng án bởi lời khai của bị cáo không phải là chứng cứ duy nhất để buộc tội. Do vậy, không phải vô duyên cớ mà Bộ luật Tố tụng hình sự không cho những người tham gia tố tụng như bị cáo, nạn nhân, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, nhân chứng được xét hỏi những người tham gia tố tụng khác.

Trình tự xét hỏi tại phiên tòa sơ thẩm

Hội đồng xét xử phải xác định đầy đủ các tình tiết về từng sự việc và về từng tội của vụ án theo thứ tự xét hỏi hợp lý.

Khi xét hỏi từng người, chủ tọa phiên tòa hỏi trước rồi đến các hội thẩm, sau đó đến kiểm sát viên, người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự. Những người tham gia phiên tòa cũng có quyền đề nghị với chủ tọa phiên tòa hỏi thêm về những tình tiết cần làm sáng tỏ. Người giám định được hỏi về những vấn đề có liên quan đến việc giám định.

Khi xét hỏi, hội đồng xét xử xem xét những vật chứng có liên quan trong vụ án.

(Theo Điều 207 Bộ luật Tố tụng hình sự)

Không thể tùy tiện

Các quyền của bị cáo đã được luật quy định rất cụ thể, trong đó không có quyền được hỏi trực tiếp người tham gia tố tụng khác. Một khi Bộ luật Tố tụng hình sự đã đặt ra những nguyên tắc chung khi xét xử thì cần phải được tôn trọng và thực hiện đúng chứ không thể tùy tiện được.

Nếu bị cáo có quyền được hỏi thì những người tham gia tố tụng khác cũng được quyền hỏi lại bị cáo. Thậm chí bị cáo và những người tham gia tố tụng khác cũng có thể hỏi ngược hội đồng xét xử, công tố viên, luật sư, người bảo vệ quyền lợi của đương sự, giám định viên. Lúc này, phiên tòa sẽ trở nên lộn xộn và việc xác định sự thật khách quan của vụ án sẽ trở nên khó khăn hơn rất nhiều.

Kiểm sát viên NGUYỄN ANH ĐỨC, VKSND TP Đồng Hới (Quảng Bình)

Chủ tọa bản lĩnh là được

Hiện nay, tinh thần cải cách tư pháp đề cao sự tranh tụng tại phiên xử. Vì thế theo tôi nên cho bị cáo trực tiếp đặt câu hỏi với những người tham gia tố tụng khác để làm sáng tỏ các vấn đề của vụ án. Cho bị cáo đặt câu hỏi khi không có luật sư bào chữa cũng là một bước tiến bộ, bình đẳng trong tố tụng. Bị cáo được đặt câu hỏi dưới sự điều khiển của chủ tọa phiên tòa là thỏa đáng. Chủ tọa sẽ nhắc nhở bị cáo khi đặt những câu hỏi không phù hợp cũng như nó không đi vào trọng tâm của vụ án. Và cũng không ngoại trừ việc những câu hỏi bị cáo đặt ra có thể là nhằm tìm cách né tránh hành vi phạm tội hay do trình độ bị hạn chế…

Vấn đề quan trọng là chủ tọa phiên tòa, người điều khiển phiên xử phải đủ bản lĩnh, khéo léo.

Luật sư TRẦN CÔNG LY TAO, Đoàn Luật sư TP.HCM

HOÀNG YẾN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm