Người hùng én bạc MiG-17

Ông là Hồ Văn Quỳ, năm nay gần 80 tuổi, nguyên phi công Trung đoàn không quân tiêm kích 921 (đoàn Sao đỏ), người lái máy bay tiêm kích MiG-17 đánh trận đầu tiên trên vùng trời miền Bắc.

Chín năm trên đất khách

Trong căn nhà nhỏ ở quận Hải Châu (Đà Nẵng), ông Quỳ còn lưu giữ khá nhiều bức ảnh và hiện vật về đoàn không quân Sao đỏ. Trong đó có bức ảnh chụp phi đội bay MiG-17 đầu tiên của Việt Nam vừa hạ cánh xuống sân bay Nội Bài sau trận đọ sức với không quân Mỹ. Vuốt ve tấm ảnh, ông bồi hồi nhớ lại: “Năm ấy, tôi được Bộ Tổng tham mưu chọn đi học lớp bổ túc văn hóa để chuẩn bị theo học lớp đào tạo phi công. Tôi đang là lính bộ binh (thuộc Sư đoàn 305) nên rất bất ngờ trước quyết định này. Do mới học hết lớp 5 rồi đi bộ đội nên tôi phải ngốn cho xong chương trình phổ thông trước khi được gửi sang Trung Quốc học lái máy bay”.

Cuối năm 1955, dưới danh nghĩa một đoàn thể thao ra nước ngoài du đấu (do Hiệp định Genève ràng buộc, không cho phép phát triển quân đội), ông cùng 60 người nữa được chuyển đến học tại Trường Không quân số 3 (Liêu Ninh, Trung Quốc). “Tại đây, chúng tôi được bố trí ở chung với nhau trong một khu ký túc xá riêng. Để đảm bảo bí mật, học viên không được giao tiếp với ai, mọi thư từ gửi về nhà phải qua kiểm duyệt, gia đình cũng không biết chúng tôi đang ở đâu, làm gì” - ông Quỳ kể.

Người hùng én bạc MiG-17 ảnh 1

Ông Quỳ đang xem lại những bài viết của báo chí nước ngoài về biên đội MiG-17 đánh trận đầu tiên. Ảnh: T.TÀI

Giữa cơn mưa tuyết lạnh giá, các học viên phải chạy bộ hành quân hàng chục kilômét. Khó nhất là học những thao tác, xử lý vận hành máy bay tiêm kích. Phần lớn các ký hiệu, ngôn ngữ trên máy bay bằng tiếng Nga nên các anh phải dịch sang tiếng Trung rồi dịch lại bằng tiếng Việt. “Nhiều đêm nằm ngủ mà sơ đồ buồng lái, cách vận hành, xử lý tình huống máy bay cứ lởn vởn trong đầu tôi. Sau giờ huấn luyện trên thao trường, chúng tôi chụm lại nghe đài. Nhiều anh em đã bật khóc khi nghe tin quê nhà bị giặc ném bom, thiêu đốt.

Sáng 5-8-1964, khi chúng tôi đang ăn cơm thì nghe đài phát tin không quân Mỹ đánh phá miền Bắc. Tất cả buông đũa, thẫn thờ. Ai cũng nóng lòng muốn được về thật nhanh để chiến đấu, ngăn chặn kẻ thù”.

Ông Quỳ và đồng đội không phải chờ lâu. Ngay 9 giờ sáng hôm đó, đoàn Sao đỏ nhận được lệnh hành quân bằng máy bay MiG-17 từ căn cứ ở Quảng Tây (Trung Quốc) về sân bay Nội Bài (Hà Nội). Những cánh én bạc (tên gọi máy bay MiG-17) đầu tiên của không quân Việt Nam lần lượt hạ cánh an toàn xuống Nội Bài.

Những trận không chiến oai hùng

Sáng 3-4-1965, nhận được thông tin máy bay Mỹ sẽ đánh phá cầu Hàm Rồng (Thanh Hóa), biên đội của ông Quỳ do ông Phạm Ngọc Lan chỉ huy nhận lệnh chuẩn bị chiến đấu, đánh chặn địch. “Suốt đêm ấy, tôi không sao ngủ được, nằm trằn trọc suy nghĩ cách đánh địch. Đúng 4 giờ sáng, biên đội đã có mặt tại sân bay chờ lệnh xuất kích” - ông Quỳ nhớ lại. 2 giờ sau, những cánh én bạc xé gió thẳng tiến vào vĩ tuyến 20 (Thanh Hóa). Mây mù dày đặc, tầm nhìn hạn chế, biên đội phải chia tốp để tiếp cận máy bay địch.

Người hùng én bạc MiG-17 ảnh 2

Biên đội MiG-17 đánh trận ngày 3-4-1965 (từ trái qua): Phạm Ngọc Lan - Phan Văn Túc - Hồ Văn Quỳ - Trần Minh Phương. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

“Khi phát hiện tốp máy bay địch xuất hiện, tôi nhận lệnh vứt hai thùng dầu phụ để tăng tốc đuổi theo. Anh Lan và anh Túc bay chặn đầu, bấm nút khai hỏa tấn công chiếc F-8E đi đầu nhưng không chính xác. Tôi và Phương bám càng bắn hỗ trợ. Bị tấn công bất ngờ nên đội hình bay của địch rối loạn, một chiếc lọt vào giữa gọng kìm của MiG-17 thì bị pháo của anh Lan bắn hạ” - ông Quỳ tự hào kể.

Sau chiến thắng đầu tiên, ông và đồng đội tiếp tục đánh những trận đánh ác liệt, đối đầu với nhiều loại máy bay “sát thủ” của Mỹ như F-4, F-8, F-100… “Nếu so sánh về yếu tố kỹ thuật thì máy bay Mỹ hiện đại hơn MiG-17 của ta. Chúng được trang bị tên lửa đối không, hệ thống radar và vận tốc bay lớn. Trong khi MiG-17 chỉ sử dụng kính ngắm bằng mắt thường và hệ thống pháo 30 mm” - ông Quỳ giải thích. Nhưng với lối đánh cận chiến linh hoạt, liều lĩnh, ông và đồng đội đã tiêu diệt nhiều “Con ma”, “Thần sấm”… của Mỹ.

Chiếc máy bay và sinh mạng người lính

Gần 50 năm đã trôi qua nhưng nhắc đến những trận không chiến ngày ấy, trong ông lại rộn lên nhiều cảm xúc. “Sáng đó, biên đội chúng tôi gồm Lưu Huy Chao, Nguyễn Biên, Trần Triêm được lệnh trực chiến đấu. Sau khi nhận tin máy bay địch xâm phạm vùng trời Bắc Sơn, Thái Nguyên, biên đội xuất kích chặn đánh địch”. Bốn chiếc MiG-17 do ông chỉ huy lao vút lên bầu trời, tiếp cận một tốp máy bay địch do chiếc F-4 dẫn đầu. Khi máy bay địch lọt vào tầm ngắm 400 m, ông xả những loạt đạn đầu tiên vào chiếc F-4 khiến nó bị thương bên cánh. Ba đồng đội phía sau tách ra vây tròn đội hình bay của địch khiến chúng hoảng loạn bỏ rơi đội hình quay về phía biển. Ông và đồng đội tiếp tục truy kích và bắn cháy hai chiếc F-4.

Gần 1 giờ quần thảo trên vùng trời Bắc Sơn, ông được lệnh đưa biên đội hạ cánh xuống sân bay Đa Phúc (Nội Bài). Máy bay đang hạ độ cao thì rơi vào trận địa pháo phòng không của ta ở mặt đất. Biên đội phải liên tục đánh tín hiệu để thông báo, tránh bị bắn nhầm, đồng thời bay vòng né tránh lưới lửa phòng không bên dưới.

Người hùng én bạc MiG-17 ảnh 3

Phi công Hồ Văn Quỳ trên chiếc MiG-17 sau trận không chiến với không quân Mỹ. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Trong khi đang hướng dẫn đồng đội hạ cánh, máy bay của ông Quỳ bị trúng… tên lửa phòng không của ta khiến máy bay mất thăng bằng, chao nghiêng. Ông bị chấn thương nặng ở phần đầu, máu chảy đầm đìa cả cổ và hai vai áo. Trung tâm điều khiển mặt đất yêu cầu ông nhảy dù để bảo toàn tính mạng. Trong thời khắc sinh tử cận kề, ông quyết ở lại điều khiển máy bay hạ cánh để bảo vệ chiếc MiG-17 yêu quý. “Lúc ấy cơ thể tôi mất máu trầm trọng, choáng váng. Hai mắt chỉ còn nhìn được lờ mờ phía trước. Nếu nhảy dù, chắc chắn tôi sẽ sống nhưng máy bay sẽ nổ tung. Nước mình còn nghèo, máy bay cũng quý giá như sinh mạng người lính, tôi không thể bỏ rơi”.

Và ông bình tĩnh điều khiển máy bay tiếp đất. Máy bay rung giật liên hồi, tưởng như sắp vỡ ra từng mảng. Ông liên tục bẻ lái để hướng chiếc MiG-17 vào thẳng đường băng nhưng không thể hạ cánh. Ông quyết định giảm tốc cực nhanh rồi ghì chặt tay lái cho máy bay thả bánh trượt dài theo đường băng. Cánh chim sắt nặng nề lăn chậm rồi dừng hẳn trong niềm vui sướng vỡ òa của cả biên đội. “Lúc máy bay tiếp đất, tôi bị ngất xỉu không còn biết gì. Tỉnh lại trong bệnh viện tôi mới biết mình vẫn còn sống, chiếc MiG-17 được bảo toàn” - ông Quỳ bồi hồi kể.

Mặc dù bị chấn thương đầu (thương tật hơn 30%) nhưng ông vẫn viết đơn xin được về đơn vị tiếp tục tham gia chiến đấu và đào tạo nhiều thế hệ phi công cho đất nước.

Cảm hứng cho tiểu thuyết Vùng trời

Sau những trận không chiến sinh tử với kẻ thù, ông Quỳ luôn dành thời gian để viết thư cho gia đình và bạn gái. Cuộc tình của người lính không quân với cô diễn viên múa đoàn văn công thật lãng mạn. Họ gặp nhau trong một lần cô về đơn vị biểu diễn, từ đó yêu và cưới nhau. “Thời khói lửa gặp nhau rất khó, chúng tôi chỉ tâm sự qua những bức thư viết vội trước giờ vào trận. Tôi thường nhờ nhà văn Hữu Mai chuyển thư và cất giữ những kỷ vật để lỡ mình hy sinh còn chuyển về cho gia đình”. Từ những bức thư tâm tình của người lính, nhà văn Hữu Mai đã khắc họa nên những nhân vật của mình trong tiểu thuyết Vùng trời (ba tập, xuất bản năm 1971, 1975, 1980).

TẤN TÀI

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm